Các nghi lễ mang tính giáo dục cộng đồng, hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”… Trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Lô Lô, nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, là nơi trang trọng nhất trong nhà, thường ngang với xà nhà.
Đồng bào người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) có phong tục, khi gia đình có người mất được 3 năm sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị để thờ cúng. Mặc dù mọi gia đình người Lô Lô đều có bàn thờ tổ tiên, thế nhưng lễ cúng tổ tiên thường được tổ chức tại nhà trưởng họ.
Thông thường khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đều đóng góp tiền của. Lễ cúng tổ tiên bắt buộc phải có các lễ vật: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng. Họ quan niệm rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) gồm các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) là những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Người Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa nằm ngay đối diện cửa chính, phía trên bàn thờ là những hình nhân bằng gỗ được tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.
Theo các cụ cao niên ở xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có ba nghi lễ chính gồm lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa. Khi làm lễ hiến tế tổ tiên, thầy cúng làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ, hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Những người phụ nữ sẽ mặc trang phục truyền thống khi nghi thức đánh trống đồng được tiến hành, họ nhảy múa theo nhịp trống để chờ đón linh hồn tổ tiên về. Sau khi thầy mo hoàn thành bài cúng, mọi người sẽ làm thịt gà, thịt lợn để đưa ra sân dâng lên tổ tiên hiến tế. Còn lễ tưởng nhớ tổ tiên là do cộng đồng người Lô Lô trong bản cùng với đoàn múa nghi lễ thực hiện. Đoàn múa liên tục đến chiều tối mới kết thúc “Lễ tưởng nhớ tổ tiên”.
Cuối cùng là lễ tiễn đưa tổ tiên, được bắt đầu với tiếng trống đồng khi màn đêm buông xuống. Ở giữa sân, mọi người đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu ở trần gian.
Theo anh Chi Văn Lán ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: “Khi làm lễ cúng tổ tiên, cái quan trọng không thể thiếu đó là trống đồng, nếu nhà không có thì phải cử người trong dòng họ đi mượn, bởi đây là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi, chiếc trống đồng cái (giảnh đú) luôn là chiếc trống to, còn trống đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn. Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc như lễ làm ma khô, cúng tổ tiên, giải hạn, thờ thần đá...
Sau đó, việc quan trọng tiếp theo là kiếm người biết đánh trống đồng và thầy cúng đến nhà làm lễ cúng tổ tiên để bàn kế hoạch, kết hợp làm lễ cúng. Sau cùng, gia đình mới cho người mời và nhờ người hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là Ma cỏ (Ghà Lu Ngang) để múa nghi lễ. Những người hóa trang Ma cỏ sẽ cùng nhau đi tìm loại cỏ “Su choeo” - loại cỏ dài, mềm, dai ở trên núi để bện quanh người thành trang phục che kín khắp người. Khi hoá trang xong, “Ma cỏ” sẽ múa nghi lễ cho đến khi kết thúc Lễ cúng tổ tiên. Trong thời gian đó, những người hóa trang thành Ma cỏ để nhảy múa không được phép ăn, nói; đi đứng không được vấp ngã, vì như thế sẽ bị nhận dạng và trong năm đó sẽ gặp điều xui xẻo, tai ương”.
Sở dĩ trong nghi Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô bắt buộc phải có người hóa trang thành Ma cỏ để “nhảy lễ” cũng xuất phát từ quan niệm: Ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo cho nên bây giờ muốn mời tổ tiên về thì nhất định phải có Ma cỏ để người dẫn đường về nhà làm lễ. Vì vậy, Ma cỏ là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên, người chết mới được dẫn đường chỉ lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia. Đây là một nghi lễ độc đáo trong các phong tục cổ truyền của dân tộc Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm ở tỉnh Cao Bằng nói riêng và cộng đồng dân tộc người Lô Lô ở vùng Đông, Tây Bắc nói chung.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô là một truyền thống tốt đẹp góp phần giáo dục con cháu luôn luôn ghi nhớ công lao dưỡng dục, xây đắp của các bậc tiền nhân, răn dạy con cháu hãy giữ lấy nếp nhà và tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Đây là nghi lễ mang tính linh thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng người Lô Lô, đậm chất nghệ thuật được bảo tồn và phát huy lâu dài. Tục thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Cao Bằng nói riêng còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc làm phong phú kho tàng phong tục, tập quán của các dân tộc Việt Nam.