Hà Nội lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(PLVN) - UBND Thành phố Hà Nội mới có Kế hoạch số 40/KH-UBND về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn Thành phố để xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp Thành phố trước ngày 10/4/2023.

Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân có mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm 3 phần chính:

Thứ nhất, lấy ý kiến cho toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật.

Thứ hai, lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triên quỹ đất; giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai…

Thứ ba, lấy ý kiến các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng, bao gồm: các tầng lớp nhân dân; các chuyên gia, nhà khoa học; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đối tượng lấy ý kiến bao gồm HĐND, UBND các cấp; các cơ quan nhà nước ở trên địa bàn Thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các tầng lớp nhân dân.

Nhân dân có thể đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo 3 cách. Thứ nhất, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại Phần III của Kế hoạch này.

Thứ hai, thảo luận tại các Hội nghị, Hội thảo theo khu vực và theo địa giới hành chính cấp huyện do cơ quan có trách nhiệm tổ chức.

Thứ ba, góp ý thông qua cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.

Các cơ quan, tổ chức và UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả đóng góp ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 24/03/2023 để tổng hợp, tạo điều kiện tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp Thành phố trước ngày 10/4/2023.

Đọc thêm