Bị đánh lê lết, phụ nữ vẫn ít cầu cứu pháp luật

Nhiều người dân và bản thân nạn nhân vẫn coi việc chồng đánh vợ nếu không để lại thương tích là điều có thể chấp nhận hoặc bao dung được. Quan niệm chồng có quyền dạy vợ con bằng vũ lực tỏ ra vẫn còn sâu đậm trong một bộ phận dân cư và còn chưa bị cộng đồng phản ứng nghiêm khắc. Chỉ khi vụ việc thật nghiêm trọng mới được đưa đến chính quyền hoặc chính quyền mới can thiệp.

Biết đến bao giờ những “đóa hoa” phụ nữ và trẻ em gái mới được nâng niu, dù rằng vào ngày 25/11 hàng năm nhân loại vẫn lên tiếng nhằm xóa bỏ bạo lực đối với nữ giới?.

Việc thiếu hiểu biết về pháp luật đã khiến cho luật pháp chưa thể là “điểm đến” của các nạn nhân nữ bị bạo lực thể xác và tinh thần. Mặc dù, các nhà hoạch định chính sách nước ta rất kiên quyết ngăn chặn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhưng vấn đề này vì nhiều lý do chưa được chú trọng trong chương trình phát triển xã hội của các địa phương nên người dân ít biết tới. Và, vì thế tình trạng bạo lực vẫn còn nhức nhối...

Lặng im chịu trận mưa đòn

Thều thào trong cơn đau, chị chị Trần Thị Thu Hằng (SN 1965, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) nhớ lại cuộc tra tấn kinh hoàng kéo dài hơn từ sáng sớm đến tối mà thủ phạm không ai khác chính là chồng của chị - Lưu Nguyễn Tân.

Nhà chị Hằng bán hàng ăn đêm, vẫn thường dọn hàng lúc rạng sáng. Khoảng 3h ngày 18/7, sau khi dọn hàng xong, chị chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Khi ấy, trong nhà còn có một người đàn ông hàng xóm là người giúp việc, phụ giúp bán hàng.

Từ trên gác, Lưu Nguyễn Tân (SN 1963, chồng chị Hằng) cho rằng hai người quá “gần gũi” với nhau, nghĩ rằng có sự dan díu nên đã lao xuống thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ. Không để vợ giải thích một câu, Tân chốt cửa, đánh vợ một trận “lên bờ xuống ruộng”.

58% phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của một trong ba hình thức bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần. Trong ảnh: Nạn nhân một số vụ bạo hành gia đình
58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của một trong ba hình thức bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần. Trong ảnh: Nạn nhân một số vụ bạo hành gia đình.

Chưa thỏa cơn ghen, Tân lấy đoạn xích sắt to buộc vào cổ vợ, kéo lên tầng trên, treo xích lên xà nhà. Một cuộc tra tấn như thời trung cổ thực sự đã diễn ra. Tân dùng búa đinh đập liên tiếp vào mắt cá chân, bàn tay và nhiều nơi trên cơ thể chị Hằng. Hết dùng búa, Tân lấy vỏ chai bia vừa uống làm hung khí để đánh đập vợ.

Đánh chán, Tân xuống dưới nhà, ra cửa uống bia, nói chuyện với nhóm thợ xây nhà bên cạnh như không có chuyện gì xảy ra. Lúc sau, Tân lại quay lên, dùng vỏ chai bia tiếp tục tra tấn vợ. Đau đớn tột cùng song chị Hằng không dám hé răng kêu một tiếng vì Tân dọa sẽ giết chị. Có lúc, vỏ chai vỡ đã cứa rách nhiều nơi trên cơ thể chị. Tân bình thản bắt vợ cắn răng chịu đau, tự lấy kim chỉ khâu lại vết thương cho vợ rồi... đánh tiếp.

Cứ thế, cuộc tra tấn kinh hoàng kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ mà hàng xóm không ai hay biết. Đến khoảng 18h, Tân tháo xích cho vợ, bắt vợ đi chuẩn bị đồ để bán hàng. “Không còn chút sức lực nào nhưng tôi vẫn cố xuống chế biến thức ăn để bán hàng. Mấy người hàng xóm đi qua, thấy tôi như vậy đã báo công an” - chị Hằng kể lại.

Một vụ bạo hành khác cũng khiến dư luận căm phẫn. Do ghen tuông, Bùi Văn Hòa (SN 1966, ở 73 Trương Văn Lực, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) đã dùng điếu cày và chân tay tra khảo chị Lê Thị Ánh (SN 1969) đến chấn thương sọ não, bầm dập cả người. Tối 22/10, nấu cơm xong, chị Ánh xin phép chồng đi liên hoan cùng một số người bạn làm cùng Công ty Cá sấu Việt Nam nằm trên địa bàn phường.

Đến hơn 22h cùng ngày, chị Ánh về đến nhà thì Hòa lập tức đóng cửa, lấy điếu cày đập vào đầu chị Ánh. Khi điếu cày vỡ, Hòa tiếp tục dùng khung ảnh to đập nhiều nhát vào đầu người vợ cho đến khi khung ảnh vỡ tan. Chưa dừng lại ở đó, gã chồng vũ phu còn dùng tay chân đánh đập chỉ Ánh dã man, tra khảo chị đi với ai, ngoại tình ở đâu...

Khi chị Ánh kêu la, Hòa đã dùng giẻ lau nhà nhét vào miệng. Nhẫn tâm hơn, khi thấy vợ nằm bất tỉnh, Ánh ung dung lấy rượu ra uống rồi lại tiếp tục dùng cán chổi, dùng tay đánh vợ. Hàng xóm cho biết, Hòa đã nhiều lần đánh vợ nhưng thường vào ban đêm và đóng chặt cửa nên hàng xóm cũng khó can thiệp. Hơn nữa, nạn nhân thường lặng im chịu trận "mưa đòn".

Vì bao dung nên dễ bị ăn đòn?

Theo kết quả “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam” được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc chính thức công bố thì cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì 1 người đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, chiếm tỷ lệ 34%. 

Tuy nhiên, nếu xét đến cả 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là thể xác, tình dục và tinh thần thì có hơn một nửa phụ nữ Việt Nam (58%) cho biết từng là nạn nhân của một trong ba hình thức nói trên. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chính chồng mình lạm dụng nhiều gấp 3 lần so với khả năng bị người khác lạm dụng.

Bạo lực gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ. Họ có xu hướng mắc phải những vấn đề về đi lại, bị đau và mất trí nhớ, sảy thai và nạo thai... Ở Việt Nam, 60% phụ nữ bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục bị thương tích nhiều hơn một lần, và 17% bị thương tích nhiều lần. Đặc biệt, những phụ nữ bị bạo hành thì khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp 3 lần so với phụ nữ chưa từng bị bạo hành.

Nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về bạo lực gia đình cho thấy, rất nhiều người chưa hiểu đầy đủ phạm vi của bạo lực gia đình. Đại đa số cho rằng chỉ có sự hành hạ về thể xác mới cấu thành bạo lực, do tính chất nghiêm trọng của nó: gây thương tích hoặc chết người. Theo nghiên cứu của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy chỉ có 55% người được hỏi trả lời là có nghe nói đến bạo lực gia đình.

Những người nghe nói đến bạo lực gia đình thì chủ yếu chỉ nghe nói đến bạo lực về thân thể như đánh vợ. Rất ít người coi việc ép buộc vợ về tình dục là bạo lực. Người có học vấn càng thấp, tỷ lệ không biết về bạo lực gia đình càng cao: 44% đối với người có trình độ tiểu học trở xuống, 17 % đối với người có trình độ trung học cơ sở và chỉ có 2 % đối với người có trình độ đại học hay cao đẳng.

Nạn nhân của các dạng bạo lực trong gia đình trong nhiều trường hợp đã không được cứu giúp kịp thời. Nhiều phụ nữ khi bị đánh đã không có chỗ trú chân. Nhiều người dân và bản thân nạn nhân vẫn coi việc chồng đánh vợ nếu không để lại thương tích là điều có thể chấp nhận hoặc bao dung được. Quan niệm chồng có quyền dạy vợ con bằng vũ lực tỏ ra vẫn còn sâu đậm trong một bộ phận dân cư và còn chưa bị cộng đồng phản ứng nghiêm khắc. Chỉ khi vụ việc thật nghiêm trọng mới được đưa đến chính quyền hoặc chính quyền mới can thiệp.

Cứ 100 phụ nữ bị đáng chỉ 3 người biết cậy nhờ đến chính quyền

Nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về bạo lực gia đình cho thấy tỷ lệ can thiệp, giúp đỡ của chính quyền đối với các vụ bạo lực gia đình rất thấp.

Trong khi tỷ lệ bà con hàng xóm can thiệp giúp đỡ là 62,7%, hội phụ nữ là 36% thì chính quyền chỉ là 2,9%, công an là 4%, như vậy cứ 100 phụ nữ bị đánh thì chỉ có 3-4 người biết cậy nhờ đến chính quyền hay cầu cứu công an. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó có nguyên nhân là bản thân nạn nhân thiếu hiểu biết về pháp luật.

(còn tiếp)

Thùy Dương

Đọc thêm