Từ một vùng đất được biết đến với danh hiệu chả giống ai - nơi “đi sau Mù Cang Chải khoảng 15 năm”, giờ đây Trạm Tấu đã có những bước chuyển mình xua tan đám mây mù đói khổ, lạc hậu... từng bước vươn tới cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Bản Mù bốn mùa chìm trong sương. |
Ở góc trời Tây Bắc, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái, bốn mùa chìm trong màn sương. Ngàn đời nay, dân bản sống và chết trong cái màn sương mờ huyền thoại ấy. Ở xứ này con "ma đói", "ma rét", "ma mù chữ nghĩa" cùng với con "ma anh túc" làm cho cuộc sống của người Mông, người Thái... ma mị suốt bao đời.
Nằm trên độ cao khảng hơn 1.000m so với mặt nước biển, Bản Mù sương giăng kín lối với những ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo, rải rác trên những sườn núi tịch mịch, lạc lõng đến tội nghiệp. Con đường độc đạo về bản quanh co như dải lụa bám theo sườn núi, càng vào sâu càng hoang vu, khúc khuỷu với nhiều đoạn dốc cao dựng đứng như muốn cản bước những người mới tới đây lần đầu.
Còn nhớ, cách đây khoảng mươi năm huyện Trạm Tấu được “phong” một danh hiệu đắng ngắt là “đi sau Mù Cang Chải tới 15 năm”. Bản Mù là xã "đứng đầu" (từ dưới lên) của Trạm Tấu, nên danh hiệu “mù hơn cả xứ mù” mặc nhiên được đặc cách trao cho xã.
Nhấp chén rượu ngô thơm nồng quện trong làn khói bếp, Giàng A Phông, Bí thư xã Bản Mù, trầm tư nhớ lại: Suốt bao đời, dân Bản Mù chỉ biết sống dựa vào đất với rừng, nhưng cặm cụi quanh năm mà vẫn quay quắt đói.
Trước năm 2004, cả xã chỉ có khoảng 7ha đất, mỗi năm chỉ "chuyên canh" được 1 vụ "lúa trời", không được chăm bón nên năng suất thấp. Ngoài lúa, dân bản trồng thêm được vụ ngô nhưng cũng chỉ đủ để... nấu rượu. Đã thế nhiều hộ nghèo không có ruộng, cũng chẳng có nương… cộng với thời tiết vùng cao khắc nghiệt, những ngày đông lạnh, sương mù dày đặc, cả tháng dân bản không nhìn thấy trời. Có năm rét đậm, rét hại kéo dài, đỉnh núi cao chìm trong băng giá, trong rừng già cành cây cổ thụ cũng gãy vì băng, dưới bản, trên nương cây cỏ voi, cây đu đủ cũng không sống được chứ đừng nói tới cây ngô, cây lúa.
Bí thư Giàng A Phông cho biết, chỉ khoảng 5 năm về trước thôi, tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã có thời điểm lên tới 90%. Dân đói, xã cũng chẳng còn cách nào khác là cầu cứu cấp trên hỗ trợ. Mấy năm trước đây, mỗi năm trên phải cấp 40-50 tấn gạo cứu đói. Khi đó chưa có đường ô tô về xã, chính quyền lại phải huy động cả đoàn vài chục con ngựa, lầm lũi thồ gạo từ huyện về cứu đói cho dân.
Góp thêm câu chuyện, Chủ tịch xã Sùng A Lù cho biết: Để giúp dân vượt lên khỏi cái đói cái nghèo, chính quyền xã, huyện cũng đã xoay sở đủ cách nhưng hiệu quả thu được chỉ như đám bọt trắng sủi trên dòng suối Nậm Tung. Nhìn thấy dân bản đói rách, nheo nhóc, vừa buồn, vừa xót mà bất lực...
Đói kinh niên, dân bản lại đốt rừng trồng cây thuốc phiện, khai thác lâm sản trái phép hoặc di dân tự do... Bọn trẻ đi học buổi đực, buổi cái, "thân ngồi trong lớp, hồn bay trên nương". Những người đau ốm cũng không biết lối đi đến trạm xá để chữa bệnh. Đêm về, cả bản tom tom tiếng trống cúng ma.
Với thâm niên gần 10 năm gắn bó với Bản Mù, anh Nguyễn Văn Tuân, cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu, chia sẻ: Cách trồng trọt, chăn nuôi của đồng bào trước đây được gói gọn trong hai chữ "lạc hậu" - lạc hậu toàn diện từ giống cây, thời vụ đến kỹ thuật canh tác. Ruộng nương ít ỏi, không biết gieo trồng nên dân bản quanh năm vàng mắt vì đói...
Ngôi nhà ngói mới mọc trên cánh đồng lúa vàng ở Bản Mù, nơi trước đây là bạt ngàn anh túc. |
Không chỉ ở Bản Mù, cái đói, cái nghèo như bệnh mãn tính quái ác còn lan tràn khắp các xã trong huyện. Bài toán xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân cứ đau đáu trong suy nghĩ của các thế hệ cán bộ Trạm Tấu.
Dân đói, chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng nhìn lại chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, bao năm nay chủ yếu vẫn là chính sách “cho không”. Ngày đói cho gạo; đêm tối cho dầu; mùa màng canh tác cho giống, cho phân, cho thuốc bảo vệ thực vật; đau ốm, bệnh tật cho thẻ bảo hiểm y tế… Cách thức “cho không con cá” có ưu điểm là giúp đồng bào no bụng tức thời, nhưng chỉ mang tính tình thế, bởi ăn hết “con cá” là đói lại hoàn đói.
Về lý thuyết, ai cũng hiểu là muốn no cái bụng thì phải có đủ cái ăn, do đó phải tăng vụ sản xuất, nâng cao sản lượng... Nhưng muốn thóc đầy bồ, ngô đầy sàn phải có cái “cần câu lớn”, nghĩa là phải thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất. Muốn “câu” được hạt thóc thì phải có cái ruộng; muốn "câu" được bắp ngô thì phải có cái rẫy, cái nương. Bà con còn phải được huấn luyện thuần thục kỹ thuật canh tác, lại phải có con trâu để cày, con ngựa để thồ, phải có con đường ô tô để đưa nông sản về xuôi...
Nhưng nhìn xuôi, nhìn ngược, tất cả các yếu tố phục vụ sản xuất cái nào cũng thiếu, cái khó bó cái khôn tưởng như không thoát ra được.
Trong mớ bòng bong ấy, Trạm Tấu đã tìm ra hướng đột phá từ công tác cán bộ bằng cách cử cán bộ huyện cắm bản tại chỗ. Theo đó, huyện ủy yêu cầu mỗi huyện ủy viên phải trực tiếp phụ trách một xã; mỗi cán bộ cấp phòng, ban phải phụ trách một thôn/bản. Mỗi tháng, những cán bộ này phải dành ít nhất 1/4 thời gian bám dân, bám bản, kiên trì "ba cùng", từng bước giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Nhờ chủ trương "hạ phóng" này, đến giờ Bản Mù đã xóa được đói, dân bản biết sinh hoạt, làm ăn theo lối mới, trẻ con vui chân tới trường, người ốm biết đến trạm xá, người chết được chôn trong quan tài... Những ngày này đi từ Bản Mù đến Xà Hồ, Hát Lừu, Túc Đán, Tà Xi Láng, Pá Hu…, nhà nào cũng có thóc đầy bồ, ngô đầy sàn, trâu, bò thong thả gặm cỏ ngoài bãi, thôn bản vang tiếng cười trẻ thơ. Từng thửa ruộng, mảnh nương, khoảnh rừng bát ngát một màu xanh no ấm.
Trạm Tấu đã thực sự chuyển mình.
Theo VGP News