"Bệnh" để dành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người xưa có câu: “Tích cốc phòng cơ”, rồi thì “Khéo ăn thì no/ Khéo co thì ấm” để nói về chuyện tiết kiệm, dành dụm, ăn nhịn để dành. Để dành ban đầu như là một ưu điểm. Nhưng giờ đây, để dành biến dần thành "bệnh".
"Bệnh" để dành

1. Để dành là thói quen của con người từ thời tiền sử, khi thức ăn kiếm được, chưa dùng đến thì cất vào một chỗ kín đáo và bảo quản sao cho giữ được lâu để dùng dần.

Nói đâu xa, con kiến đã biết gom hạt gạo về cất giữ. Có lần tôi đã thu được cả bơ gạo dưới lòng đất nền nhà mà đàn kiến lửa tích cóp. Gạo được chúng khuân về từ thùng gạo đặt ở góc bếp. Hay có lần vào rừng tôi moi được cả vốc hạt dẻ trong hốc cây trú ngụ của một con sóc. Loài chim chóc như quạ cũng tha lôi đủ thứ đồ dùng của con người như gương, lược về cất vào tổ, dù nó chả dùng đến. Nhặt nhạnh để dành thành tâm lí chung cho loài vật có bộ não thì phải!

Đó là câu chuyện trong thiên nhiên.

*****

2. Với chuyện để dành thì con người là sư phụ của muôn loài.

Đồ ăn món mặc, đồ dùng phương tiện đến tiền bạc và thậm chí cả thời gian là thứ trừu tượng nhất cũng được con người dành dụm bằng cất giữ hoặc tiết kiệm khi dùng.

Nói về dành dụm, dân vùng Bắc Bộ từng có câu nổi tiếng mà dân Nam nghe cứ mủm mỉm cười không hiểu, đó là: “Khéo ăn thì no/ khéo co thì ấm” đó sao. Thời bao cấp khốn khổ, miếng ăn chạy từng bữa, đến cái giẻ rách cũng không dám vứt ngay khi nó chưa mủn. Biết đâu lại có lúc còn dùng vào được việc gì.

Thiếu thốn bần hàn làm cho con người ta ti tiện

Đó là những năm xuất hiện những từ mới chưa có trong từ điển: hàng thùng, hàng sida, đồ viện trợ từ các nước bạn gửi sang, họ gom cho quần áo cũ đủ loại... Đó là những năm tháng thiếu thốn cay đắng và tủi nhục. Ai có sống vào thời ấy mới thấy cái mơ ước yên hàn để làm ăn nó thiêng liêng đến thế nào, cần thế nào cho mỗi chúng ta.

Để tồn tại, thì để dành như là một phương cách dự phòng tốt nhất dù chỉ là bản năng, nhưng an toàn nhất. Nghĩ mình có lúc hóa ra cũng giống như con sâu cái kiến trong tích lũy của để dành!

Câu “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (cất giữ lương thực phòng khi đói kém/cất giữ áo ấm phòng khi giá lạnh) của người xưa được tân dụng triệt để thời bao cấp rồi kéo dài liên miên.

Để dành ban đầu như là một ưu điểm. Nhưng lâu rầy, để dành biến dần thành bệnh.

Kể ra thì có quá nhiều, chỉ lấy một ví dụ đơn giản. Ở căn hộ cấp 4 mưa táp vách, mái dột, người ta ước ao nhà mái bằng, tường gạch. Có căn hộ tập thể rồi thì mơ nhà riêng. Có riêng rồi ước mơ biệt thự. Có biệt thự thì mua ô tô, kiếm chút chức tước, càng to càng tốt. Nhu cầu riêng đủ rồi thì tìm cách xoay xở đất đai nhà cửa cho con. Có cho con rồi lại nghĩ đến cháu. Với tiền nong cũng thế. Ban đầu dành ít triệu, có rồi lại lo tiếp dành tiền tỉ, rồi từ đó sang nhà đất và cuối cùng là vàng, kim cương... Lo đất cát hậu sự, rồi lo thêm tài sản cho cháu chắt.

Chính cái bệnh để dành này cũng là một kênh góp phần tích cực làm nên tham nhũng.

Thực ra sự chi dùng bình thường của một con người có đáng bao nhiêu đâu so với đống tài sản không lồ của kẻ tham nhũng. Có kẻ đã vét “voi” được của cải có thể ăn đến ba bốn đời chưa hết mà vẫn chưa chịu dừng.

*****

3. Lấy ví dụ để dành, một ưu điểm có từ trong loài vật và đến con người. Một ưu điểm để duy trì cho cuộc sống an toàn là rất cần thiết. Cũng vì biết để dành mà con vật đến con người đều cố gắng lo xa. Để dành mở đầu cũng là động lực tốt. Nhưng khi thái quá thành hỏng. Tích lũy đồ cũ kí làm nơi ở thành bãi rác, ô nhiễm môi trường. Còn tích lũy của cải bằng chiếm đoạt thành hành động phi pháp tham nhũng. Hai chữ để dành, con người không cần học, nhưng để biết giới hạn nó thì phải học cả đời. Có khi cuối cùng dừng lại trong nhà lao học tiếp!

Đọc thêm