Nhắc đến kiến trúc cổ đại ở Trung Quốc, hầu như ai cũng biết đến những kỳ quan nổi tiếng như Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành… Mỗi một địa danh đều chứa đựng vẻ đẹp riêng và những điều kỳ diệu khác nhau, chùa Huyền Không cũng là một trong số đó.
Phong cảnh hữu tình
Chùa Huyền Không tọa lạc trên núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây. Lâu nay, ngọn Hằng Sơn được mệnh danh là “Nhân Thiên Bắc Trụ” (cột trụ phía Bắc kết nối con người với đất trời) hay “Tuyệt Tắc Danh Sơn” (ngọn núi nổi tiếng hùng vỹ với cửa ải hiểm yếu).
Chùa Huyền Không được xây dựng tại vách đá dựng đứng của ngọn núi cao nhất của Hằng Sơn là Thiên Phong Lĩnh, với độ cao 2.017m so với mực nước biển. Dưới chân núi là con sông Kim Long với chiều dài khoảng 1.500m len lỏi giữa rặng núi Thúy Bình Phong gồm hai vách núi thẳng đứng bao phủ một màu xanh biếc.
Một cuốn sách cổ đã miêu tả về chùa Huyền Không: “Đi vào thì không chỉ lầu gác cao thấp, lan can uốn khúc, đẽo trên vách núi thẳng đứng, cảnh quan hùng vỹ trong thiên hạ tô điểm cho chùa, mà còn là thắng cảnh cho những người thích du ngoạn. Giống như kết cấu đá nham thạch, nhưng lại không bị lệ thuộc vào đó.”
Nằm chênh vênh trên vách núi cao hơn 100m, trông xa chùa Huyền Không có vẻ mong manh, không vững chãi, nhưng ngôi chùa đã tồn tại suốt 1.500 năm qua, đồng thời trở thành điểm đến tâm linh thu hút nhiều khách du lịch mỗi năm đến Trung Quốc.
Ngôi chùa được xây dựng bởi một nhà sư tên Liao Ran và quá trình xây dựng được cho là kéo dài từ năm 471 đến năm 523 dưới thời Bắc Ngụy (386-535), là ngôi chùa gỗ dựng trên vách đá lâu đời nhất thế giới. Sau này, Huyền Không tự được trùng tu lại vào các triều đại Đường, Nguyên, Minh, Thanh. Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1900.
Ngôi chùa cheo leo trên vách núi |
Người ta cho rằng ở ngôi chùa này có ba điểm đặc biệt, đó là sự kỳ lạ, độ nguy hiểm và sự khéo léo trong kiến trúc. Khi được chứng kiến khung cảnh hùng vĩ, rất nhiều người dùng hình ảnh “ngôi chùa nguy hiểm lơ lửng trên vách núi” để miêu tả Huyền Không Tự.
Vậy chùa trên vách núi cheo leo này được xây dựng như thế nào? Vì sao lại chọn địa điểm xây trên vách núi cheo leo? Nguyên nhân gì khiến cho nó trải qua nghìn năm vẫn được bảo tồn hoàn hảo đến vậy?
Chống lại thời tiết khắc nghiệt và thiên tai
Cấu trúc của công trình là sản phẩm tuyệt hảo của người xưa khi cố tình xây cao chống lại thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Nơi đây, mỗi năm chỉ có 3 tháng ánh mặt trời chiếu rọi trực tiếp với thời lượng là 2 giờ mỗi ngày nên nắng không thể hủy hoại chùa.
Một năm có 4 mùa, gió núi không ngừng, khí hậu khô đã giúp cho kết cấu gỗ của ngôi chùa không bị mục. Ngôi chùa cách xa mặt nước nên mặc cho bão tuyết, mưa to, lũ lụt, hồng thủy dâng trào ngôi chùa cũng không bị nhấn chìm hay bị tác động.
Lịch sử từng ghi lại trong 50 năm trở lại đây, khu vực này xảy ra 3 trận động đất từ 6 độ richter trở lên. Trận gần đây nhất diễn ra năm 1992 nhưng chùa Huyền Không không hề bị bất cứ ảnh hưởng nào. Trong khi đó, toàn huyện có khoảng hơn 10.000 ngôi nhà và công trình đổ sập.
Điều này như một minh chứng lý giải hiện trạng gần như còn nguyên vẹn tới ngày nay của ngôi chùa. Tạp chí Times cũng từng bình chọn nơi này nằm trong “Top 10 kiến trúc bí ẩn nhất thế giới”.
Chùa Huyền Không có tổng diện tích hơn 150m2, gồm 40 điện thờ được thiết kế cân bằng. Đứng từ xa nhìn lên chùa sẽ thấy các điện, gác tầng tầng lớp lớp những điện thờ nối liền nhau bằng hành lang xây dựng theo vách núi, được chống đỡ chỉ với mấy chục chiếc cột gỗ đứng và ngang.
Việc dùng những thanh gỗ ngang làm xà nhà được gọi là “Thiết biển đam,” ý chỉ loại gỗ Thiết Sam đặc biệt ở địa phương được gia công thành xà hình vuông, đem cắm sâu vào trong vách đá. Những xà gỗ này đã được ngâm qua dầu của cây trẩu để chống mối mọt, phân hủy.
Việc gia công và dựng đứng mỗi một xà gỗ này cũng công phu không kém. Bởi vì mỗi một điểm đặt móng đều phải được tính toán một cách kỹ càng sao cho đảm bảo được việc chống đỡ cả ngôi chùa.
Theo ghi chép, có cây gỗ được gia công để chịu trọng lực, có cây lại dùng để cân đối độ cao thấp của điện thờ, có cây lại để gia tăng trọng lượng phía trên, như vậy mới có thể phát huy được tác dụng chống đỡ của nó. Nguyên lý tinh xảo này là điều mà lý luận khoa học hiện đại khó có thể tưởng tượng được.
Lối đi giữa những điện thờ này là cầu treo trên không, có khi là đường gấp khúc được xếp gỗ kín, có chỗ phải trèo lên vách đá để đi, có chỗ phải vượt qua vách đá và trèo qua cửa sổ để vào phòng, cao thấp quanh co giống như mê cung.
Trên dưới các điện thờ là các thang hình xoắn ốc, đi trên thang này, người đi trước giống như giẫm lên đầu người đi sau. Ngoài ra, xuyên qua khe hở giữa các tấm ván cầu thang có thể nhìn thấy vực núi sâu thăm thẳm.
40 điện thờ có diện tích lớn nhỏ khác nhau. Gian lớn nhất khoảng 36,4m2, trong khi gian nhỏ chỉ 5m2. Trong chùa còn lưu giữ hơn 80 bức tượng Phật đúc bằng đồng, sắt, đất sét hay điêu khắc đá, cao thấp phù hợp với độ cao thấp của điện thờ.
Trong số các bức tượng, nổi bật nhất là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Lôi âm điện thờ, được tạc bằng đất sét có thân hình đầy đặn, tỷ lệ vừa phải, diện hài hòa mà biểu cảm rất thật. Khu vực điện Tam Phật có thờ tượng Bồ Tát Vi Đà được đúc bằng sắt, thân thể cường tráng, thần thái uy vũ, áo mũ trau chuốt tinh tế. Ngoài ra trên các vách núi ở đường đi cũng có tạc các bức tượng Phật bằng đá, dáng vẻ vui tươi nhưng không kém uy nghiêm.
Độc lạ nơi hợp nhất 3 tôn giáo
Từ xưa đến nay, để giành sự sùng tín của dân chúng, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, mỗi giáo phái đều có quan điểm riêng, tranh luận không ngừng. Vì vậy, chùa trong thiên hạ phần lớn thờ một tôn giáo riêng. Nhưng riêng Huyền Không tự lại là nơi hợp nhất ba tôn giáo tồn tại cùng một lúc suốt 1.500 qua. Điều đặc biệt hơn cả, chùa Huyền Không chung một điện thờ chung 3 giáo, thật là hiếm có.
Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về việc ba tôn giáo hợp nhất ở trong một ngôi chùa này. Có giả thuyết cho rằng là do khu vực phía Bắc của Trung Quốc thường có chiến trận, nên người ta cho thờ cả ba tôn giáo trong một ngôi chùa như là phương cách giữ sự hòa hợp của quần chúng.
Cũng có sự giải thích do ngôi chùa tọa lạc tại một nơi xa xôi và được những người du hành làm nơi dừng chân trong những cuộc hành trình, nên phải tổng hòa những nhu cầu tôn giáo của người du hành.
Tuy nhiên cũng có giả thuyết khác cho rằng, việc có mặt cả ba tôn giáo ở đây đã giúp cho ngôi chùa này tồn tại đến ngày hôm nay, không bị tàn phá bởi những binh sĩ theo ba tôn giáo khác nhau khi họ đánh chiếm vùng này, bởi vì họ nghĩ rằng giáo chủ của tôn giáo họ đang được phụng thờ ở đó.
Dù mang nhiều giả thuyết khác nhau nhưng đây là chốn của những người tu hành tìm đến đây để tìm kiếm sự kiên định. Những ý nghĩ như: “Gỗ có chắc chắn không?” “Liệu có bị gió thổi bay xuống dưới chân vách núi không?” “Rơi xuống dưới sẽ bị mất mạng!”… sẽ không xuất hiện trong đầu những người tu hành. Đối với họ, việc sinh tử đã được họ xem nhẹ bởi vì trong lòng đã có Phật, tin tưởng tuyệt đối vào Phật nên tâm sẽ luôn ổn định vững vàng, kiên định.
Ngày nay khi nền văn minh thế giới cả có sẵn những công nghệ hiện đại, phương pháp xây dựng tiên tiến, nhưng để xây dựng nên một kiến trúc như vậy thực sự là một thách thức khó có thể làm được. Các kiến trúc sư, nhà khoa học vẫn chưa thể tưởng tượng tại sao từ thế kỷ 15 mà người xưa có thể xây dựng được một công trình đồ sộ, hùng vĩ như vậy.
Ngôi chùa hiện là một địa điểm du lịch hấp dẫn và kỳ thú. Ngoài kiến trúc độc đáo với những di vật còn được lưu giữ lại, ngôi chùa còn khiến du khách cảm nhận một không gian văn hóa tâm linh cổ xưa và một bầu không khí yên bình.