Không ít lần những phu trầm như ông Quả, ông Sơn phải lặn lội sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc để tiếp tục tìm kiếm trầm kỳ. Tìm trầm nơi “sân nhà” vốn đã gian truân muôn phần, nay phải sang “sân khách” thì chắc chắn không tránh khỏi những hiểm nguy khó lường...
Xuất ngoại tìm trầm
Trước giải phóng, chỉ lác đác một số người trong thôn đi vào rừng núi ở các địa bàn gần để tìm trầm, nhưng sau đó nhiều người khác thấy “món hời” quá béo bở nên cũng bỏ ruộng đồng mà lên núi cao rừng sâu để tìm cách đổi đời. Lúc đầu, trầm còn rất nhiều trong những khu rừng còn nguyên sinh nên ở khắp đất nước đều có thể tìm thấy trầm.
Thậm chí, những phu trầm lúc này không buồn khai thác những cây trầm gió nhỏ mà tìm những những gốc trầm lớn và có giá trị cao mới lấy. Dần về sau, số người phu trầm lại ngày càng đông hơn, nên việc tìm kiếm được trầm trở nên khan hiếm. Vào những năm 80-90 trở đi, số phu trầm trong thôn Phú Cang 2 nói riêng đã lên đến con số hàng trăm người và địa bàn tìm kiếm trầm cũng được mở rộng hơn.
Trong thời gian này, việc tìm kiếm trầm dễ dàng nên các thương lái thường mua với giá rẻ mạt, thậm chí có nhiều người chỉ mua trầm loại thường chứ không mua kỳ nam vì giá quá cao nên rất khó bán. Vì vậy, các phu trầm thường trộn lẫn kỳ nam vào trầm mà bán vì kỳ nam có trọng lượng nặng hơn trầm thường.
Cũng vì việc tìm kiếm trầm dễ dàng nên những thanh niên tuổi đôi mươi bỏ công việc nương rẫy để lên rừng đi kiếm mộng đổi đời một cách nhanh chóng hơn, số trầm phu tăng lên hàng ngàn người chỉ riêng đối với xã Vạn Phú.
Chỉ sau vài năm săn lùng của giới phu trầm trên cả nước nói chung và thôn Phú Cang 2 nói riêng, số trầm kỳ quý hiếm dần dần ít đi và ngày càng khan hiếm. Trong những năm gần đây, mặc dù những người đi kiếm “giọt máu rừng” ngày càng đông hơn gấp bội, nhưng hy hữu lắm mới có người may mắn nhận được “lộc rừng”.
Ông Quả đang kể chuyện với PV |
Là người có gần mấy chục năm trong nghề, mặc dù đã đi “nát” các khu rừng từ Khánh Hòa cho đến tận Tây Nguyên rồi đến vùng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với ông Quả lần nào. Trong những năm gần đây, ông cũng ít đi tìm trầm hơn và thỉnh thoảng chỉ nghe ở đâu trúng được trầm kỳ thì mới lên đường để hi vọng kiếm được chút “sái”.
Từ sau vụ của cha con anh Danh, ông Quả cũng kiếm được số tiền khoảng vài chục triệu, ngọn lửa âm ỉ trong huyết quản về mộng đổi đời nhanh chóng bùng cháy trở lại. Ông Quả lại gùi giỏ, cuốc và cơm mắm lên đường cùng những phu trầm địa phương.
“Anh em chúng tôi không tìm đến những khu rừng đã đi qua nữa, vì thú thật là dù đã tìm nát cả cây cỏ trong đó thì cũng không tài nào kiếm được một cây bầu dó nhỏ chứ nói gì đến trầm kỳ. Hơn nữa mỗi ngày có hàng nghìn người từ khắp nơi trên đất nước tìm đến những khu rừng đó mà có thấy gì đâu.
Đầu năm 2011, chúng tôi quyết “một ăn một thua” nên tìm sang những cánh rừng ở biên giới Việt-Lào để tìm trầm. Nhưng trớ trêu thay, khi vừa mới chân ướt chân ráo đặt lên đất Lào thì chẳng may anh em chúng tôi bị kiểm lâm của nước bạn đuổi bắt. May mắn lắm 6 người chúng tôi mới thoát được, sau đó cả đoàn đón xe thẳng về địa phương. Sau lần ấy, phương án vượt biên sang những nước lân cận của chúng tôi cũng tan tành”, ông Quả nhớ lại chuyến vượt biên gần đây của cuộc đời mình.
Ông Quả cũng cho biết, không riêng ở thôn Phú Cang 2 này mà trên khắp mọi miền đất nước đều có những phu trầm gạt bỏ những hiểm nguy đang rình rập mình từng ngày để lặn lội sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc để theo đuổi giấc mơ tìm “giọt máu rừng”. Trong đó không ít người đã phải bị bắt giữ ở nước ngoài, thậm chí có người phải bỏ mạng nơi xứ xa. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông Quả nói.
Ước mộng nơi đại ngàn
Trong gần 400 hộ gia đình có người đi làm nghề phu trầm ở thôn Phú Cang 2, đa số là những người đàn ông, thanh niên trụ cột trong mỗi gia đình. Chỉ vì mong muốn được đổi đời trong thoáng chốc nên những người đàn ông này bỏ bê công việc đồng áng, bỏ lại vợ con và gia đình để lặn lội vào nơi rừng thiêng nước độc tìm trầm kỳ.
Trong khi đó, rất ít người trong số họ trúng được trầm kì và đổi đời, còn lại đa số đều trở về tay không hoặc bất hạnh hơn là trở thành người mang thương tật vĩnh viễn, thậm chí bỏ mạng nơi xa xứ. Phần nhiều trong số họ không thể nhìn thấy được những dòng nước mắt quặn lòng của người thân nơi quê nhà.
Mỗi ngày chưa thấy chồng mình trở về là những người vợ lại lo lắng, cầu nguyện và đôi khi thẫn thờ trông đợi chồng con trở về từng ngày. Có những đứa con thơ chưa kịp chào đời đã vĩnh viễn mất đi vòng tay ấm áp của người cha...
Theo đuổi giấc mơ đổi đời từ “giọt máu rừng” nên các thanh niên trai tráng trong làng gạt qua những hiểm nguy chốn rừng thẳm. “Phần lớn các phu trầm là những người đàn ông trụ cột trong gia đình và là thành phần lao động chính, nên khi họ theo đuổi “giấc mơ trầm” thì địa phương này sẽ thiếu hụt rất lớn nguồn lao động.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, số phu trầm ở thôn Phú Cang 2 đã chiếm hơn một nửa thành phần lao động ở địa phương. Cũng vì không muốn thua kém những người đã may mắn trúng trầm kỳ mà thành “tỉ phú” ở trong thôn, nên những thanh niên chỉ độ tuổi đôi mươi đã bắt đầu bỏ trường lớp để nối gót những bậc cha chú đi vào những cánh rừng thiêng nước độc để tìm trầm. Dù ai cũng biết rằng đời phu trầm lắm những hiểm nguy, nhưng vì muốn được giàu có nhanh chóng nên những thế hệ thanh niên trong thôn cứ tiếp bước ra đi...”, ông Quang chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Dương Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú - cho biết: “Hiện nay số phu trầm trong xã đã lên đến vài ngàn người, nhưng chủ yếu tập tập trung ở các thôn như Phú Cang 2, Long Phú.
Đường vào thôn Phú Cang 2 |
Tuy nhiên vấn đề người dân đi tìm trầm chỉ mang tính tự phát trong từng địa phương chứ chúng tôi không thể quản lí được chuyện này. Trong những năm gần đây cũng có vài người trúng được trầm kỳ là có thực, nhưng vì chi tiêu không hợp lí nên cũng sớm tái nghèo như trước.
Đa số những phu trầm ở trong xã này đều có xuất thân từ những người làm nương rẫy, hoặc sớm bỏ học nên rất dễ bị những người lái buôn lừa gạt nếu có may mắn khai thác được trầm kỳ. Một vấn đề nan giải đối với những địa phương có người trúng trầm là tình trạng cờ bạc, cướp bóc diễn ra ở khắp nơi, kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến những người dân khác trong vùng.
Về việc này, chính quyền địa phương đã có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tập trung vào công việc sản xuất tại địa phương, hạn chế những trường hợp thanh thiếu niên bỏ học sớm để làm trầm như trước đây”.
Giấc mộng đổi đời và cám dỗ vật chất là vậy nên những ước mơ của trai tráng, thanh niên thôn Phú Cang 2 và nhiều địa phương khác vẫn luôn thấp thỏm mỗi khi nghe tin trầm được phát hiện ở đâu đó. Và những chuyến đi lại được chuẩn bị, để lại đằng sau nước mắt của người thân.
Với những người phụ nữ, người mẹ, người vợ tại thôn Phú Cang 2, họ chỉ cần người thân mình trở về làm ăn bình thường, sống cuộc sống đạm bạc chứ không phải đánh đổi tính mạng, một phần cơ thể nơi xứ người để nuôi giấc mộng giàu có trong phút chốc.../.