Bí ẩn chưa lời giải sau những pho tượng nhục thân của Việt Nam

(PLVN) - Cách đây tròn 10 năm, năm 2009, PGS. TS Nguyễn Lân Cường ra mắt cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư” với nội dung là sự thật về 4 pho tượng nhục thân (có cốt xương) của các vị thiền sư từng được chính tác giả cuốn sách chủ trì, tu bổ trong hai thập kỷ. Cuốn sách đã gợi mở khái niệm về “tượng táng”  một trong những khía cạnh nghiên cứu của cổ nhân học - một ngành khoa học còn ít nhiều xa lạ và bí hiểm với nhiều người.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (giữa) cùng các cộng sự tu bổ tượng gốc thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (giữa) cùng các cộng sự tu bổ tượng gốc thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu

Sự thật về 4 pho tượng nhục thân 

Liên tục trong hai năm (2015 và 2016) có những thông tin về việc các nhà khoa học Hà Lan phát hiện ra nhục thân một nhà sư hơn 1000 tuổi bên trong một bức tượng Phật và tại Mông Cổ phát hiện nhục thân nhà sư ngồi thiền theo tư thế hoa sen khiến nhiều người bất ngờ.

Cụ thể,  bức tượng Đức Phật đang ngồi thiền trưng bày tại Bảo tàng Drents ở Hà Lan đã được các nhà khoa học tiến hành chụp cắt lớp bức tượng bằng công nghệ chụp CT. Tất cả mọi người đã rất kinh ngạc khi phát hiện hình ảnh bộ xương người trên màn hình máy chụp. Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã xác định vị thiền sư trong bức tượng chính là Liuquan, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phát triển Phật giáo Trung Quốc trước công nguyên.

Tại tỉnh Songinokhairkhan, Mông Cổ, xác ướp một nhà sư đang ngồi thiền ở tư thế hoa sen còn nguyên vẹn được phát hiện tại tỉnh Songinokhairkhan, Mông Cổ. Danh tính xác ướp là thiền sư Tsorzh Sanzhzhav, qua đời lúc 70 tuổi khoảng 130 năm trước. 

Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên xác ướp của một nhà sư được tìm thấy nguyên vẹn bên trong tượng Phật. Ở Việt Nam, những trường hợp tương tự thường được biết tới nhiều hơn với cái tên “nhục thân” hay còn gọi là “tượng táng”.

Cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư” đã đề cập tới sự thật về 4 pho tượng nhục thân (có cốt xương) của các vị thiền sư từng được chính tác giả cuốn sách chủ trì, tu bổ trong hai thập kỷ.

Đó là nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Ông họ Lý, pháp danh là Viên Văn. Năm 1634, ngài trở thành trụ trì chùa Phật Tích, đến năm 1642.  Sau khi ngài viên tịch, một đệ tử đã cất giữ nhục thân của ngài vào nhà thờ tổ chùa Bút Tháp và vận động các phật tử xây tháp Báo Nghiêm để thờ vọng ngài.  

Năm 1989, người ta phát hiện nhục thân của ngài trong tháp Báo Nghiêm và nhóm của PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã phục chế lại. Phục dựng nhục thân từ 133 mảnh xương. Toàn bộ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết đã được quyết định phục dựng và đến ngày 6/5/1993, hàng nghìn người khắp nơi đã về chùa Phật Tích để nghinh đón thiền sư Chuyết Chuyết. 

Pho thượng nhục thân thứ hai là của thiền sư Như Trí ở Chùa Tiêu, Bắc Ninh. Theo các tài liệu còn lưu lại ở chùa, thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên và là người cho khắc in lại bộ Thiền Uyển Tập Anh. Chính PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người đã trực tiếp phục dựng lại pho tượng nhục thân của thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu.

Điều vô cùng ngạc nhiên với TS. Nguyễn Lân Cường khi tu bổ pho tượng táng này, đó là ông đã phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm trong bụng thiền sư Như Trí.  Tin chắc khối vật chất này chính là nội tạng của thiền sư Như Trí, song ông Cường và các nhà khoa học vẫn lấy mẫu chuyển đến Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia để phân tích.  

Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục dựng
Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục dựng

Đúng như dự đoán, kết quả phân tích hóa học cho thấy, hợp chất lấy từ bụng thiền sư Như Trí chính là các chất còn lại của phần phủ tạng.  Việc tu bổ pho tượng táng nhục thân thiền sư Như Trí đã hoàn thành từ năm 2004. Thiền sư đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp tục “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản vô cùng kỹ lưỡng của khoa học hiện đại. 

Nói đến cặp tượng nhục thân của hai thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội thì nhiều người biết câu chuyện về hai vị thiền sư sau 100 ngày không ăn, không ngủ, dù linh hồn đã lên cõi Phật, song còn để lại nhân gian một xá lợi bất hoại, được lưu truyền trong dân gian.

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh từng được đưa về phòng chụp X-quang của Bệnh viện Bạch Mai. Qua các phim chụp, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi không phát hiện được vết đục nào trên hộp sọ.  

Qua các tài liệu nghiên cứu về ướp xác, đặc biệt là các xác ướp nổi tiếng của Ai Cập, những nhà chuyên môn biết rằng, để ướp được xác, người ta thường đục thủng phần xương lá mía và nền sọ hoặc đỉnh sọ để lấy não. Sau đó, người ta độn vải hoặc những chất bảo quản vào trong xương sọ. Từ việc không có vết đục ở sọ, các nhà khoa học khẳng định rằng, não của thiền sư Vũ Khắc Minh đã không bị lấy ra khỏi cơ thể.

Họ còn tìm ra chất liệu làm tượng giữ thi hài thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường khá đơn giản, gồm sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản… Hiện tại, nhục thân hai vị thiền sư đã được tu bổ thành công và yên vị trong ngôi nhà tổ và được bảo quản kỹ càng trong tủ kính với môi trường khí ni-tơ đậm đặc. Với sự bảo quản kỹ lưỡng như thế này, nhục thân hai vị thiền sư sẽ là bất hoại. 

Điều bí ẩn vẫn chưa có lời giải

Tuy được phục dựng và bảo quản, nhưng việc trả lời cho câu hỏi: “Tại sao nội tạng, da thịt của các vị thiền sư không bị thối rữa, trong khi các vị thiền sư này không dùng bất cứ một loại chất ướp xác nào?” hiện vẫn đang là điều bí ẩn cần tìm hiểu của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Bản thân PGS. TS Nguyễn Lân Cường, tác giả của cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư” cũng đã nhiều lần đề cập đến bí ẩn này khi trả lời phỏng vấn trước, trong và sau thời gian cuốn sách phát hành.

Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, trong các hình thức ướp xác ở Việt Nam, có hai loại ướp xác . Một là ướp xác trong quan ngoài quách, hai là kiểu tượng táng. Ấn tượng nhất là loại tượng táng bởi vì hình thức ướp xác trong quan ngoài quách thì ở Trung Quốc cũng có.

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh sau khi phục dựng
Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh sau khi phục dựng

Tuy các tượng táng này cũng chỉ 300 năm nhưng độc đáo ở chỗ làm theo cách của dân tộc Việt, như cách làm hoành phi câu đối. Kỹ thuật làm tượng táng cũng dùng sơn, vải màn, đất mối đùn... , nhưng đặc biệt ở chỗ là giữ lại được hình vẻ của người đã mất vì chỉ quét một lớp rất mỏng và quan trọng là bảo vệ được bộ xương bên trong vì sơn ta rất bền, rất tốt, kết hợp với giấy dó, vải màn. 

Pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu (Hà Nội) đã chứng minh được đó là một phương thức táng độc đáo được các nhà khoa học đặt tên là thiền táng hay tượng táng chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Với thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) thì phát hiện ra hai tấm đồng đặt trước ngực và sau lưng cùng những dải băng bằng đồng cuốn trên đầu và vai.

Đây là cách làm bảo vệ nhục thân độc nhất vô nhị chưa từng gặp trên thế giới. Còn thiền sư Chuyết Chuyết thì lại phát hiện được những đoạn dây đồng để liên kết những đoạn xương và các mảnh bồi...

“Chúng tôi đánh giá nó rất độc đáo. Chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc có, các nước khác trên thế giới không có. Tượng táng chỉ gặp ở các thiền sư, có giá trị minh chứng cho một thành tựu tu luyện. Cho đến nay bốn bức tượng táng được phát hiện đều là các vị sư”, theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường.

Như đã nói trên, trên thế giới, một số nơi người ta cũng tìm thấy nhục thân của các nhà tu hành, nhưng theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, nhục thân của các vị thiền sư ở Việt Nam có điều đặc biệt. Đó là ở Ai Cập khi thực hiện ướp xác người ta phải lấy não, phủ tạng (trừ trái tim) ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, tượng nhục thân của chúng ta không có chuyện này vì hộp sọ không bị đục vỡ. Thậm chí ở nhục thân Như Trí lại còn tìm thấy được nội tạng dưới thể cô đọng lại. 

Được biết, để bảo vệ nguyên trạng các tượng táng, thì theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, lúc đầu các nhà khoa học định dùng phương pháp nguyên tơ, tức là dùng khí thổi vào liên tục. Nhưng cái dở là khi đặt vào chùa máy tạo ra tiếng ì ì, làm hỏng sự yên tĩnh của ngôi chùa.

Sau đó đã tìm ra phương pháp khác, đó là làm khám, lắp kính, sau khi để nhà sư vào thì hàn kín lại, có một cái van, đưa khí nitơ vào. Dùng khí nitơ bảo đảm lâu dài, giá thành rất rẻ, hai hoặc ba năm thay khí nitơ một lần.

Đọc thêm