Bí ẩn lời nguyền về cặp nhẫn tình yêu của người Chu Ru

(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, người con gái Chu Ru ở buôn Ma Lanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) muốn có được một tấm chồng tử tế thì phải thửa riêng cho mình một cặp nhẫn bạc Sri (còn gọi là nhẫn tình yêu của người Chu Ru). Ẩn sau cặp nhẫn tình yêu này là một lời nguyền linh thiêng khiến cho những cặp vợ chồng đã nguyện thề cả đời trao nhẫn cho nhau ít khi nghĩ đến chuyện chia tay hoặc “léng phéng” với “mối tình riêng”…
Nhẫn tình yêu của người Chu Ru.
Nhẫn tình yêu của người Chu Ru.

Cặp nhẫn biết giữ gìn hạnh phúc

Cặp nhẫn bạc của người Chu Ru không chỉ kỳ bí trong từng công đoạn mà ẩn sau đó còn có một lời nguyền rất linh thiêng. Để tìm hiểu sâu hơn về lời nguyền bí ẩn đó, chúng tôi phải thuyết phục mãi già Ma Jơn mới kể. Theo cách gọi của người miền xuôi thì già chính là “con buôn chính hiệu”, là người đã góp phần lưu giữ một phần văn hóa đậm đà bản sắc của người Chu Ru. 

Bên bếp củi ngày cuối năm, Ma Jơn vừa bận rộn với công việc gói bánh để ăn tết, vừa chậm rãi kể những câu chuyện liên quan đến chiếc nhẫn bạc thiêng liêng. Ma Jơn cho hay, người con gái Chu Ru khi đến tuổi trưởng thành thì sẽ tìm hiểu và chọn cho mình một chàng trai ưng ý.

Do người con gái rất coi trọng cuộc sống sau khi có gia đình nên phải sau ít nhất 1 năm tìm hiểu thì họ mới nghĩ đến chuyện có về chung sống với nhau trọn đời hay không. Khi đã chọn được bến đỗ, cô gái nhờ bà mai, ông mai dẫn đến nhà chàng trai, sau khi đàm phán xong thì chiếc nhẫn bạc được trao cho người đàn ông. Nếu chiếc nhẫn không bị trả lại thì có nghĩa chàng trai đã đồng ý.

Trong lễ cưới chính thức, sau khi chàng trai và cô gái trao cho nhau nhẫn đính ước để chính thức trở thành vợ chồng thì 2 chiếc nhẫn trống và nhẫn cái đó được mẹ của cô dâu cho vào một chiếc gùi nhỏ và cất giữ ở một nơi bí mật trong nhà. Đến khi đôi vợ chồng này có chuyện trục trặc thì hai chiếc nhẫn bạc ấy được mang ra làm vật thiêng để nhắc nhở. Nếu cuộc sống bình yên, hạnh phúc, chiếc nhẫn sẽ được chôn cùng khi họ qua đời.

Nghệ nhân Chu Ru giới thiệu về sức mạnh thần bí của những chiếc nhẫn.
Nghệ nhân Chu Ru giới thiệu về sức mạnh thần bí của những chiếc nhẫn.  

Điều đặc biệt nhất là bao giờ chiếc nhẫn trống mà các cô gái Chu Ru dùng làm “tín vật” bắt chồng cũng được gắn hạt cây Kơ Nia trên mặt nhẫn. Người dân Tây Nguyên luôn xem cây Kơ Nia là biểu tượng của sự bền vững, thủy chung. Điều này làm cho người sử dụng càng tin tưởng vào sự huyền diệu của chiếc nhẫn, giúp những đôi trai gái tin tưởng và gắn kết bền chặt trong hôn nhân gia đình.

Cũng vì người Chu Ru có quan niệm lấy nhau hay bỏ nhau là việc danh dự của hai dòng tộc chứ không chỉ riêng của hai gia đình, nên chiếc nhẫn là tín vật mang danh dự của cả hai dòng tộc. Nó như một sợi dây “tơ hồng” buộc chặt hôn nhân giữa hai người và không thể nào dứt bỏ được, đều này làm nên một nét văn hóa rất độc đáo trong phong tục, tập quán của người Chu Ru.

Trong cộng đồng người Chu Ru còn lưu truyền câu ca: “Đêm qua tôi ngủ nằm mơ thấy con trăn nằm trên đầu giường”. Đó như một lời răn đe với người cùng chăn gối của mình nên từ bỏ ý định ngoại tình nếu có hoặc từ bỏ cuộc tình nếu trót lỡ “léng phéng” với “tình riêng” bên ngòai. Nếu lời răn đe đó không có tác dụng, thì gia đình hai bên sẽ tìm cách khuyên bảo chàng trai hoặc cô gái nên tôn trọng quan niệm: “Đã nằm xuống đây thì chỉ tay trong tay nắm chặt. Để trọn đời có chửa, có con”.

Cuối cùng, nếu những biện pháp này vẫn vô hiệu thì người mẹ vợ sẽ mang hai chiếc nhẫn trống - cái trong lễ kết hôn của hai người trước đó ra để làm bằng chứng. Hành động này vừa có nghĩa khuyên can, vừa thuyết phục nhưng đồng thời hàm chứa sự răn đe về một hình phạt như một cực hình mà người ngoại tình phải gánh lấy nếu không chịu “quay đầu lại”. Hình phạt ấy như một lời nguyền sẽ đeo bám những người vi phạm suốt cả đời.

Với những cặp vợ chồng nào mà bội bạc, ly hôn thì theo lời nguyền của chiếc nhẫn, họ sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trong quãng đời còn lại kể cả có lấy thêm bao nhiêu vợ, hoặc chồng đi chăng nữa. Trong những câu chuyện được người già lưu truyền, có câu chuyện về người đàn bà đã phản bội lại tình yêu, phản bội lại lời thề khi trao chiếc nhẫn trống cho chồng trong ngày hôn lễ.

Nghệ nhân biểu diễn một bài dân ca của dân tộc Chu Ru.
Nghệ nhân biểu diễn một bài dân ca của dân tộc Chu Ru.  

Người phụ nữ này đã phải chịu một hình phạt hà khắc đó là bị dân làng cạo trọc đầu bôi lá độc và đuổi ra khỏi làng vĩnh viễn. Người đàn bà đó sau này phải sống chung với một bầy thú và leo trèo, chạy nhảy chốn rừng sâu hoang dã… Nhiều năm sau, khi “người thú” này bị dân làng bắt, mọi người thật bất ngờ khi trên ngón tay của nó là một chiếc nhẫn trống. Nhưng đó không phải là chiếc nhẫn đính hôn với người chồng đầu tiên mà có thể là chiếc nhẫn của người mà bà ta đã ngoại tình. 

Câu chuyện mà nhiều người Chu Ru còn nhắc tới đó mang nhiều màu sắc kỳ bí, nhưng nó là một lời cảnh tỉnh ăn sâu vào tiềm thức người đồng bào nơi đây. Nhiều người trẻ đến nay đã quên bẵng đi câu chuyện xa xưa kia, thế nhưng trong thâm tâm họ đều biết đến sự linh thiêng, sự trừng phạt nếu làm điều có lỗi đối với vợ hoặc chồng của mình.

Thực tế, việc xử lý đối với những trường hợp ngoại tình, ly hôn chủ yếu vẫn đánh vào kinh tế. Ai làm sai sẽ phải chịu phạt trâu, phạt vàng, thế nhưng điều đó ít xảy ra trong đời sống coi trọng hôn nhân một vợ, một chồng của người Chu Ru. Hơn nữa, một khi hiện tượng này lỡ có xảy ra thì cũng chính chiếc nhẫn bạc là tín vật đặc biệt quan trọng trong khâu hòa giải. Cặp nhẫn sẽ nhắc nhở họ đâu là gia đình đích thực của mình, người mang lầm lỗi nếu chịu sửa sai sẽ được người còn lại tha thứ và chung sống như chưa có chuyện gì xảy ra. 

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) cho biết: “Chiếc nhẫn bạc có vị trí rất quan trọng trong đời sống đồng bào người Chu Ru nơi đây. Trong lễ cưới, vợ chồng trao nhẫn cưới cho nhau thì họ sẽ rất coi trọng và sống với nhau đến suốt cuộc đời. Cũng chính vì vậy, chuyện ly hôn là điều hiếm khi xảy ra trong đời sống vợ chồng của người Chu Ru.

Hiện tại, có những cụ già ngoài 80 tuổi trong xã vẫn trên tay vẫn còn đeo chiếc nhẫn được vợ hoặc chồng trao trong ngày cưới (vì người giữ nhẫn đã qua đời). Theo quan niệm của người Chu Ru, một khi phụ nữ đã có chồng và đàn ông đã được bắt làm chồng mà đi ngoại tình thì đó là một trong những tội rất nặng.

Ở xã Tu Tra chuyện ngoại tình không mấy khi xảy ra, đặc biệt những cặp vợ chồng ly hôn lại càng hiếm. Một trong những yếu tố thắt chặt thêm mối quan hệ hôn nhân giữa hai người đàn ông và đàn bà đó chính là cặp nhẫn bạc đính hôn”.

Năm nay là năm con ngựa nên Ya Tuất làm thêm nhẫn vết chân ngựa, mỗi chiếc nhẫn mang một ý nghĩa riêng nhưng nhìn chung là cầu cho mùa màng tươi tốt, công việc ổn định để vợ chồng có thể chung sống hạnh phúc với nhau đến lúc bạc đầu.

Tuy không sánh bằng những sản phẩm kim hoàn của người Kinh nhưng những chiếc nhẫn của Ya Tuất làm ra có độ sắc sảo khá cao, đồng thời mang những dấu ấn văn hóa riêng của người Chu Ru. Nói cách khác, cặp nhẫn bạc Sri của người Chu Ru không chỉ là đồ trang sức độc đáo mà nó còn là bảo vật thiêng thiêng, góp phần quan trọng trong việc bảo toàn hạnh phúc gia đình và gắn kết tình yêu đôi lứa.

Người Chu Ru ở buôn Ma Lanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) quan niệm, cặp nhẫn bạc Sri C’Lay và Sri K’May luôn đem lại nhiều niềm vui, may mắn. Chính vì thế, trong các dịp hội hè, lễ tết, người Chu Ru thường mang nhẫn bạc tặng nhau làm kỷ niệm, như một lời chúc phúc đến người thân, bạn bè. Đặc biệt, với những chàng trai, cô gái trẻ, cặp nhẫn bạc Chu Ru còn là một tín vật thiêng liêng, biểu trưng cho lời hẹn ước đôi lứa, sống với nhau cho đến “răng long, đầu bạc”. 

Đọc thêm