Bi hài thôn nữ thuê chú rể, cưới giả để giấu tình đồng tính

Đám cưới giữa chị Nguyễn T.B.T. (SN 1991, ngụ ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức) và anh Phạm Hoàng Nghĩa (SN 1989, ngụ ấp An Lương, xã Phú Đức, cùng huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thuộc dạng kỳ cục nhất Việt Nam. Đằng sau đám cưới này là một màn kịch công phu của hai thiếu nữ đồng tính?.

Đang trong lúc quan viên hai họ ngồi bàn ăn chúc tụng cô dâu chú rể đẹp đôi, mọi người phát hiện ra số vàng mang đến làm đồ cưới là vàng giả nên chú rể nhanh chóng nhảy lên xe ôm trốn biệt tích.

Đám cưới giữa chị Nguyễn T.B.T. (SN 1991, ngụ ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức) và anh Phạm Hoàng Nghĩa (SN 1989, ngụ ấp An Lương, xã Phú Đức, cùng huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thuộc dạng kỳ cục nhất Việt Nam. Đằng sau đám cưới này là một màn kịch công phu của hai thiếu nữ đồng tính?.

Nơi tổ chức đám cưới kỳ dị
Nơi tổ chức đám cưới kỳ dị

B.T được hàng xóm nhận xét là một cô gái cao ráo, trắng trẻo, xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, dễ nghe. Trước ngày cưới, thiếu nữ này là nhân viên một quán cà phê ở thành phố Vĩnh Long. Khoảng hai tháng trước, B.T về quê thưa chuyện chồng con với mẹ là bà P.T.D.P. (SN 1961).

Theo lời kể của bà P., khi đó B.T nói sẽ lấy một người tên là Phạm Hữu Nghĩa, tính tình hiền lành, trung thực, bố mẹ đã mất, chỉ sống với mẹ nuôi, không có anh chị em thân thích, hoàn cảnh kinh tế gia đình không có gì khá giả. Bà Phấn nghĩ con gái mình cũng đã đến tuổi lập gia đình, lại không nghề nghiệp ổn định mà gặp được một người con trai tử tế thì cũng đồng ý cho việc cưới xin.

“Nhà mình cũng chẳng điều kiện gì, các con thương nhau, biết cách làm ăn là mẹ mừng rồi”, bà mẹ thuật lại lời nói với con gái.

Trước khi tổ chức lễ cưới, bà P. hai lần gặp “dì Tư”, người được cho là mẹ nuôi của con rể tương lai, sẽ là “bà sui” của mình. Bà P. nhớ lại, trong những lần gặp gỡ, dì Tư than khó về hoàn cảnh gia đình, nên hai bên thông gia thoả thuận sẽ bỏ qua lễ hỏi mà tiến hành luôn đám cưới để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy.

Hai bà thông gia này cũng thoả thuận, đến ngày tổ chức cưới, bên nhà trai sẽ đem đến cho nhà gái một số trang sức bằng vàng cho cô dâu và 10 triệu đồng chi phí cho nhà gái tổ chức đám cưới. Hai bên nhanh chóng ấn định ngày cưới 9/9 năm Nhâm Thìn (tức ngày 23/10/2012).

“Một điều lạ là trước khi cưới hai ngày, dì Tư điện thoại cho tôi bảo là bận công việc làm ăn ở Campuchia nên trong ngày đón dâu sẽ không tham gia được. Tôi cũng hơi buồn phiền một chút nhưng nghĩ vì công việc, nên cũng thông cảm cho bà thông gia. Sau khi sự việc xảy ra tôi mới nghi ngờ rằng dì Tư này có khi là mẹ nuôi “hờ” của thằng con rể giả”, bà P. nói.

Lần đầu tiên tổ chức đám cưới cho con, dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng bà P. không muốn bị hàng xóm chê cười, nên cố gắng tổ chức lễ thành hôn cho cô con gái thật hoành tráng để “mở mày mở mặt”. 150 thiếp mời được in, mời bà con họ hàng gần xa và bạn bè thân thích của cô dâu.

Khi nhận được thiếp mời, hàng xóm ai cũng vui mừng, xen lẫn tâm lí bất ngờ, vì từ trước nay họ không thấy B.T có bạn trai, nay bỗng dưng tổ chức lễ cưới. Trưởng ấp Thanh Mỹ 2, ông Phạm Đăng Khoa cho biết: “Cả ấp ai cũng thắc mắc về người chồng sắp cưới của B.T, không ai biết mặt mũi chú rể tương lai như thế nào. Trước nay chỉ thấy con nhỏ chơi với bạn bè cùng giới, chưa có bạn trai, mà bỗng dưng nhận được thiếp báo hỷ sắp lấy chồng, nay ai cũng bất ngờ”.

Ngày cưới của B.T, cả ấp Thanh Mỹ 2 bình thường vắng lặng bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Từ hôm trước đám, không khí chuẩn bị đã vui như ngày Tết, nhạc đám cưới mở rộn ràng, đội phục vụ thuê bàn ghế, bát đũa, phông bạt gọi nhau í ới. Sáng 9/9 Âm lịch thời tiết đẹp, trời không mưa, nắng nhẹ. Thiếp mời cưới đề 10h nhưng trước đó mấy tiếng đồng hồ, người dân Thanh Mỹ 2 đã rậm rịch chuẩn bị, hẹn nhau đi dự tiệc B.T lấy chồng.

Đúng 10h, người dự tiệc đã đông đủ, 150 thiếp mời thì không một khách vắng mặt. Tính cả anh em con cháu thân thích, người phục vụ thì số người hơn 200. Thế nhưng, chờ mãi không thấy chú rể xuất hiện, bà P. nóng ruột mới giục con gái gọi điện cho chú rể đến nhanh để kịp giờ làm lễ.

Đến 11h, một chiếc xe du lịch được thuê mới xuất hiện, chở chú rể cùng đoàn nhà trai. Ai cũng bất ngờ vì đại diện nhà trai không thấy có họ hàng thân tộc, ngoài chú rể ra chỉ có thêm bốn cô gái ăn mặc sành điệu, tóc tai trang điểm “quái dị” và ông Nguyễn Văn Năm (ngụ khóm 5, phường 4, TP Vĩnh Long) được nhờ làm chủ hôn họ nhà trai. “Chúng tôi chuẩn bị 3 mâm dành cho nhà trai, nhưng không ngờ đến không đủ một mâm sáu người”, bà P. kể lại.

Ảnh cưới trong đám cưới giả
Ảnh cưới trong đám cưới giả

Mọi sự không diễn ra như ý muốn, bà P. nuốt nước mắt để làm lễ gả chồng cho con. Nhà trai đem lễ vật đến gồm một tráp đựng đồ trang sức, bên trong có một sợi dây chuyền, hai nhẫn, một bông tai; ngoài ra có thêm trầu cau và một số đồ vật khác. Tuy nhiên, nhìn mãi không thấy phong bì 10 triệu tiền nạp tài (chi phí cho nhà gái tổ chức tiệc – PV) như đã hứa nên bên nhà gái mới khéo hỏi. Chú rể lắp bắp nói không thành lời, hứa sẽ trả lại sau.

Sau đó chỉ ít phút, trong lúc tiệc tùng đang diễn ra rôn rả, bên nhà gái kiểm tra tráp đựng nữ trang thì phát hiện toàn là vàng giả. Một số chú bác bên nhà gái tức giận không kiềm chế được đã lên tiếng “hỏi cho ra nhẽ” đại diện bên nhà trai và nhanh chóng báo cáo sự gian lận lên chính quyền và công an xã. Cả đám tiệc ngừng lại việc ăn uống chúc tụng, thay vào đó là không khí hỗn độn. Khách tiệc ai cũng ngơ ngác, xì xèo bàn tán không biết chuyện gì đang xảy ra.

Lợi dụng thời điểm lộn xộn, chú rể lẩn ra bên ngoài rồi vẫy xe ôm chạy mất hút. Bốn cô gái trong đoàn nhà trai cũng lặng lẽ rút lui, chỉ còn lại vị “đại diện” nhà trai là ông Nguyễn Văn Năm không chạy được do bị dị tật, phải mang chân giả. Trước sự việc bị vỡ lở, ông Nam thành thật khai nhận chỉ là người được thuê chứ không biết gì về gia đình chú rể.

Cả ấp Thanh Mỹ 2 xôn xao bàn tán vì địa phương chưa khi nào có đám cưới kỳ cục đến vậy. Sau khi sự việc xảy ra, công an xã đã mời bố mẹ và cô dâu lên làm việc. Trưởng ấp Phạm Đăng Khoa tiết lộ, cô dâu đã khai ra sự thật khiến nhiều người phải ngỡ ngàng: Trong thời gian làm việc trên TP Vĩnh Long. Cô đã gặp một cô gái rồi hai người… yêu nhau, thuê một phòng trọ ở phường 4 để cùng chung sống.

Muốn được sống với nhau, để hợp thức hoá và đánh lừa dư luận, hai thiếu nữ đồng tính nghĩ ra cách tổ chức đám cưới rồi thuê chú rể giả đến rước dâu hộ. Được biết chú rể này có quan hệ khăng khít với “người yêu” của B.T. “Nhiều người còn quả quyết, “chú rể” thật sự là một trong số bốn cô gái trong đoàn nhà trai”, ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Hữu Trung, cán bộ Ban công tác mặt trận ấp Thanh Mỹ 2 cho biết, hiện pháp luật không chấp nhận hôn nhân đồng tính, nên hành vi của hai cô gái đã vi phạm pháp luật. Đồng thời, việc tổ chức một đám cưới giả để đánh lừa dư luận là trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục người Việt Nam.

Hữu Sơn

Đọc thêm