Bí ẩn Chùa Vàng phố Hiến

(PLO) - Chùa gắn liền với một truyền thuyết, bởi xưa kia có một trận đại hồng thủy khiến nước sông dâng lên, sau đó xuất hiện một chiếc bè gỗ trên có chuông vàng trôi dạt vào bờ. Chính vì vậy nên “Chùa Vàng” càng trở nên linh thiêng, kỳ bí. 
Từ ao đá xanh nhìn ra cổng Tam Quan

Nằm trên địa bàn xã Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, Chùa Chuông không chỉ có ý nghĩa về mặt đời sống văn hóa tâm linh mà còn có ý nghĩa lịch sử. 

Truyền thuyết tên gọi Chùa Chuông

Chùa Chuông được xây dựng từ thế kỷ XV (thời Hậu Lê). Năm 1707 Chùa Chuông đã được trùng tu lại, kể từ đó nó mới có diện mạo hoàn chỉnh như ngày nay. Chùa Chuông, Chùa Vàng còn có một tên gọi khác là Kim Chung Tự, bắt nguồn từ một truyền thuyết. Theo các cụ cao niên kể lại rằng: Xưa kia làng Nhân Dục ở gần bờ sông, đời sống của bà con chỉ dựa vào trồng lúa nước là chính… Bỗng một hôm có một trận đại hồng thủy cuốn theo một chiếc bè gỗ lớn, trên đó có quả chuông vàng. Người dân thấy lạ nên họ đua nhau kéo chuông về làng mình nhưng không được. Thấy vậy các cụ cao niên ở làng Nhân Dục bèn mời mười nam trung, nữ trinh kéo lên bờ, sau đó họ mới đưa được về làng.

Làng Nhân Dục cho rằng trời Phật giúp nên đã góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Biết chuyện, bọn quan lại phương Bắc đã đóng giả làm các cao tăng, họ đến chùa với mục đích và dã tâm lấy cắp chuông vàng. Sư tổ đoán biết được ý định của bọn chúng nên đã cho giấu chuông vàng xuống một cái giếng nhỏ. Về sau những người giấu chuông đều đã viên tịch, hậu thế không nhớ kỹ. Cũng có người cho rằng, chuông vàng đã về với đất mẹ... Tưởng nhớ quả chuông vàng linh thiêng bí ẩn ấy, vì vậy các tăng ni và nhân dân quyết định đổi tên chùa thành Kim Chung Tự.

Từ cầu đá xanh nhìn vào khuôn viên Chùa Chuông

Khám phá niên đại và kiến trúc Chùa Chuông

Không chỉ kỳ bí bởi truyền thuyết mà Chùa Chuông còn mang dấu ấn lịch sử. Cho tới nay, các nhà nghiên lịch sử vẫn chưa xác định được chính xác niên đại của ngôi chùa. Các nhà nghiên cứu ước đoán, ngôi chùa này có niên đại cách đây khoảng 1.700 năm (thế kỷ thứ III, sau công nguyên). Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, Chùa Chuông được xây dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Dựa vào một số di vật chưa thống nhất của chùa, nhiều người đang còn hoài nghi, chưa chắc đã phải xây dựng từ thời Hậu Lê, bởi trong chùa còn có một số viên ngói mũi hài, ngói màn chữ vạn có từ thời Trần. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa mang kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”.

Chùa Chuông quay về hướng Nam, theo quan niệm của đạo Phật, đây là hướng gắn liền với hạnh phúc, hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”. Cái đẹp của chùa chính là ở bố cục cân đối, nằm trải dài theo một trục đường thẳng tính từ cổng Tam Quan đến nhà thờ Tổ. Cổng Tam Quan với những họa tiết, hoa văn trang trí theo phong cách mỹ thuật đặc trưng: hình rồng đắp nổi trên bề mặt cổng, bức phù điêu 4 thầy trò đường Tăng đi thỉnh kinh. Theo các kiến trúc sư xây chùa,  cổng Tam Quan được thiết kế khá công phu và có sự kết hợp hài hòa. 

Ngoài kiến trúc đẹp, Chùa Chuông còn có nhiều di vật như câu đối, cây hương cổ, hoành phi, đồ thờ, đặc biệt là bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” dựng vào năm Vĩnh Thịnh (1711), mô tả cảnh chùa và ghi công đức tu tạo chùa… Trong chùa hiện đang tôn thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thờ Mẫu, thờ Tổ…

Từ cổng Tam Quan, chúng tôi đi theo cây cầu đá xanh, bắc ngang qua ao mắt rồng được dựng vào năm 1702 là khoảng sân rộng, tiếp đó là khu Tiền Đường 5 gian 2 chái. Giữa Tiền Đường và Thượng Điện là Thiên Hương. Chúng tôi tiếp tục đi qua Thượng Điện, bên trong là hai dãy hành lang đối xứng dẫn tới nhà Mẫu, nhà Tổ, lầu chuông, lầu khánh. Đầu tiên là nhóm tượng “Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà người ác phải trải qua nơi âm phủ. Tiếp đến là Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán (18 vị La Hán), Đức Ông, Đức Thánh Hiền.

Điều bất ngờ và gây sự tò mò đối với chúng tôi chính là 18 bức tượng La Hán được chế tác rất tinh xảo từ đất sét. Qua bàn tay của các nghệ nhân nhào nặn, 18 pho tượng với những tư thế ngồi sinh động, khuôn mặt biểu lộ những cảm xúc khác nhau về nội tâm. Và 18 pho tượng này đã tạo ra cách bói dân gian độc đáo cho Chùa Chuông. Bói tượng qua cách tính năm chọn tượng, cách tính tuổi để tìm tượng ứng với niên vận của mình trong một năm nhất định. Cách bói đơn giản nhất là lấy tuổi đẻ chia cho 9, số lẻ là bao nhiêu thì số tượng ứng với mình là số đó. Nguyên tắc tìm kết quả tượng là nam bên trái, nữ bên phải. Bói tượng là nét văn hóa độc đáo mà người dân địa phương thường đi lễ chùa vào dịp tết.

Khu vực Tiền Đường

Nơi hội tụ văn hóa tâm linh

Trải qua bao cuộc thăng trầm, Chùa Chuông vẫn tọa lạc yên bình. Cứ mỗi dịp xuân về hay mừng lễ Phật Đản, Chùa Chuông lại thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới viếng thăm. Cùng với sự phát triển nhộn nhịp, nhất là việc đầu tư của thành phố Hưng Yên, Chùa Chuông hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với mọi du khách trong nước. Chùa Chuông xứng danh là “đệ nhất danh lam phố Hiến”, đúng như lời xưa ca ngợi: “Chùa Chuông thành tráng lệ/ Nhà ngọc xua bụi trần/ Đất thiêng người tuấn kiệt/ Vật báu trời phát phân/ Cảnh phúc dài vạn kiếp/ Công đức mãi nghìn xuân”.

Chùa Chuông được Nhà nước xếp hạng trong quần thể di tích lịch sử phố Hiến năm 1992. Chùa không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà nó còn là nơi giao thoa văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Cũng như các làng quê khác trên khắp mọi miền đất nước, việc trùng tu tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa Việt cũng chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) cũng đã đề ra về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì lẽ đó nên các di tích văn hóa lịch sử như chùa, đình, đền, miếu, mạo… cũng sẽ được Nhà nước quan tâm,  góp phần tạo nền tảng cho nền văn hóa nước ta phát triển. 

Đọc thêm