Bệnh 'né' của người Việt

(PLVN) - Ngay từ nhỏ, đứa trẻ mỗi khi bị té, bà và mẹ sẽ “đánh chừa cái ghế, cái bàn làm em ngã”… Luôn là như thế, lỗi không phải do bản thân mình, mà do “hoàn cảnh xô đẩy”… Trong gia đình, người đàn ông thường không mấy khi nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm… Ra xã hội sẽ là “không phải việc của mình”, xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ là “ lỗi tập thể, lỗi đánh máy”… 
Minh họa: Những cỗ máy học… vô cảm?
Minh họa: Những cỗ máy học… vô cảm?

Bởi số đông đều như vậy, nên trong muôn vàn nỗi sợ, với nhiều người Việt, luôn là sợ… trách nhiệm…

“Không phải chuyện của mình”

Phiên chợ sáp Tết khá đông, người người chen lấn, tranh nhau chọn lựa từng loại quả đẹp, những bông hoa tươi, ai cũng mong căn nhà mình sẽ đẹp đẽ và đàng hoàng nhất trong năm mới. Bỗng một người đàn ông đội chiếc nón lá hơi trụp xuống, tay thò vào túi xách của một người phụ nữ đang mua cam. Chị mải chọn lựa mà không hề biết được chuyện gì đang diễn ra. Chiếc ví từ từ lộ ra khỏi túi, nó màu đỏ và bóng bẩy làm sao. 

- Mẹ, mẹ nhìn kìa, ông ta đang lấy cắp tiền đó. 

- Mẹ nó giật nhẹ tay nó bảo: Thôi, con đừng để ý làm gì. Kệ người ta.

- Nhưng cô kia đang bị lấy cắp mà mẹ. Con hét lên nhé? 

- Không được đâu con. Kệ người ta. 

- Sao thế mẹ? Nó cứ thắc mắc một mình mà không tìm được lời giải đáp nào cho bản thân.

Rồi nó lớn lên, nó chỉ cắm đầu học. Trong giờ học hôm ấy, nó nhìn thấy một bạn nam quậy phá, lớp bị trừ điểm sổ đầu bài nhưng thầy giáo không ghi tên bạn nam đó vào vì thầy không biết ai là thủ phạm.

Không những thế lớp nó còn bị cảnh cáo dưới cờ vì thiếu tôn trọng giáo viên. Trước đó thầy giáo đã nói, nếu ai tự nhận lỗi thì thầy sẽ phạt chỉ mình người đó và giảm nhẹ tội. Không ai đứng dậy. Thầy hỏi tiếp: Em nào phát hiện ra thủ phạm hãy cho thầy biết ngay, nếu không thầy kỷ luật cả lớp. Cả lớp không có cánh tay nào giơ lên…

Và hình ảnh quen thuộc ngày nay, trong mỗi gia đình, là những cậu con trai 4-5 tuổi ngồi khoanh chân trên ghế, tay cầm điện thoại xem. Mẹ thì tay năm tay mười bóc tôm, đút con từng thìa cơm. Hầu hết mọi đứa trẻ được mẹ, bà phục dịch như vậy. Từng miếng cơm. Từng manh áo. Và coi đó là điều hiển nhiên.

“Bởi bố chúng tôi cũng được bà nội phục dịch. Sau thì có mẹ phục dịch bố. Già thì có con gái phục dịch. Nên đàn ông chúng tôi đều giống nhau: Vô tâm. Và cả ích kỷ”... -một người đàn ông đã thẳng thắn bày tỏ như vậy.

Những câu chuyện như trên vẫn đang tồn tại phổ biến trong cuộc sống, từ mỗi gia đình cho tới xã hội về lòng tự trọng và tự chịu trách nhiệm. Bởi mỗi đứa trẻ đã không được dạy bài học về sống có trách nhiệm.

Thế nên, tới một ngày, ở đâu đó trong cuộc sống, trách nhiệm đã trở thành quả bóng được một số “kịch sĩ” chốn quan trường đẩy đi đẩy lại khéo léo đến độ mà cuối cùng chẳng ai nhận trách nhiệm và khiến cho sự việc bị “rơi vào quên lãng”.

Điển hình là vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng khiến ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 4 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hay vụ việc liên quan đến những sai phạm ở Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), khi ông Phùng Danh Thắm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự, bản án dành cho hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng vì “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”… 

Những ví dụ trên cho thấy, tình trạng “ngại, sợ, né” và thiếu trách nhiệm diễn ra ở nhiều nơi với các mức độ khác nhau. Suy cho cùng thì đó là nỗi sợ thường trực, án ngự trong con người, nó có tên là Sợ Trách Nhiệm. Sợ chịu trách nhiệm, chính là nguyên nhân của thái độ bàng quan, nhắm mắt làm ngơ trước những việc chướng tai gai mắt.

Thấy tai nạn xảy ra trên đường, máu me loang lổ, vẫn đi qua vì “không phải chuyện của mình!”…Không phải chuyện của mình, câu nói dù phát ra từ cửa miệng hay trong suy nghĩ cũng chỉ là cách biện hộ quen thuộc của con người, một kiểu người sợ chịu trách nhiệm.

“Sống tốt em nhé, hôm nay anh không về nhà”…

Theo Từ điển tiếng Việt: “Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Và “trách nhiệm là phải bảo đảm làm tròn những việc được giao. Nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả”. Với nghĩa như trên, rõ ràng là bất kỳ người nào trong xã hội chúng ta cũng phải có trách nhiệm, ít nhất là với bản thân, gia đình, người thân, với cộng đồng và với tự nhiên...

Thẳng thắn nhìn vào ba từ “chịu trách nhiệm”, PGS TS Toán Chu Cẩm Thơ đơn cử: Trong số những người khám bệnh, kê đơn thuốc cho bạn, họ khác nhau ở chỗ “được phép hành nghề” và hành nghề “không có phép” .

Có thể một lúc nào đó, họ đưa ra lời khuyên cho bạn là bạn nên làm gì, uống gì, ăn gì, … Nhưng khác nhau ở chỗ, những người có phép mới đảm bảo rằng họ “ Phải chịu trách nhiệm “ khi xảy ra hậu quả tệ hại nào đó đối với bạn.

Năm 2006, tôi chính thức sắp xếp thời gian để theo học Luật một cách nghiêm túc. Mặc dù trước đó, tôi đã chọn tích lũy giá trị thông qua chữ TÍN, và luôn dẫn TUÂN TỬ, HÀN PHI TỬ khi suy nghĩ về vấn đề xã hội, về TRÁCH NHIỆM của bản thân.

Nhưng đến khi nghiên cứu BỘ LUẬT HÌNH SỰ (năm đó là Luật 1999) với tư cách một người học luật,  tôi mới hiểu rõ từ “CÓ THỂ LÀM” phải đi kèm với “CHỊU TRÁCH NHIỆM”.

Nếu trước đó ai hỏi tôi: “Em có thể làm được không?”, tôi sẽ trả lời “Có” nếu tôi thấy mình muốn làm, có chút khả năng để làm, thì từ lúc đó, tôi phải suy nghĩ lại xem mình “có khả năng chịu trách nhiệm về việc mình làm hay không?”. Người làm giáo dục, trước hết phải được giáo dục là vì lẽ đó: bạn chấp hành pháp luật để làm gương, và chứng mình mình có khả năng.

Nhưng thực tế tôi biết, có nhiều người đi dạy, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục mà không có phép, hoặc có phép nhưng dám sử dụng những người không có phép. Những lớp học ấy đang diễn ra. Những dịch vụ vẫn đang hoạt động. Muốn làm là có thể làm, những từ ngữ đầy tích cực ấy khuyến khích chúng ta làm.

Nhưng nếu bạn thực sự “sẽ làm”  thì bạn nên ngừng lại 1 chút, để suy xét mình “có thể chịu trách nhiệm” hay không? Chúng ta biết, sự thành công là do bạn lựa chọn, mà điều kiện cần là ở chỗ bạn có đủ khả năng CHỊU TRÁCH NHIỆM về nó - và đó là một thành phần của ĐẠO ĐỨC- PGS TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.

Có thể nói, đối với một người có đạo đức, họ cũng sợ sự trừng phạt của nhà nước nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng của xã hội nếu làm gì trái đạo lý. Nhưng đó không phải là điều đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất đối với một người có đạo đức là sự giày vò bản thân khi mình làm những chuyện đi ngược lại lương tâm của chính mình, phản bội lại lẽ sống và nguyên tắc sống mà mình muốn theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào phông văn hóa và cả một quá trình giáo dục của mỗi người. 

Bởi thế, nguyên nhân của việc sống thiếu trách nhiệm phần lớn là do sự nuông chiều, bao bọc của cha mẹ với con cái và không giáo dục ngay từ nhỏ, để rồi khi lớn lên các em đã thể hiện cái tôi quá lớn mà thờ ơ với mọi người xung quanh, thậm chí là với chính người thân và bản thân mình.

Và hơn bao giờ hết, phụ huynh ngày nay cần học cách “buông tay” con. Bởi người trưởng thành luôn biết chịu trách nhiệm với cuộc sống và với chính mình ngay từ những việc nhỏ bé…

Có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình giáo dục và lối sống người Nhật, bà Tsuruta Kanako - giám đốc Trung tâm ngoại khóa Izumi Juku tại TP HCM cho biết, ở Nhật, những đứa trẻ 9 tuổi đã biết hy sinh, kiên nhẫn, công bằng xã hội; văn minh nhưng vẫn giữ gìn văn hóa truyền thống sâu sắc.

Theo bà Tsuruta Kanako, Nhật Bản đã đầu tư vào giáo dục từ nhiều thế kỷ trước, trong đó họ đặt vấn đề giáo dục nhân cách làm gốc. Các em sẽ học từ những việc nhỏ như lau bảng sau khi hết giờ học, xếp bàn ghế ngăn nắp đúng chỗ, nhường nhịn lẫn nhau, biết xếp hàng chờ tới lượt.... hay đơn giản là luôn nở nụ cười khi gặp giảng viên, bạn bè…

 Và nhân cách người Nhật càng lan rộng trong thảm họa động đất sóng thần vào năm 2011, gần 16.000 người tử vong, nhiều vùng của Nhật bị tàn phá nặng nề. Nhưng trong thảm họa, nhiều câu chuyện về tinh thần, trách nhiệm và sự kiên cường được thế giới biết đến. Đó là cách họ kiên nhẫn xếp hàng để nhận cứu trợ, cùng nhau khắc phục sự cố và vượt qua mất mát.

Khi cơn động đất vừa ập tới, 50 nhân viên nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã có thể bảo toàn được tính mạng nếu chạy đi. Nhưng họ quyết định cố thủ tại vị trí làm việc để ngăn mức độ rò rỉ phóng xạ ra môi trường, dẫu nồng độ phóng xạ tại nhà máy lúc đó đã vượt ngưỡng gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Trong email cuối cùng gửi vợ, một nhân viên viết “Sống tốt em nhé, hôm nay anh không thể về nhà...”.

Cũng trong thảm họa, bức thư của một người Việt kể về cậu bé 9 tuổi Nhật Bản đã khiến nhiều rơi nước mắt. Cậu bé này đứng cuối hàng để đợi nhận thức ăn, một nhân viên cứu trợ đã đưa cậu khẩu phần ăn của mình. Sau khi cúi người cảm ơn, thay vì ăn nó, cậu bé đã ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng rồi quay lại xếp hàng để bao lương khô được phát chung cho mọi người…