Những ngày cuối tháng 3/2020, khi cả nước đang gồng mình chống dịch, thì tại Phú Riềng, suốt khu vực kéo dài tới hơn 2km hai bên mặt đường chính ĐT741, hàng trăm công nhân cùng các xe tải, máy xúc, máy đào… vẫn đang hối hả thi công “siêu công trình” này, bụi đỏ mù mịt.
Khái niệm hiếm gặp “Khu đô thị hành chính – chính trị”
Huyện Phú Riềng được thành lập từ tháng 8/2015 trên cơ sở tách một phần địa giới từ huyện Bù Gia Mập, nằm cách TP Đồng Xoài (trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước) 20km về phía bắc.
Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, tháng 6/2016, UBND tỉnh Bình Phước ra Quyết định 1492/QĐ-UBND “phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung huyện lỵ Phú Riềng đến năm 2030, tầm nhìn sau năm 2030”.
Giữa năm 2019, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 yêu cầu hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện quy hoạch, trong đó nêu rõ tại một số nơi “chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp… có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư”.
Một trong các nguyên nhân do “một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo Quyết định 1492, đây là quy hoạch chung huyện lỵ Phú Riềng. Theo đó, đến 2020 đất xây dựng đô thị khoảng 300ha, trong đó đất dân dụng khoảng 105ha. Đến 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 650,8ha, trong đó đất dân dụng khoảng 289,5ha.
Bất thường bắt đầu xuất hiện tại khoản 5 Điều 1 trong văn bản này, khi tỉnh Bình Phước quy hoạch các khu chức năng trong huyện lỵ gồm 3 khu: Khu đô thị sinh thái – dịch vụ; Khu đô thị hành chính – chính trị; Đất thương mại dịch vụ. Không chỉ bất thường về tên gọi như “Khu đô thị hành chính – chính trị”, nội dung quy hoạch lại có dấu hiệu lẫn lộn nhập nhèm “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi khu hành chính – chính trị lại có cả chức năng thương mại – dịch vụ; còn khu thương mại dịch vụ lại có cả trụ sở cơ quan hành chính...
Theo Quyết định quy hoạch này, “khu đô thị hành chính - chính trị” “bao gồm đất Huyện ủy, HĐND, UBND, cơ quan, trung tâm văn hóa – TDTT, trung tâm y tế, trung tâm giáo dục đào tạo cấp huyện (trung tâm bồi dưỡng chính trị, trường dạy nghề), đất quân sự, thương mại - dịch vụ, dịch vụ công cộng cấp đô thị và khu đô thị, quảng trường, đất phát triển hỗn hợp, các khu dân cư và đất hồ - suối - công viên cây xanh tập trung với tổng diện tích 183,8ha”.
“Siêu Trung tâm hành chính” rộng đến 180ha. |
Đất thương mại dịch vụ “bao gồm đất trụ sở cơ quan (Công an, đội PCCC và CHCN,...), trung tâm thương mại, các dịch vụ (ngân hàng, tài chính...), trung tâm y tế, trung tâm cấp đô thị (hành chính, y tế, văn hóa - TDTT, dịch vụ công cộng), đất phát triển hỗn hợp, đất ở hiện hữu cải tạo chỉnh trang và ở xây dựng mới, công viên trung tâm, đất hồ - suối - công viên cây xanh tập trung, công viên nghĩa trang với tổng diện tích 236ha”.
Nhận định về quy hoạch này, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Nói về TTHC, thường nghĩ ngay đó là một khu vực, hoặc một tòa nhà mà ở đó tập trung diện tích làm việc cho toàn bộ hoặc một phần lớn cơ quan đầu não quản lý cấp địa phương từ HĐND, UBND, các ban ngành, các đơn vị sự nghiệp; có khi còn bao gồm cả nơi làm việc của khối Đảng - Đoàn thể. Còn về khái niệm “khu đô thị hành chính - chính trị” như quy hoạch của Bình Phước thì tôi mới nghe lần đầu”.
Khu đô thị mang vỏ bọc “Trung tâm hành chính”?
Căn cứ vào quyết định quy hoạch trên, hai tháng sau, Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Nguyễn Hoàng Hùng đã ban hành Quyết định 1217/QĐ-UBND ngày 11/8/2016, “phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu TTHC huyện” với diện tích gần 170ha.
Bất thường tiếp tục xảy ra khi đây là “Khu TTHC huyện”, nhưng không chỉ có các công trình hành chính, công cộng; mà còn có các trung tâm thương mại dịch vụ và khu nhà ở liền kề, khu biệt thự...
LS Hiệp nhận xét: “Theo nội dung quyết định này, cái vỏ là “TTHC”, nhưng ruột của văn bản lại là dự án xây dựng khu đô thị. Nói cách khác, đây là một dự án khu đô thị nhưng “đội lốt” TTHC”.
Tại mục 7 Điều 1 văn bản này nêu: “Bố trí TTHC, chính trị, các cơ quan xen kẽ các hoạt động đô thị, tham gia vào hoạt động “sống” của đô thị như công trình thương mại, dịch vụ, giải trí, nhà ở kết hợp thương mại… nhằm tạo dựng không gian đô thị năng động cả ngày và đêm”.
Mênh mông những cánh rừng cao su đã bị đốn hạ nhường đất cho dự án. |
“Khai thác giá trị quỹ đất dọc các trục giao thông đối ngoại ĐT.741 và đường N3a xây dựng các công trình thương mại, các dịch vụ ngân hàng – tài chính, viễn thông, chợ trung tâm, ở kết hợp thương mại tạo động lực phát triển đô thị và bộ mặt đô thị”.
Tại mục thiết kế đô thị, nêu: “Hình thức kiến trúc đơn giản, gần gũi, có sự thống nhất trong từng dãy nhà. Để tạo bản sắc cho đô thị sinh thái, hài hòa cảnh quan thiên nhiên hồ Bàu Lách, suối Rạt… nên các công trình khuyến khích xây dựng hình thức kiến trúc mái dốc, mái ngói, sử dụng vật liệu địa phương”.
“Tuân thủ các quy định về tầng cao, chiều cao từng tầng, khoảng lùi, màu sắc, hình thức hàng rào, độ vươn ra ô văng, mái đua, ban công… trên từng dãy phố. Màu sắc quy định một tông màu chủ đạo trên từng dãy phố, tạo sự đồng nhất về kiến trúc và màu sắc, tránh tình trạng quá nhiều màu sắc trên từng dãy phố gây mất mỹ quan đô thị”.
Đi khắp Việt Nam, có lẽ không nơi nào có khu TTHC huyện có diện tích 180ha như ở huyện Phú Riềng. Từ nhiều năm nay, những khu rừng cao su mênh mông bị chặt hạ, cùng một số nhà dân phải “nhường chỗ” cho khu vực này biến thành “đại công trường”.
Cứ tưởng “TTHC” là phải tập trung theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhưng ở đây các cơ quan hành chính lại được xây rải rác. Từ phía Đồng Xoài đi lên, rẽ vào đầu “TTHC” sẽ gặp Đội Quản lý thị trường, BHXH, rồi sau đó đi qua các khu đất “TTHC” đã phân lô bán nền, vài cây số nữa mới tới tòa nhà khổng lồ là nơi làm việc của Huyện ủy – UBND huyện.
Quan sát đối chiếu trên thực tế, bản đồ và ảnh vệ tinh, nhận thấy “TTHC” này trải dài trên trục đường 2km, nhưng không đối xứng mà có hình chữ L.
Không rõ phục vụ cho bao nhiêu người nhưng trụ sở Đội Quản lý thị trường rất lớn. |
Theo hướng từ Đồng Xoài đến, đầu tiên là một số cơ quan hành chính, công trình công cộng, trung tâm văn hóa, trung tâm thương mại, những khu đất ở liền kề, đất biệt thự đơn lập, song lập. Khu giữa là đất tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa. Phía cuối vùng đất hình chữ L là trụ sở UBND - Huyện ủy, Điện lực, Huyện đội và lại những khu đất phân lô bán nền…
Một chuyên gia xây dựng đánh giá, với quy mô trên, dự án này có thể “ngốn” đến cả ngàn tỷ đồng. Trong một bài viết đăng tải giữa tháng 9/2019 trên website phurieng.binhphuoc.gov.vn, địa phương này “là huyện có điều kiện KT-XH còn khó khăn trong nhiều năm qua”. Số liệu thực tế cũng cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện này năm 2018 chỉ hơn 612 tỷ. Vậy tiền đâu để “đốt” vào dự án này?
Dự án này nhiều năm nay cũng bị những người dân có đất bị thu hồi phản đối quyết liệt, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Vì sao người dân lại phản ứng như vậy?
Còn rất nhiều bất thường khác liên quan đến dự án “siêu Trung tâm hành chính” này như đây có phải khu đô thị “đội lốt” TTHC, PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.
Theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 3/4/2017 của Thủ tướng, thời gian qua, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn một số tồn tại, hạn chế: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện KT-XH địa phương; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí.
Thủ tướng chỉ đạo việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải gắn với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, công chức, công vụ; tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định và hiệu quả đầu tư của dự án; chống thất thoát, lãng phí… Đảm bảo hiệu quả sử dụng; tránh phô trương hình thức, lãng phí tài sản công gây bức xúc xã hội.