Bát nháo tình trạng bán TPCN kê đơn, phán bệnh như “thần dược”

(PLVN) -  Xảo trá và bằng mọi mánh khóe để chạy đua mang về doanh số. Chính xác đó là một góc khuất đang diễn ra của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) qua kênh giao dịch online.
Bát nháo tình trạng bán TPCN kê đơn, phán bệnh như “thần dược”

Ở đó, những cô cậu mặt mũi “non choẹt”, không có trình độ chuyên môn về y dược nhưng lại thỏa sức kê đơn, phán bệnh để những người bệnh đang “vái tứ phương” phải móc hầu bao mua TPCN trá hình thuốc chữa bệnh với giá trên trời.

Vì hai chữ lợi nhuận nhân viên sẵn sàng dối trá, “hô biến” TPCN thành thuốc lừa dối người tiêu dung, vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật.

Ở đó những chàng trai, cô gái tuổi chừng 20, mặt còn búng sữa, không có chuyên môn về ngành y, dược nhưng có thể xưng “ông này, bà nọ” khám chữa bệnh cho khách hàng để cốt là bán được hàng

Hình thức mua - bán TPCN online ngày càng phát triển nhưng cho đến nay, công tác quản lý liên quan tới an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh online chưa được thực hiện tốt.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc mua - bán thực phẩm chức năng online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện.

 

Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Khi mua hàng cần tìm hiểu thật kỹ, xem xét cửa hàng, sản phẩm đó có uy tín hay không.

Thậm chí có thể đặt hàng ít một để kiểm tra chất lượng chứ không nên ngay lập tức đặt hàng với số lượng lớn. Khi lựa chọn thực phẩm online, người tiêu dùng nên học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm; nên chọn các sản phẩm được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, thời gian tới Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc quản lý hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng...

“Chúng tôi yêu cầu các cửa hàng, cơ sở kinh doanh online phải công khai giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm... để khách hàng được biết. Các cửa hàng kinh doanh online hay kinh doanh bình thường đều phải được kiểm tra, thẩm định, đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mới được kinh doanh; cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Vào lúc dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh online ngoài việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến thì cần bảo đảm người đi giao hàng có các trang thiết bị bảo hộ an toàn, đeo khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách ít nhất hai mét khi tiếp xúc với khách hàng” - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho biết.

Đọc thêm