Những chiếc giếng vuông cổ ở Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, luôn trong veo, mát lạnh và không bao giờ cạn nước hàng trăm năm nay. Đằng sau những chiếc giếng đó là câu chuyện được người dân truyền tai nhau về một sự kỳ bí...
Chưa bao giờ cạn nước
Bá Hiến là một làng Việt cổ nằm trên vùng đất có lịch sử văn hóa đa dạng với nhiều đình, đền có giá trị. Đặc biệt ở Bá Hiến có hơn chục chiếc giếng đá cổ hơn nửa thiên niên kỷ. Người làng truyền miệng nhau bảo, các giếng đều là những giếng do người Tàu để lại vì trên thành giếng có khắc chữ Tàu. Nhưng những nhà nghiên cứu thì giếng cổ Bá Hiến được đào từ thời vua Hồng Đức.
Trong đó, giếng đá cổ nhất ở đây là giếng chùa Giao San làng Thích Chung và giếng làng Bá Hương được khai đào năm Hồng Đức 1490 (Hồng Đức nhị thập thất niên) còn khá nguyên vẹn từ tang giếng (thành giếng) đến lòng giếng.
Cấu trúc các giếng đá của Bá Hiến đều giống nhau. Không giống như các giếng đá ở các vùng quê Bắc bộ, giếng đá ở đây là hình vuông, tang giếng được ghép với nhau bằng bốn phiến đá sa thạch hình chữ nhật. Chúng được xếp khít dựng đứng liên kết bằng các vết cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết mà không cần đến vôi vữa. Trông xa tưởng như giếng đứng độc lập, nhưng để ý kỹ nó lại một chỉnh thể hoàn chỉnh rất quen thuộc tại các làng quê Việt Nam cây đa - giếng nước - sân đình.
Nói có vẻ khó tin nhưng giếng cổ ở Bá Hiến từ xưa đến nay chưa bao giờ cạn nước. Những năm hạn hán kỷ lục trước đây, có nhà dân giếng đào sâu tới 13m mà không vẫn không có lấy một giọt nước để dùng. Những giếng làng lại là nơi tề tựu về tắm giặt và sinh hoạt như quay về thời cổ xưa. “Những năm trước hạn hán, khi cả làng không một giếng nào còn nước để dùng thì những chiếc giếng này vẫn duy trì ổn định ở 2m nước. Thậm chí, dân làng múc kiệt nước thì sáng hôm sau nước vẫn ở ngưỡng 2m. Nước ở đây luôn trong veo và mát lạnh”, anh Nguyễn Viết Dũng, người dân thôn Bá Hương kể lại.
Giờ dân cư đông đúc, mỗi gia đình lại đào giếng khơi, nước máy nên giếng cổ ít dùng hơn. Tuy nhiên, về giá trị văn hóa, các giếng cổ này vẫn là biểu tượng quen thuộc của người dân xã Bá Hiến. “Trước kia có ông khách Hà Nội lên “gạ” mua phiến đá ở tang giếng, nhưng dân chúng tôi không nghe. Vì nó là đã quen thuộc với chúng tôi từ thủa lọt lòng” - bà Dương Thị Hồng, người dân thôn Thích Trung tâm sự.
Bí ẩn đằng sau những chiếc giếng đá cổ
Về trung tâm xã Bá Hiến, dừng lại giữa ngã ba đường hỏi về những chiếc giếng cổ ở làng Bá Hương, thấy người dân có vẻ e ngại chỉ đường: “Đến nhà ông Bồng mà hỏi. Giếng nhà ông này cổ và thiêng lắm”. Tỉ tê với câu chuyện về giếng, ông Nguyễn Viết Bồng cho biết, hàng trăm năm nay làng này đã có giếng rồi. Nước giếng quanh năm đầy...
Khi chúng tôi hỏi về những tích chuyện liên quan đến những chiếc giếng của làng, thì ông ngập ngừng tiết lộ: “Nhiều lắm nhưng sợ kể các chú không tin thôi” . Ông Bồng bảo, năm 1951, khi đó ông lên 4 tuổi, ông ra giếng câu cá. Do sơ ý nên trượt chân, ngã tủm xuống giếng và ngâm mình dưới đó suốt 2 tiếng đồng hồ. “Không hiểu tại sao khi ngã xuống đầu mình lại gối lên một phiến đá như một chiếc gối đầu. May có người phụ nữ đi qua nhìn thấy nên tôi thoát chết” - ông Bồng nhớ lại.
|
Ông Bồng thoát chết trong cái giếng này khi lên 4 tuổi |
Sau đó, gia đình ông đã dựng miếu thờ tại gần giếng này. Tuy nhiên, vài năm trước, em trai ông Bồng phá bỏ miếu tại giếng này, hai ba hôm sau ông gặp mộng liên tục. Một hôm ông đang ngủ cứ thấy có người gọi tên í ới ngoài cổng. Khi ông ra cổng gọi hỏi thì không thấy ai đáp. Có hôm lại nằm mộng nhìn thấy một người đẹp như người mẫu mặc quần áo trắng cứ rủ đi chơi. “Thấy đây là điềm mộng chẳng lành nên tôi phải dựng lại miếu thờ này trước cửa nhà” - ông Bồng cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Thúy thôn Bá Hương kể: “Nói thì bảo là duy tâm nhưng cách đây khoảng 20 năm, tôi phát hiện ở khu vực giếng có một đốm sáng loáng từ đáy phát ra. Nhưng khi ra tới nơi thì vệt sáng đó tắt lịm không còn một dấu tích gì hết. Tôi có kể câu chuyện này với các cụ trong làng thì mọi người cho rằng đó chỉ là ảo giác”.
“Cảnh nhà nông, có dạo, chị em chúng tôi tan tản sáng đi làm đồng thấy thấp thoáng bóng người mặc quần áo trắng, xõa tóc đi từ giếng ra bờ ao của làng. Chuyện này không phải một mình tôi nhìn thấy đâu mà nhiều người cũng rợn tóc gáy khi chứng kiến sự việc” – chị Hương làng Bá Hương nói.
Lần theo dấu vết của những chuyện kỳ bí đằng sau những chiếc giếng thiêng đó thì chúng tôi còn được biết, trước kia khu này là một vùng đất hoang, cây cối rậm rạp, việc đi lại rất khó khăn. Dần dần dân cư mở rộng, các khu giếng đã thuộc đất đai các hộ dân trong làng. Nhưng không hiểu có một thế lực siêu nhiên kỳ bí nào không vì cứ hễ định san lấp giếng thì đổ đất hôm nay mai lại sụt lún. Thậm chí, không biết có phải ngẫu nhiên hay không nhưng nhà lấp giếng trâu bò vật nuôi cứ lăn ra chết lũ lượt. Sau đó phải khơi lại giếng và san lấp ra nơi khác thì chẳng có chuyện gì...
Câu chuyện về giếng cổ hơn 600 tuổi vẫn còn nhiều bí ẩn khó lý giải. Các vị cao niên trong làng thì cho rằng đó là một vị thần giữ làng. Và cho tới nay, vẫn không ai dám khẳng định đó là chuyện thật, trừ những người nói mình tận mắt chứng kiến. Còn với người dân Bá Hiến nói chung thì đó vẫn là tài sản tinh thần của các cụ để lại bao đời nay.
Hải Sơn