Bếp ăn thiện nguyện 'đỏ lửa' ấm bao lòng người giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bất chấp khó khăn và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những bếp ăn thiện nguyện gây dựng nhờ tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân được mở ra ngày càng nhiều, với mong muốn góp sức cùng địa phương chống dịch...
Bếp ăn thiện nguyện 'đỏ lửa' ấm bao lòng người giữa đại dịch

Bếp ăn thiện nguyện Đình Phúc của vợ chồng chị Dương Diệp Đoan Ngân và anh Vũ Đình Phương (ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn "đỏ lửa" nhiều ngày nay.

Chị Dương Diệp Đoan Ngân (áo xanh) và những người bạn đang chuẩn bị các phần ăn cho người nghèo, người khó khăn

Chị Dương Diệp Đoan Ngân (áo xanh) và những người bạn đang chuẩn bị các phần ăn cho người nghèo, người khó khăn

Ban đầu, vợ chồng anh chị chỉ nấu khoảng 30 - 40 suất cơm/ngày. Hoạt động thiện nguyện dần lan tỏa, nhiều người biết đến và chung sức hỗ trợ nên nâng lên khoảng 100 suất/ngày, những ngày cao điểm lên đến gần 200 suất.

Vợ chồng anh cùng những người bạn nấu nướng, chia phần cơm và thức ăn rồi chuyển trao tặng các bệnh viện, cây xăng, nhà trọ sinh viên nghèo, khu phong toả, nơi cách ly... trên địa bàn TP Cần Thơ.

Chuẩn bị rau củ để tặng người dân

Chuẩn bị rau củ để tặng người dân

Vợ chồng anh Phương, chị Ngân làm kinh doanh nội thất, hiện phải tạm ngừng kinh doanh do dịch bệnh, khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thấy nhiều cảnh đời khốn khó, vất vả hơn mình, anh chị nảy sinh ý tưởng nấu đồ ăn tặng.

Chị Ngân cho biết, mỗi ngày từ 7h chị và những người bạn gần nhà bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu và chế biến thức ăn để kịp cung cấp phần ăn trưa cho người dân. Phần ăn luôn đầy đủ món mặn, món xào, món canh đảm bảo dinh dưỡng cho những người cần giúp đỡ.

Chị thường xuyên đổi món, khi thì thịt heo, lúc thì thịt gà, cá… để người ăn đỡ ngán. “Làm việc thiện giúp ích được cho mọi người cảm giác vui lắm, làm không thấy mệt luôn”, chị Ngân chia sẻ. Khi cơm đã chuẩn bị xong, anh Phương lấy xe máy, cẩn thận sắp xếp các hộp cơm lên rồi đem đến cho những nơi người dân cần giúp đỡ. Những hộp cơm trao tận tay người cần như trao nhau hơi ấm giữa cái lạnh của cơn mưa nặng hạt.

Những phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của chị Ngân sẵn sàng trao tận tay người dân

Những phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của chị Ngân sẵn sàng trao tận tay người dân

Gần 2 tháng nay, bếp ăn nghĩa tình của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (47 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KV2, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ luôn đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch và bà con khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Chị Hạnh cho biết, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7, mỗi ngày chị nấu trên 100 suất cơm tặng lượng trực chốt kiểm soát, truy vết F0, F1... Đến ngày 25/8, khi phường trở thành vùng xanh, chị bỏ tiền túi mỗi ngày nấu 40 suất ăn hỗ trợ bà con nghèo và lực lượng gác chốt kiểm soát vùng xanh.

“Dịch bệnh ai cũng khó khăn, mình giúp được ai cái gì thì giúp, hỗ trợ ai được gì thì hỗ trợ. Gia đình chị từ trước tới giờ thường phát tâm nấu cơm từ thiện hàng tháng cho chùa và các nơi khác”, chị Hạnh tâm sự.

Chị Hạnh trao tận tay phần ăn cho những người ở chốt kiểm soát

Chị Hạnh trao tận tay phần ăn cho những người ở chốt kiểm soát

Đều đặn, mỗi ngày chị Hạnh thức từ lúc 5h để chuẩn bị các phần ăn đến 7h30 thì đem gửi từng chốt ở khu vực. Chiều 14h, chị đi chợ mua đồ ăn để chuẩn bị các phần ăn đến 16h30 lại đem đến các chốt. Kinh phí làm từ thiện mỗi ngày khoảng 400.000 được lấy từ tiền lời bán gạo của gia đình.

Việc thiện nguyện của chị Hạnh được sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ chị là bà Lữ Thị Kim Dung (73 tuổi). Hàng ngày bà phụ giúp chị Hạnh nấu cơm để gửi cho lực lượng trực chốt. “Mỗi ngày phụ nấu 2 nồi cơm, mỗi nồi 8kg gạo. Làm công việc này cũng quen rồi, vì trước đây thường nấu cơm từ thiện cho chùa cho bệnh viện. Nhìn thấy anh em chiến sĩ đang ngày đêm canh gác giữ vững vùng xanh ở các khu vực thấy thương lắm nên mình hỗ trợ, tiếp sức được gì cố gắng hỗ trợ“, bà Dung nói.

Tương tự, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã đề xuất phường cho phép thành lập bếp ăn nghĩa tình phục vụ các lực lượng tuyên truyền và trực tại 12 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.

Ban đầu, bà Mai tự trích tiền túi để làm quỹ cho bếp ăn. Dần dần, có nhiều nhả hảo tâm đóng góp kinh phí và lương thực thực phẩm như: gạo, thịt, cá, rau củ… Mỗi ngày, có khoảng 210 suất ăn được trao tận tay lực lượng trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch, lực lượng tình nguyện viên tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên địa bàn phường Long Tuyền.

“Chứng kiến lực lượng trực chốt ngày đêm căng mình để đảm bảo an toàn cho bà con khu vực, thấu hiểu sự vất vả của họ, tôi muốn được tiếp sức bằng cách nấu những phần ăn dinh dưỡng để họ có sức khỏe tốt hoàn thành nhiệm vụ”, bà Mai giãi bày.

Hơn 1 tháng qua, cô giáo Trần Thị Kim Thoa (49 tuổi, Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng lập bếp ăn hỗ trợ cơm miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.

Mỗi ngày cô giáo Thoa vượt hơn 10km đến bếp ăn đặt tại xã Phú Mỹ (Sóc Trăng), cùng người dân nơi đây hỗ trợ nấu mỗi ngày hơn 70 suất cơm chuyển tặng lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch. Bếp ăn của bà hỗ trợ 12 chốt kiểm soát dịch và một trạm y tế xã.

Với 70 suất ăn mỗi ngày, cô Thoa đã bỏ ra chi phí trên 600.000 đồng, chưa kể tiền gạo. “Trước đó, tôi tự bỏ tiền túi để lập bếp ăn. Nhưng do lương giáo viên không đảm đương nổi, nên tôi đã lên mạng xã hội vận động nhà hảo tâm góp sức. Cũng nhờ tham gia thiện nguyện đã lâu, nên khi kêu gọi cũng được nhiều người chung tay để duy trì công việc thiện nguyện trong mùa dịch”, cô giáo Thoa chia sẻ.

Chị Hạnh và mẹ đang chuẩn bị phần ăn cho các chốt trực kiểm soát vùng xanh

Chị Hạnh và mẹ đang chuẩn bị phần ăn cho các chốt trực kiểm soát vùng xanh

Ngoài việc lập bếp ăn hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn xã Phú Mỹ, cô Thoa còn vận động hơn 7 tấn gạo trao cho người nghèo, cùng 4.000 quyển tập tặng học sinh nghèo trong mùa khai giảng.

Mỗi người một tấm lòng, một hành động thiết thực, ý nghĩa chung tay “chia ngọt sẻ bùi”, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn để cùng vượt lên khó khăn, vượt qua đại dịch, sớm phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm