Bi hài chuyện đã bị chồng đánh còn phải nộp phạt

Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực ra đời và có hiệu lực được hơn 4 năm nhưng một số điều luật chưa gần với dân, chưa đi vào cuộc sống. Khi thực thi Luật, trên thực tế đã có nhiều bi hài chuyện nộp phạt và đi giáo dục của những người trong cuộc.

Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực ra đời và có hiệu lực được hơn 4 năm nhưng một số điều luật chưa gần với dân, chưa đi vào cuộc sống. Khi thực thi Luật, trên thực tế đã có nhiều bi hài chuyện nộp phạt và đi giáo dục của những người trong cuộc.

Có tiền, có quyền đánh vợ?

Chị Trần Thị Hoa (Ninh Bình) lập gia đình 5 năm. Từng ấy thời gian, chị Hoa phải chịu những trận mưa đòn của chồng. Chồng chị thường lấy lý do buồn chán vì gia cảnh nghèo khó mà hành hạ chị. Cuộc sống trôi đi với những trận mắng chửi và đánh đập.

Không thể chịu được nữa, chị viết đơn ra công an tố cáo người chồng bạo hành. Sau khi xem xét sự việc, chồng chị bị chính quyền phạt hành chính 500.000 nghìn đồng.

Trớ trêu thay, chính người bị bạo lực- chị Hoa phải trả số tiền đó. Bởi một thực tế, ở các gia đình, nhất là nông thôn, kinh tế gia đình đều chung của vợ và chồng.

Như vậy, dù người chồng bị phạt nhưng người chịu ảnh hưởng gián tiếp lại vẫn là những người vợ- nạn nhân của nạn bạo hành. Hình ảnh truyền thống về sự nai lưng và cam chịu của người phụ nữ lại một lần nữa được thể hiện ở trường hợp này.

 Cũng như chị Hoa, có rất nhiều nạn nhân phải “móc hầu bao” trả tiền phạt cho người gây ra bạo lực với mình. Chị Phương Mai (Tuyên Quang) thường bị chồng bắt thực hiện các hành động khiêu dâm quái ác. Chịu chẳng thấu, chị cũng tố cáo chồng. Và chồng chị đã bị phạt 600.000 nghìn đồng theo Điểm c, Khoản 2, Điều 11 Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Và để có tiền phạt, anh ta đã lấy số tiền bán gạo của vợ. Chỉ bị xử phạt hành chính, nên rất nhiều người gây bạo lực gia đình nói cùn: “Tôi có tiền, tôi có quyền bạo hành”!

Phạt kinh tế - chưa phải cách hay

Các chính sách hỗ trợ nạn nhân hay biện pháp ngăn chặn người gây bạo lực còn thiếu sự nghiêm minh trong xử phạt. Các hình thức chủ yếu là có sự nhắc nhở, khiển trách của chính quyền địa phương đối với người gây bạo lực. Giáo dục tại cộng đồng (cũng rất nhẹ nhàng như dọn cỏ ở sân công cộng hay ở ủy ban) cùng lắm thì đưa đi trung tâm giáo dục (1-2 năm).

Nhiều trường hợp chồng bị đi giáo dục, vợ lại là người phục vụ chồng. Trường hợp chị Bùi Thị Huyên (Đông Anh, Hà Nội) thổ lộ về việc phải “hầu” chồng khi anh ta bị chính quyền lập biên bản do đánh vợ quá dã man và đưa đi cải tạo một năm ở tỉnh khác. Chị cho biết chính mình chứ không ai khác lại là người phải đi thăm nuôi anh ta. Tính toán tiền thăm nuôi, bồi dưỡng quà cáp tốn kém mất vài triệu đồng.

Lại có trường hợp, người chồng đánh vợ tới mức phải đi cấp cứu trạm y tế. Sợ bị phạt, người chồng này đã bỏ đi làm ăn 2-3 năm. Người chồng chẳng hề bị cơ quan chức năng kiếm tìm để xử lý. Sau vài năm, người chồng về, thế là mọi việc hòa cả làng.

Từ thực tế này, có lẽ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại hình thức không phạt người gây bạo lực về kinh tế, bởi mối quan hệ đặc biệt sống chung, dùng chung ngân sách trong gia đình với người bị bạo lực. Cần có mức độ kỷ luật khác nghiêm minh để có sự công bằng hơn, người gây bạo lực gia đình phải chịu hậu quả chứ không phải ai khác.

Hiện nay, phần lớn các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình chỉ dừng ở mức hoà giải hoặc cảnh cáo, phạt nhẹ; những vụ bạo lực gây thương tích trầm trọng, làm mất sức lao động 11% trở lên mới bị pháp luật xét xử. Đó cũng là lí do khiến nạn bạo lực gia đình chưa có sự thuyên giảm.

Bảo Châu

Đọc thêm