Bé gái rơi từ tầng cao chung cư: Quy chuẩn xây dựng “hở” hay chủ đầu tư “ăn bớt”?

(PLVN) - Sau tiếng động lớn, người dân phát hiện bé gái nằm bất động, tử vong thương tâm. Sự việc đau lòng xảy ra sáng nay, 31/8, tại Hà Nội.
Bé gái rơi từ tầng cao chung cư: Quy chuẩn xây dựng “hở” hay chủ đầu tư “ăn bớt”?

Đã nhiều vụ xảy ra

Theo một số nhân chứng, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, họ nghe thấy tiếng động lớn ở khu vực sảnh chung cư 24T1 Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), khi lại gần thì phát hiện một bé gái đã tử vong thương tâm.

Qua xác định, cháu bé 6 tuổi sống tại tầng 12 chung cư nói trên. Thời điểm xảy ra sự việc, bố mẹ bé không có nhà, bé rơi ra ngoài từ cửa sổ không có chấn song dẫn đến tai nạn đau lòng.

Bảo vệ của một cửa hàng dưới chân tòa nhà cho biết: “Lúc đó khoảng gần 9h, tôi đang trông xe thì thấy có tiếng người xôn xao. Tôi tới gần định xem cháu còn dấu hiệu sống thì để gọi xe cấp cứu nhưng đáng tiếc cháu đã mất rồi. Cháu bé nhìn rất xinh xắn. Thật tội nghiệp!”.

Bà Q, một cư dân tại tòa nhà thì thở dài nói: “Tôi thấy bảo chiếc giường nhà cháu để cạnh cửa sổ nhưng không có thanh chắn nên cháu leo qua và không may ngã xuống. Chúng tôi không ai cầm được nước mắt vì thương cháu và gia đình cháu. Nhìn bố mẹ cháu khóc ngất, ai cũng xót xa”.

Tòa nhà nơi xảy ra tai nạn sáng ngày 31/8.
 Tòa nhà nơi xảy ra tai nạn sáng ngày 31/8.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn thương tâm đối với trẻ nhỏ sinh sống tại các chung cư cao tầng.

Ngày 13/1/2020, một bé gái rơi từ tầng 25 chung cư 283 phố Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 18/6/2019, một bé gái 6 tuổi cũng tử vong vì rơi từ ban công tầng 14 của tòa nhà ở Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Trước đó, ngày 20/4/2019, một bé trai 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 11 chung cư VinaHud 536 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)…

Điểm chung của các sự việc nói trên là tại thời điểm xảy ra, các em nhỏ thường ở nhà một mình, đặc biệt cửa sổ hoặc ban công không có chấn song hoặc lưới an toàn.

Quy chuẩn chưa rõ ràng

Theo tìm hiểu, ban công và cửa sổ trên tầng cao các chung cư trên và nhiều chung cư khác tại Hà Nội đều đang trong tình trạng “mỗi nơi một kiểu”. 

Về cửa sổ, đa số đều là cửa kính, có nơi thiết kế bản lề chữ T, nơi theo kiểu cửa kéo trên thanh trượt, có nơi là cửa đẩy thẳng ra ngoài tạo thành mái che với độ mở 45 độ, nhưng điều nguy hiểm dễ nhận thấy là nhiều cửa số không có các song chắn hoặc rào chắn đủ an toàn.

Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng làm thế nào để giảm thiểu những vụ việc tương tự? nhất là khi nạn nhân lại là những đứa trẻ thơ ngây, vô tội. Rõ ràng, lỗi và trách nhiệm ở đây thuộc về người lớn. 

Đã đành gia đình có phần tắc trách nhưng từ phía an toàn của công trình xây dựng thì sao?

Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư. Trong đó nêu rõ: Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe theo QCXDVN 05:2008/BXD.

Theo đó, để bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập, QCXDVN 05:2008/BXD có quy định về lan can như sau: 

Chiều cao tối thiểu của lan can lô-gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng phải từ 1400mm (1,4m) trở lên; ở các vị trí khác, chiều cao tối thiểu phải từ 1,1m. 

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Vì thế không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can.

Về an toàn sử dụng kính, quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD có quy định: Cửa sổ, cửa mái và cửa thông gió phải đảm bảo đóng, mở hoặc điều chỉnh độ mở một cách an toàn.

“Kính được bảo vệ bởi vật cố định. Khi sử dụng các vật cố định (lan can, tấm chắn, ...) để bảo vệ kính tại các vùng nguy hiểm thì các vật này cần phải: Không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; Chắc chắn; Khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã”.

Nguy hiểm đến từ cửa sổ, lan can không có rào chắn an toàn.
 Nguy hiểm đến từ cửa sổ, lan can không có rào chắn an toàn.

Theo một số kỹ sư xây dựng, do chiều cao từ sàn lên tới mép dưới cửa sổ đã 1,4m nên nhiều chủ đầu tư đã “tiết kiệm” không làm chắn song hoặc lưới bảo vệ. Chính vì thế, khi mở cửa tạo ra một khoảng trống lớn, người lớn cũng có thể lọt qua chứ đừng nói trẻ nhỏ. Điều này rất nguy hiểm nhất là ở các nhà cao tầng.

Nguy cơ càng tăng thêm khi kê giường hoặc bàn ghế sofa sát ra cửa sổ. Thực tế, đa số các trường hợp bị rơi xuống đều do kê hoặc có vật dụng sát cửa, sát lan can.

“Đây chính là điểm hở trong quy chuẩn, kỹ thuật xây dựng Việt Nam. Lẽ ra, chắn song hoặc lưới an toàn cho cửa sổ phải nằm trong thiết kế bắt buộc của nhà cao tầng. Phải đưa điều này vào quy chuẩn để bắt buộc chủ đầu tư trang bị trước khi bàn giao nhà chứ không phải tùy thuộc vào chủ nhà”, một kiến trúc sư đưa ra quan điểm.

Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào? Nên chăng cần bổ xung những quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trong khi sử dụng nhà chung cư? PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm