"Chúng tôi nhận trách nhiệm về vụ để mất trẻ sơ sinh, nhưng đến đâu phải do cơ quan pháp luật xác định. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này tại bệnh viện sau 55 năm thành lập", Phó giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết.
Chiều 3/11, Khoa sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trở nên náo loạn vì một sản phụ bị mất con. Sáng cùng ngày, một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, đầu đội mũ giấy xanh, đến phòng sản phụ Trần Thị Thơm (34 tuổi, Hưng Yên) đang nằm, nói là bế bé đưa đi xét nghiệm máu, song đến giờ vẫn không thấy trả lại.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi chị Thơm đang nằm cho biết, về quy trình sinh, sau khi tắm bé xong, nhân viên y tế sẽ lấy máu gót chân cho trẻ để xét nghiệm sàng lọc sơ sinh luôn, chứ không có chuyện giao cháu cho mẹ rồi lại bế đi để lấy máu tiếp. Bình thường với những trường hợp đẻ thường, việc lấy mẫu máu cho bé sau 24 giờ sơ sinh, còn đẻ mổ như chị Thơm là sau 48 giờ.
Theo bác sĩ Lan, khi trao con cho chị Thơm, nhân viên y tế có dặn mẹ "tắm rồi, lấy máu xét nghiệm rồi nhé" nhưng sản phụ không nghe thấy. Nhân viên này còn đứng lại khai thác hồ sơ của mẹ tại giường. Do vậy, khi có một người mặc áo blouse trắng đến bế cháu đi đưa đi xét nghiệm, sản phụ Thơm vẫn đồng ý. Lúc đó tầm hơn 10h sáng, cũng là giờ người nhà được vào thăm. Theo điều tra của công an, một sản phụ khác cùng phòng chị Thơm cho biết là có nghe thấy lời dặn của nhân viên y tế nọ.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có buổi làm việc với gia đình chị Thơm. |
Chị Trần Thị Dịu, em gái sản phụ vừa nói vừa ngân ngấn nước mắt: "Khi người phụ nữ đó bế cháu đi, tôi đã không yên tâm, bảo cho đi cùng, cô ta nói là không cần, ’bế đi xét nghiệm xong sẽ bế về’. Thế nhưng đợi mãi tôi vẫn không thấy trả cháu lại, hỏi thì mấy cô y tá (bác sĩ) vừa cười vừa bảo ’cháu đi xét nghiệm, bác sĩ lại mang trả thôi, rồi ’yên tâm, bình tĩnh, không mất đâu mà sợ’...".
Chị Dịu nhìn thấy người phụ nữ này bế bé đi về phía nhà vệ sinh ở phía sau, trong khi thực ra phòng xét nghiệm lại ở hành lang trước.
"Sai sót của chúng tôi là không nói rõ cho sản phụ và người nhà phải bế bé xuống phòng xét nghiệm nằm ở đâu, nếu không thì đã không xảy ra sự việc. Khi được báo tin tôi lo lắng vô cùng, thấy thật kinh khủng. Chúng tôi đã kiểm tra tất cả các bé trong khoa xem có cháu nào như thế không", bác sĩ Lan nói.
Phòng sau đẻ mổ của chị Thơm nằm trên tầng 6 khoa sản 2, thuộc tòa nhà G (chính giữa Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Ở thời điểm mất con, chị Thơm đang nằm trong phòng đôi cùng một sản phụ khác, đối diện nhau, tất cả các bé đều về với mẹ.
Khoa sau đẻ này thường mở cửa hai lần (sáng và chiều, mỗi lần vài tiếng) cho người nhà bệnh nhân vào thăm, và không hạn chế số lượng người. Do vậy, ở thời điểm thăm bệnh, trong khoa có rất đông người ngoài và cả các nhân viên y tế. Các sản phụ rất khó mà phân biệt được y tá thật và những người muốn trà trộn vì mục đích xấu. Và đến nay, chưa có tiền lệ mất trẻ nên hầu như không có ai cảnh giác trước việc này.
Theo một số sản phụ nằm gần phòng với chị Thơm, sự việc đánh cắp trẻ này khiến họ rất hoảng sợ. "Từ giờ bác sĩ bế con đi đâu tôi sẽ đi theo đấy", sản phụ Nga ở Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ.
Về vấn đề này, bác sĩ Lan thừa nhận "tầm 10h sáng là lúc bệnh viện mở cửa cho người nhà bệnh nhân vào, lúc đó rất đông, hàng trăm bệnh nhân, người nhà ra vào, nên thật khó giám sát việc có người vào bế trẻ ra".
Ngoài ra theo bác sĩ, "những người vào viện có rất nhiều lý do khác nhau, nhiều người muốn cho con ra viện thật nhanh cho kịp giờ, dù bệnh viện chưa cho phép. Tất cả những trường hợp này trong hồ sơ bệnh án đều ghi là bỏ về, và đều khó kiểm soát".
Trước sự việc nghiêm trọng này, người nhà chị Thơm cho rằng trách nhiệm chính là ở bệnh viện. Anh Thành, em trai chị Thơm bức xúc cho rằng các bác sĩ trong bệnh viện đã thiếu trách nhiệm: "Cháu đi lâu thế mà khi gia đình thông báo bác sĩ vẫn không tìm xem, lại còn bảo cứ bình tĩnh, không việc gì phải vội, có thể trẻ phải đi xét nghiệm nhiều nơi... Tại sao bệnh viện có nhân viên bảo vệ mà khi người ta mang đứa bé ra đi lại không ai biết?".
Còn em gái chị Thơm thì chia sẻ: "Bao nhiêu khó khăn, gian khổ vợ chồng chị ấy mới sinh được đứa con trai, mất gần 7 năm trời. Chuẩn bị bầu, mang thai rồi đến lúc đẻ, chị Thơm đều đến bệnh viện. Hôm sinh cháu, chị phấn khởi lắm, thế mà hôm qua nay chỉ toàn khóc gào đòi con. Đến hôm nay thì mệt, chả nói được nhiều, không khóc được, môi nhợt nhạt".
Nhận trách nhiệm về vụ để mất bé sơ sinh, nhưng ông Vũ Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Trách nhiệm đến đâu phải rất rõ ràng, cơ quan pháp luật là người xác định. Chúng tôi sẽ tiếp thu, kiện toàn công tác quản lý bệnh viện. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như thế này. 55 năm thành lập bệnh viện đến nay chưa từng có trường hợp nào tương tự".
"Tôi nghĩ đây là loại hình tội phạm mới. Quả thực không thể nghĩ có thể xảy ra điều này", ông nói thêm.
Công an đang tập trung điều tra, mong trong thời gian sớm nhất có thể tìm được cháu trao trả về cho gia đình. Hôm qua, công an đã mời tất cả nhân viên y tế có liên quan lên làm việc. Còn gia đình chị Thơm đã mời luật sư vào cuộc.
Theo Nam Phương- vnexpress