Thực tế thì chuyện bệnh nhân đưa phong bì “cám ơn” bác sỹ và mức đưa bao nhiêu, hầu hết đều truyền tai nhau, người nọ mách người kia. Bệnh nhân đến sau thấy bệnh nhân đến trước đã có phong bì lót tay bác sỹ mà mình không làm như vậy thì không yên tâm nên đành "bấm bụng" chấp nhận.
|
Nhiều trường hợp, trước khi đưa con em mình vào phòng mổ, người nhà bệnh nhân thường hỏi y tá của ca mổ đó nên đưa phong bì bao nhiêu thì vừa. Tất nhiên câu trả lời mà họ nhận được thường là lời khuyên: Chỉ nên đưa phong bì cám ơn sau khi ca phẫu thuật đã hoàn thành và mức đưa thì… “tùy tâm” nhưng tiếp theo đó là câu gợi ý “với ca mổ của người nhà bác thì cháu thường thấy mọi người hay làm 5-7 triệu”.
Có bệnh nhân sau khi ra viện đã than thở, chi phí cho ca mổ, cộng với viện phí nằm viện và tiền thuốc điều trị trong một tuần chỉ hết khoảng 5 triệu nhưng phong bì cám ơn cho ca mổ đó cũng mất bằng ấy tiền.
Đã không ít bệnh nhân và người nhà của họ phàn nàn về việc tốn kém thậm chí “cắn răng” để làm phong bì cám ơn cho vừa lòng bác sỹ, nhưng họ đâu biết rằng, chính họ đang là người “vẽ đường cho hươu chạy” và đang tiếp tay cho thói đòi hỏi vô cảm của một bộ phận thầy thuốc.
“Các bác cứ thử không đưa phong bì cám ơn xem họ làm gì được mình? Đằng nào thì ca mổ cũng đã hoàn thành, mình không đưa phong bì chẳng lẽ bác sỹ lại tháo chỉ ra à?”. Nghe câu này, nhiều người đã phản ứng: Đúng là phẫu thuật xong rồi, nhưng vấn đề điều trị sau hậu phẫu thì ai lo cho mình?. Con em mình vẫn nằm tại bệnh viện này cả tuần, thậm chí nửa tháng mới ra viện, nếu cám ơn bác sỹ mà không “biết điều” thì họ có chăm sóc tận tình hay không?.
Và dù các bệnh viện dán đầy rẫy các tờ khuyến cáo “Bệnh nhân và người nhà không được đưa phong bì cho bác sỹ, nếu ai vi phạm phải chịu trách nhiệm”. Nhưng đến nay hầu như chưa có bác sỹ nào bị xử lý về việc nhận phong bì cám ơn của bệnh nhân thì nói gì đến chuyện bệnh nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Nhiều người còn có tâm lý, đồng tiền sẽ giải quyết được chuyện quá tải, bởi có tiền cho nhân viên y tế thì sẽ được nằm giường chứ không phải nằm vạ vật ngoài hành lang; có chút tiền bồi dưỡng sẽ được phát số vào khám trước, không phải chờ đợi từ sáng đến chiều; sẽ được lấy kết quả xét nghiệm sau 30 phút thay vì phải đợi sang hôm sau...
Vậy là ai cũng có tâm lý muốn được việc cho mình, muốn được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn nên đã dùng đồng tiền để mua chữ “Đức” của cán bộ y tế, mặc cho biết bao bệnh nhân khác cũng đang trong cảnh ngộ như mình....
Chính vì tư tưởng “chỉ nghĩ cho bản thân” mà bệnh nhân và người nhà của họ đã và đang tự làm khổ mình. Và không phải là không có lý khi cho rằng, thói hư, tật xấu của một bộ phận thầy thuốc hiện nay bên cạnh sự xuống cấp về mặt nhân cách và đạo đức, còn có bóng dáng của những “thói quen phong bì” từ bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện K:
Phải rạch ròi giữa luật pháp, văn hóa và tình cảm
- Có lẽ bất kỳ ai ngay khi mới nhập môn vào trường học theo đuổi ngành y, họ đã được học tập lời thề Hyppocrates, 12 lời thề y đức và đặc biệt là lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường, các em sinh viên đã được chúng tôi giáo dục rằng nghề y là nghề cao quý, món quà vô giá của nghề y chính là sức khỏe người bệnh, đó mới là cái đáng quý. Một khi đã khoác lên mình tấm áo trắng của nghề y thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến cái Tâm của người thầy thuốc- đấy là y đức.
Người thầy thuốc bao giờ cũng có tâm của người thầy thuốc, còn người bệnh thì có tấm lòng của họ. Vấn đề là ở chỗ, những người nào tiêu cực, người nào tham nhũng thì phải tìm ra. Chúng ta phải rạch ròi đâu là luật pháp, đâu là văn hóa và đâu là tình cảm, đạo đức? Ngay khi Bộ Y tế phát động phong trào thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, Bệnh viện K đã tổ chức 6 đợt tập huấn cho hơn 600 cán bộ, nhân viên trong bệnh viện; các Khoa, Phòng đều hưởng ứng và có cam kết thực hiện. Chúng tôi cũng đã niêm yết công khai các quy tắc ứng xử này để mọi bệnh nhân đều được quyền giám sát, theo dõi..
.
Tôi xin khẳng định, cán bộ ngành y nói chung đều có cái Tâm của nghề, nhưng cũng giống như mọi ngành nghề khác, ngành y cũng không thể tránh khỏi một vài tiêu cực. Mặt trái của nền kinh tế thị trường dễ tạo cho con người những ảnh hưởng không tốt mà chúng ta phải tìm cách hạn chế những mặt trái này.
|
Đức Duy