Những đòn thù hèn hạ
Cụ Nguyễn Công Uẩn kể lại, những năm 2004 - 2009, là giai đoạn cụ chống tiêu cực, tham nhũng quyết liệt nhất. Sau khi cụ Uẩn phát đơn, suốt vài năm ròng rã đấu tranh cuối cùng cũng làm rõ việc cán bộ thôn bán đất trái thẩm quyền và thu chi nhiều khoản không minh bạch.
Kết quả “trận đánh” ấy, 2 vị cán bộ thôn phải hầu tòa và chịu án tù giam, còn cụ Uẩn đại diện tỉnh tham dự, báo cáo tại hội nghị phòng chống tham nhũng cả nước. Nhưng có được thành tích đó, cụ Uẩn phải nhiều phen ra vào "hang cọp".
Còn nhớ, Tết Nguyên đán năm 2005, sau khi phát đơn tố giác chỉ đích danh trưởng thôn vi phạm pháp luật, “bị hại” đằng đằng sát khí vào tận nhà cụ Uẩn, chưa cần nghe giải thích đã túm lấy lão nông đánh túi bụi, cụ ngã sấp mặt gẫy cả răng. Ngay trong đêm đó, cụ Uẩn phải bí mật sang nhà cụ Lãng ẩn náu.
Sau đó, để đảm bảo an toàn, cụ Uẩn phải lên ăn trực nằm chờ cầu cứu sự bảo vệ của công an tỉnh và nhiều cơ quan công quyền khác. Cả cái tết năm đó, người người nhà nhà vui vầy bên gia đình, cụ Uẩn 1 mình “tha phương” trước những lời đe dọa của người bị tố cáo tiêu cực. Sau vụ việc hành hung ấy, vị trưởng thôn chỉ bị cảnh cáo, còn cụ Uẩn được phen nhớ đời.
Đấy không phải là biến cố duy nhất đến với cụ Uẩn. Lần khác, việc đi lại thu thập chứng cứ, đưa đơn tố giác chủ yếu bằng xe đạp và phương tiện công cộng. Có lần, trên đường về trời tối đen như mực, một mình cụ Uẩn đạp xe trên con đường liên thôn vắng vẻ. Phía ngược chiều có xe máy lao vun vút nhắm thẳng tới hướng cụ nhưng vướng phải đụn rơm bên đường người điều khiển ngã nhào xuống kênh.
Gần đó lại có quán bia, cụ Uẩn nghĩ chắc ai đó say xỉn không làm chủ tay lái nên vẫn đi tiếp. Nhưng đến đoạn nữa lại có tiếng xe máy ìn ìn đằng sau, vượt lên, tụt xuống, đinh ninh có điều không lành, một mình giữa đêm tối vắng vẻ, cụ Uẩn nhanh trí rẽ tắt lối nhỏ thoát thân.
Về tới gần nhà, lại thấy gã đi xe máy đó lượn đi, lượn lại vê ga nhòm ngó, thoáng thấy chỗ sáng đèn cụ mới lờ ngờ nhận ra “người quen”. Nhưng cụ Uẩn cho biết, đau đớn nhất là kẻ gian còn trả thù hèn hạ bằng cách triệt nguồn thu nhập chính của bản thân, khi vung hóa chất triệt hạ gần 30 cây nhãn lồng, 5 cây sấu đang cho thu hoạch.
Đối với cụ Lãng cũng vậy, thành tích “hạ bệ” 3 đời trưởng thôn liên tiếp của cụ Lãng cũng được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức thậm chí cả tính mạng. Không nhớ bao lần cụ Lãng lo sợ bị kẻ xấu chặn đường hành hung, đe dọa, hoặc dùng đủ tất cả mưu hèn kế bẩn để cốt làm nhụt ý chí đấu tranh của lão cựu chiến binh.
Nhớ nhất, năm 2009, sau 1 loạt “tiếng súng” nổ chống tham nhũng, tiêu cực thành công, cụ Lãng có lần bị 1 kẻ xấu chặn đường hành hung, nhưng nhờ có chút nghệ nhà binh vẫn còn nên cụ cương nghị không lui. Vụ việc được một số người dân phát hiện can ngăn.
Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho 1 cuộc chiến không cân sức khi cả “bè” nhà “bị hại” kéo đến tận nhà cụ Lãng khủng bố bằng bom bẩn, gậy gộc và liên tiếp tấn công bằng vô số lời thóa mạ. Cụ Lãng không thể 1 mình chống trả nên chỉ biết khóa trái cửa cố thủ trong nhà đợi cơ quan công an tới giải quyết hòa giải nhưng không có kết quả.
Dưới sức ép của dư luận, của đông đảo người thân của bị hại, cụ Lãng vẫn kiên quyết không rút đơn tố giác, đề nghị khai trừ khỏi đảng kẻ xấu. Vậy là, đêm hôm đó, kẻ xấu lẻn vào vườn nhà cụ Lãng chặt phăm cả chục gốc bưởi, và hoa màu khác để “cảnh cáo” răn đe. Tuy nhiên, cụ Lãng vẫn kiên quyết đấu tranh không rút đơn tới cùng. Kết quả, ngày hôm sau, cả vườn hàng trăm gốc cây ăn quả và hoa màu tơi tả, không còn gốc nào.
Cụ Uẩn chỉ lại chiếc răng gẫy do bị hành hung |
Gia đình không chung“chiến hào”
Dư luận xã hội đã đành, ngay cả những người trong gia đình dường như chưa bao giờ chung 1 “chiến hào”, là hậu phương vững chắc ủng hộ 2 cụ. Cụ Uẩn cho biết, thời kỳ đầu đi đấu tranh chống tham nhũng không khí gia đình rất căng thẳng. Các con của cụ Uẩn đều đã trưởng thành, là cán bộ, công chức nhà nước, tuy biết việc cụ làm là đúng nhưng không ai ủng hộ, gia đình bất hòa rất nhiều lần.
Cụ Uẩn biết vì thương mình nên các con mới phản đối, không muốn cụ cuối đời còn vất vả, đối mặt với nguy hiểm khi đấu tranh với tiêu cực, mà trong trận chiến 1 phần thắng, 9 phần thua thiệt.
Cụ Uẩn nhớ nhất tết năm 2007, vừa thắp hương các cụ xong, con trai cả lập tức triệu tập cuộc họp gia đình. Người con đặt cụ vào thế bàn cân: “Ông bỏ con cháu hay ông bỏ khiếu kiện?”.“Tôi bảo cả hai cái này tôi chả bỏ cái nào, cái nào tự nguyện bỏ tôi trước tôi chấp nhận cả”, cụ Uẩn bình tĩnh trả lời như vậy.
Không thể dùng tình cảm để ép buộc cụ Uẩn, người con trai cả lại giở lý, cho rằng, nhà đất cụ đã sang tên cho các con thì không được tụ tập, viết đơn khiếu kiện tại đây. Câu nói của cậu con trai cả khiến cụ Uẩn đau rớt nước mắt vào trong. Nhưng cụ Uẩn vẫn cứng rắn trả lời: “Tôi cảm ơn anh anh bộc lộ người con có hiếu. Tôi hứa làm xong vụ việc này, có thân tôi lo”, cụ Uẩn thuật lại.
Thậm chí, người con trai cả của cụ Uẩn còn ra “lệnh” khẩn không biếu xén tiền để triệt tiêu kinh tế nhằm khiến cụ không có kinh phí để tham gia khiếu kiện. Thậm chí, còn tuyên bố viết chữ ở lưng nhà với nội dung “nhà này không chứa khiếu kiện”…
Tuy nhiên, chừng ấy khó khăn, khổ tâm không ngăn cản được tinh thần chiến đấu với tiêu cực không mệt mỏi của cụ Uẩn. Đến giờ nghĩ lại, cụ Uẩn vẫn dưng dưng bởi không biết động lực nào lại khiến cụ lúc đó bình tĩnh và khôn khéo như vậy.
Thế nhưng, khi thành tích đấu tranh với tiêu cực của cụ Uẩn được ghi nhận, nhớ năm 2009, khi vào Đà Nẵng dự hội nghị tuyên dương chống tham nhũng, người đầu tiên cụ Uẩn gọi điện lại chính là cậu con trai cả… để “báo cáo” thành tích đáng mừng nói trên.
Với cụ Lãng cũng vậy, tình cảm họ hàng sứt mẻ, giỗ chạp không ai còn nhớ tới cụ, thậm chí, anh em còn không dám nhìn mặt ai. Từ khi cụ Lãng đi đấu tranh với tham nhũng không khí gia đình rất u uất, lúc nào cũng căng như dây đàn.Trước sức ép từ dư luận xã hội, rồi người thân trong gia đình, cụ Lãng nghĩ cần phải cách ly với mọi mối quan hệ, kể cả người thân.
Vậy là, từ năm 2004, cụ Lãng đã ăn riêng, ở riêng, tự chăm sóc bản thân và đi về như cái bóng, trừ những ngày lễ tết, giỗ chạp cụ phải làm tròn trách nhiệm với gia đình. Số tiền lương ít ỏi, cụ Lãng dành 1 phần chi tiêu bản thân, phần còn lại dành toàn bộ làm kinh phí đi lại để tố giác tiêu cực.
Đấu tranh với tiêu cực tới cùng
Gia đình ngăn cản, hàng xóm, họ hàng xa lánh và dị nghị nhưng động lực nào khiến 2 lão nông lại quyết tâm đánh đổi như vậy để chống tiêu cực? Đó là không chịu nín được trước sự bất công, mong muốn xã hội trong sạch. Càng đi sâu vào con đường chống tiêu cực, càng hiểu rõ hơn nhiều u nhọt của tham quan nên hai lão nông càng hăng hái đến quên hết cả lợi ích bản thân.
Cũng có lúc, do việc hiểm họa từ việc tư thù cá nhân rình rập, cụ Uẩn cũng có lúc buông xuôi, bàn nhau kế lùi. Tuy nhiên, cụ Lãng với chất khí nhà binh lại động viên, làm công tác tư tưởng: “Đã cưỡi lưng hổ rồi, dừng cũng chết, tố cáo cũng chết, vì vậy càng không sợ chết”. Vậy là, hai cụ lại cùng đồng hành trên con đường đi chung.