Cư dân đồng bào dân tộc Thái nơi đây cho rằng đó là hang người Xá, sống cách đây hàng trăm triệu năm. Để khám phá những điều kỳ bí nơi núi rưng hoang vu này, chúng tôi đã có cuộc hành trình vượt núi, băng rừng để tận mắt nhìn hang động.
“Mục sở thị” hang bộ tộc người lạ
Hang Xá thuộc bản Khuyn, nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Khu vục này có nhiều đồi núi hoang vu, trùng trùng điệp điệp, tạo nên một khung cảnh hoang sơ và kỳ bí. Bên những chân đồi ven những con suối nhỏ, là những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái sinh sống cách đây đã nhiều đời nay. Trên một ngọn đồi cao của bản lại có một hang động chứa đựng những điều kỳ bí mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải.
Đường lên hang Xá cực kỳ hiểm trở nên chúng tôi phải nhờ anh Lương Đình Thuấn (nguyên Trưởng bản Khuynh) dẫn đường. Con đường mòn hun hút, chọc thẳng lên đỉnh đồi là những thân cây cổ thụ, có nhiều đoạn âm u và rậm rạp. Theo anh Thuấn, đường lên hang ma Xá khó đi, phải mất một giờ đồng hồ mới đến nơi. Chính vì vậy nên hang sẽ là thử thách những người giỏi leo trèo mới chinh phục được.
Sau khi vượt qua những vách đá tai mèo dựng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến hang người Xá, một bộ lạ nơi núi rừng hoang vu này. Theo chúng tôi quan sát, hang người Xá là một mái đá hình vòm cầu, nằm cheo leo vắt vẻo giữa lưng chừng đồi. Bước vào cửa hang là một luồng gió lạnh thổi qua vạt áo, sợ đến nỗi dựng cả tóc gáy. Nếu như một mình tôi chắc chắn sẽ không dám bước vào cửa hang.
Đứng ở cửa hang, từng đợt gió thổi tạo thành những âm thanh vi vút lạnh lẽo. Lúc nghe tựa xào xạc lách cách, lúc lại rì rầm như đang có người nói chuyện. Những âm thanh ấy chính là sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Đây chính là âm thanh của sự huyền bí, lý giải những dấu tích còn sót lại của một bộ tộc người lạ. Mặc dù ở xung quanh cây cối rậm rạp, nhưng khi chúng tôi đứng ở vách hang, thì lúc nào cũng có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Bởi có ánh sáng thì linh hồn mới được siêu thoát.
Theo như quan sát, hang Xá có độ dài chừng 200 mét. Do hang Xá có hình vòm nên nó tựa như một ngôi nhà để che mưa, che nắng. Vào sâu bên trong hang, bất ngờ xuất hiện trước mặt chúng tôi là những cỗ quan tài. Anh Thuấn cho biết: “Người dân phát hiện ra hang Xá này là vào những năm 1960. Lúc đó người dân thường lên hang để lấy mùn đất về để bón ruộng nên đã vô tình phát hiện ra quan tai”. Theo lời anh Thuấn, khi lấy xương chân, xương tay đo vào người bình thường thì nó dài hơn 20cm. Đồng bào đều khẳng định đây không phải là tổ tiên người Thái.
Tìm kiếm xung quanh để lý giải những điều bí ẩn ấy, chúng tôi đã phát hiện ra một khúc xương tay ngay cạnh chỗ quan tài. Cũng theo anh Thuấn, những cỗ quan tài này khi người dân tìm thấy thì nó đều được xếp chồng lớp lớp lên nhau. Xen kẽ những cỗ quan tài là một lớp vỏ ốc. Hiện vẫn còn rất nhiều lớp vỏ ốc khác nhau.
Bí ẩn những cỗ quan tài của “người khổng lồ” trên vách núi
Khi anh Thuấn đo thử thì các cỗ quan tài này đều có chiều dài là 2,4 mét. Theo anh Thuấn, loại gỗ để tạc ra những cỗ quan tài này là lõi cây “măn ngốt” (cây thuộc dòng họ gỗ lim), tuổi thọ của nó có thể lên đến hàng ngàn năm mà không bị mối mọt. Những chiếc quan tài đều được đục khoét theo hình dạng một chiếc thuyền độc mộc. Và nó đặt ra cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi. Rất có thể bộ tộc này sinh sống ở trong rừng và họ chọn những nơi hang động để làm nơi trú ẩn. Và cũng có thể bộ tộc này có tập tục người chết, người sống chung sống lẫn hoặc cũng có thể đây chính là một cuộc thôn tính giao tranh lãnh thổ và họ phải tự tiêu diệt lẫn nhau...
Theo anh Lục Văn Hạnh một người dân ở bản địa lý giải rằng: “Hiện gốc cây để làm ra những chiếc quan tài này được người dân phát hiện cách đỉnh núi chừng khoảng 2km, đường kính lõi khoảng 80 đến 90cm, đường đi cực kỳ khó khăn. Theo như nhiều người cho rằng, đây chính là bộ tộc người Xá di cư từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên vẫn chưa có ai tìm hiểu và khẳng định chắc chắn được điều này”. Anh Hạnh nhận định rằng, lớp ốc đá chính là thức ăn của bộ tộc. Bộ tộc này rất tinh khôn, bởi trước khi tìm đến hang động thì họ đã nghiên cứu kỹ địa hình, thế núi.
Cụ Lương Văn Thinh (95 tuổi) người ở trong bản cũng khẳng định rằng, đây không phải là tổ tiên của người Thái. Cụ cho rằng người Thái khi chết họ chỉ khắc bia mộ chứ không đem vào hang động. Theo các cụ cao niên ở trong bản, thời kỳ phát hiện ra hang Xá cũng có rất nhiều người tìm được những chiếc rìu đá tại nơi cất giấu quan tài. Rất có thể bộ tộc này họ sử dụng những chiếc rìu đá để tạc quan tài.
Dựa vào những chiếc rìu đá cổ, anh Cường một nhà nghiên cứu đồ cổ khẳng định rằng: Đây là bộ tộc người Xá của Trung Quốc, họ đến nước ta vào giai đoạn đầu đời nhà Hán. Bộ tộc này chuyên sống trên núi cao, họ có thủ lĩnh và sống bằng nghề săn bắn hái lượm”. Theo anh Cường, người phương Đông họ coi ánh sáng là sự sống, chính vì vậy nên họ mới chọn những nơi có ánh sáng mặt trời để đặt quan tài.
Ông Hà Nam Ninh (64 tuổi) nhà nghiên cứ văn hóa dân tộc Thái phân tích rằng: “Ở miền Tây xứ Thanh có rất nhiều hang quan tài treo trên các vách núi đá. Nhiều người cho rằng đó là người Giới và người Xá. Người Giới và người Xá đều cao to, họ thường chọn những đỉnh đồi tròn để đóng đồn. Người Giới và người Xá rất hiếu chiến nên họ thường sử dụng cung nỏ để tự vệ hoặc bắn giết lẫn nhau. Rất có thể giữa hai bộ tộc này họ tự tiêu diệt lẫn nhau. Hiện ở đảo Sri Lanka, nằm phía nam Ấn Độ Dương người ta cũng tìm thấy những cỗ quan tài treo trên vách đá. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải đây là quan tài thuộc bộ tộc nào”.
Có thể nói rằng, xung quanh ta còn có rất nhiều điều kỳ bí, hang Xá chỉ là một trong số rất nhiều hang động bí ẩn ở miền Tây Thanh Hóa. Và sự kỳ bí ấy còn đang là một ẩn số của cuộc sống, nhất là đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng núi cao. Và đây cũng chính là ẩn số thách thức các nhà khoa học đi lý giải khám phá.