Dự án BT đến hồi “hạ màn“?

(PLO) - Sau trào lưu thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) dường như đã đến hồi hạ màn khi nhiều nhà đầu tư “tự nguyện” trả lại dự án mà trước đó họ đã tốn công sức theo đuổi…
Với chiều dài 33 km, dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) thực hiện có tổng mức đầu tư lên đến 18.000 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi công, đây được xem là một trong những dự án “khủng” kể từ nguồn vốn đến quy mô thực hiện.
Trong bối cảnh thị trường nhà đất “một người bán, vạn người mua”, năm 2010 Geleximco khởi công dự án này với kỳ vọng các dự án đối ứng của tuyến đường cao tốc sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Theo đó, riêng tại đoạn Hòa Bình, Geleximco được tỉnh này bố trí cho 3 dự án đối ứng là Khu đô thị Yên Quang 150ha, Khu đô thị Trung Minh 130ha, sân Golf Trung Minh 36 lỗ. Tại Hà Nội, dự án đối ứng là Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600ha.
Trước khi Geleximco rời bỏ dự án, từ năm 2012 cũng đã có nhiều đồn đoán doanh nghiệp này sẽ “dứt áo” với công trình nói trên, bởi thực tế lượng tiền giải ngân cũng như công tác giải phóng mặt bằng quá ít.
Geleximco đã tuyên bố "buông" dự án 18.000 tỷ đồng
cho Hà Nội và Hòa Bình
Đồn đoán đó cũng đã thành sự thật khi ngày 16/7/2013, trên cơ sở báo cáo của tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Hòa Bình thẩm tra, đánh giá lại năng lực tài chính của Geleximco, nếu nhà đầu tư này không đủ năng lực tiếp tục thực hiện thì sẽ giao cho nhà đầu tư khác. 
Theo giới kinh doanh bất động sản, Geleximco từng thành công với các dự án BT trên địa bàn Hà Nội, điển hình như khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, điển hình thành công này không giúp cho nhà đầu tư khởi động được thêm các dự án đối ứng khác trong tuyến đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình bởi thị trường bất động sản rơi xuống đáy.
Cuối cùng, Geleximco tuyên bố “buông” dự án 18.000 tỷ đồng cho Hà Nội và Hòa Bình, mặc cho những ầm ĩ trước đó như nhà đầu tư mời nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về làm cố vấn đường cao tốc cho con đường Hòa Lạc – Hòa Bình.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng ra kết luận chính thức về việc “khai tử” bốn dự án BT đình đám khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, các dự án BT gồm đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ và đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam tỉnh Hà Tây cũ…
Trước đó, Hà Nội cũng quyết bỏ 41 dự án không đầu tư theo hình thức BT, dừng 4 dự án và chấm dứt hợp đồng với 2 dự án. Với “hệ quả” nói trên, Hà Nội chỉ còn lại 5 dự án đã xong và quyết toán, còn lại 11 dự án sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai. Trong đó, dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây có dự án đối ứng là ô đất CT03 đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3 cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dự án bệnh viện đa khoa 1000 giường giai đoạn 2 sẽ xem xét đầu tư sau 2015.
Theo phân tích của giới đầu tư nhà đất, một trong những nguyên do sâu xa dẫn đến việc các nhà đầu tư âm thầm rời bỏ các dự án BT là tính thanh khoản của thị trường địa ốc rất thấp trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, trong khi tổng mức đầu tư của các dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng nếu hàng tại các khu đô thị đối ứng không bán được thì đó sẽ là “bom nổ chậm” cho chủ các doanh nghiệp, có thể dẫn đến phá sản. 
Biết được nguy cơ đổ bể này, nhiều nhà đầu tư sau khi thu lợi trong từng giai đoạn của dự án đã nhanh chân rút lui với hình thức đầu tư BT một thời hốt bạc này. Một nhân viên môi giới bất động sản ví von, điều này giống như kiểu sau thời điểm “hết nạc”, các nhà đầu tư dự án BT thấy quá khó khăn nên quên cả “vạc đến xương”, bỏ lại dự án mặc cho những hệ lụy phát sinh với chính quyền sở tại.

Đọc thêm