Uống rượu, uống bia trong những ngày Tết, dịp lễ hội... là thói quen, truyền thống văn hóa lâu nay của người Việt. Nhưng, nếu lạm dụng rượu bia quá mức sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Một trường hợp tử vong do ngộ độc rượu |
Bi kịch của “ma men”
Khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà. Nơi đây chuyên điều trị cho các bệnh nhân (BN) mắc tâm bệnh liên quan đến các chất gây nghiện như: rượu, ma túy, thuốc lá...
Vì là nơi chuyên điều trị cho đối tượng BN “đặc biệt”, vừa nằm ở nơi cách xa mặt đất nên từ cầu thang cho tới lan can của khoa đều được rào chắn khá kỹ lưỡng. Thế nên không dễ dàng gì để tiếp xúc và chụp ảnh các bệnh nhân, nhưng nhờ sự may mắn và chút kinh nghiệm của nghề nghiệp tôi đã gặp và trực tiếp trò chuyện được với một số BN và người nhà của họ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng ta nhìn nhận về một thực trạng đáng báo động nghiện rượu, cùng những hệ lụy đau lòng từ đó.
Qua câu chuyện của anh T. (ở thị trấn Đông Triều, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi được biết, phần lớn BN đang điều trị ở đây đều bị loạn thần do rượu. Bằng chứng là họ đều thuộc dạng “bết” rượu nặng. Ông nào cũng có thâm niên uống rượu từ 5 đến 20 năm, thậm chí 30 năm. Từ chuyện người, anh kể sang chuyện nhà mình.
Theo anh cho biết, cháu anh năm nay mới 30 tuổi nhưng đã sống chung với rượu gần 15 năm nay. Vốn là cậu ấm trong một gia đình khá giả nên từ nhỏ cậu đã thoải mái cùng bạn bè nhậu nhẹt đủ các loại rượu, từ tây, tàu đến các loại rượu đặc sản dân tộc, thậm chí rượu dân gian tự nấu cũng được cậu tin dùng.
Ngày này qua tháng khác, cậu trở thành “đệ tử” lưu linh của rượu lúc nào chẳng hay. Thiếu rượu, cậu cứ thấy người đờ dẫn, mất tập trung, rượu vào tinh thần lại sảng khoái, làm việc không biết mệt mỏi. Và cứ thế, tửu lượng của cậu ngày càng tăng dần lên, và dần dần không thể thiếu được thứ “ma men” chết người này.
Đến khi lấy vợ, nghe vợ cằn nhằn nhiều quá về tật rượu chè của mình câu cũng đâm ngại nhưng chỉ đến khi “cục vàng” của mình ra đời, cậu mới “hạ quyết tâm” cai rượu. Và lý do vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị là do “sốc” rượu.
“Không có rượu thi thoảng nó lại hét ầm lên, rồi hoảng loạn, đập phá nhà cửa, đồ đạc, chửi bới mọi người...” - anh vẫn còn chưa hết choáng váng T. thuật lại. Thấy cháu trong tình trạng như vậy, nghe mọi người mách bảo, anh T. đã bỏ hết mọi công việc kinh doanh, thu xếp hành lý đưa cháu lên Hà Nội khám và điều trị.
Không đập phá và có những cơn hoảng loạn như cháu anh T. nhưng Lê Văn N. (19 tuổi, ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) lại xuất hiện những cơn hoang tưởng rất lạ lẫm. Trong phút tỉnh trí hiếm hoi, N. kể: “Có hôm em đang ngủ, có tiếng ong ong trong đầu bảo em phải ngồi dậy uống rượu. Thế là em tỉnh dậy, lấy chai rượu trên bàn thờ tu ừng ực.
Có lần lại nằm mơ thấy bố mẹ đánh nhau, rồi nằm mộng thấy những con siêu nhân rất khủng khiếp quấy phá, dọa dẫm khiến em không thể ngủ được”. Thậm chí một vài lần bị “làm phiền” quá mức, N. đã có ý định nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử nhưng khi nhìn xuống dưới, N. lại không dám nhảy...
Những bi kịch vì rượu như trên không phải là hiếm ở Khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần. Mới đây thôi, các bác sỹ ở đây cho biết, Viện vừa cấp cứu cho một BN tự tử bằng dao sau một cơn trầm uất nặng. Cũng may, con dao chỉ đâm sượt tim nên vết thương không đến nỗi quá nặng và gây tử vong.
Những con số kinh hoàng
Người Việt Nam đang lạm dụng rượu bia, ai cũng biết, cả thế giới cũng biết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lượng an toàn sử dụng rượu bia trong một ngày đối với nam là 3 đơn vị/ngày, đối với nữ 2 đơn vị /ngày, mỗi đơn vị tương đương 3 lon bia (330ml) hoặc 3 ly rượu vang (125 ml), hay 3 ly rượu mạnh (40 ml), nếu dùng quá mức này được coi là lạm dụng.
Tuy nhiên, người Việt đang uống với mức trung bình hiện nay là 7,3 ly hoặc lon 330ml/ngày. Như vậy, trung bình mỗi người Việt hiện nay uống gần 30 lít bia, 6 lít rượu/năm. Những tỉ lệ này đã khiến người Việt Nam đang xếp nhất nhì với Thái Lan ở Đông Nam Á về mức độ tiêu thụ rượu bia, và đang trên đường “giật giải” quán quân “bợm nhậu” châu Á của Nhật và Hàn Quốc, trung bình mỗi người uống với 43 lít bia/năm.
Theo một con số thống kê chính xác hơn, Việt Nam hiện đang có khoảng 30 triệu người trong độ tuổi lao động và thường xuyên uống rượu bia, nếu lấy sản lượng tiệu thụ bia năm 2010 2,5 tỉ lít chia ra thì trung bình, một người uống hết 83 lít/1 năm. Người Việt hiện cũng phải bỏ ra 6.000 - 7.000 tỉ đồng cho việc dùng rượu bia.
Đa số nam giới đều thừa nhận mình thường xuyên sử dụng rượu bia, tỉ lệ xấp xỉ 70%, nữ trên 50%, tương đương với các nước phát triển trong khi đó kinh tế vẫn đang là nước phát triển. Theo thống kê tại Úc, lạm dụng rượu là nguyên nhân của 5,5% các trường hợp tử vong, khoảng 40% vụ ly dị liên quan đến rượu, bia.
Tại Mỹ, trong một khảo sát ghi nhận 34% người bị tâm thần phân liệt là nghiện rượu, bia; 22% người bị rối loạn cảm xúc như trầm cảm điển hình, loạn khí sắc và rối loạn lưỡng cực liên quan đến rượu… Còn tại Việt Nam, theo các số liệu thống kê chung thì có khoảng 5 - 7% người đến khám tại các cơ sở điều trị tâm thần là loạn thần do lạm dụng rượu, bia.
* Nhiều gia đình đang đứng bên bờ vực tan vỡ vì rượu Một nữ nạn nhân của tình trạng này còn chia sẻ, chị vốn là giáo viên cấp hai của xã nhà. Quanh năm chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, con trâu và đám học trò nông thôn. Nhưng, mỗi lần uống rượu say về nhà là chồng chị - vốn là một con “ma men” lâu năm lại tra xét: “Hôm nay có học trò nào đến hỏi bài không?” (ý anh ta muốn hỏi là học trò nam). Tóm lại, anh ta ghen với bất cứ nam giới nào có tiếp xúc với chị, kể cả những cậu học trò chưa đến tuổi thành niên của vợ. Theo BS. Trịnh Thị Bích Huyền (Bệnh viện Bạch Mai), một bệnh lý phổ biến dẫn đến hoang tưởng ghen tuông là tình trạng loạn thần do rượu. Ở nước ta, tình trạng sử dụng rượu rất phổ biến. Nam giới uống nhiều rượu làm giảm khả năng tình dục và khi sử dụng rượu lâu ngày sẽ gây biến đổi chức năng của bộ não, biến đổi sinh hóa não dẫn đến hoang tưởng ghen tuông. Ban đầu những ý tưởng ghen tuông chỉ có khi BN say rượu. Về sau những ý tưởng này trở nên bền vững và xuất hiện cả khi BN không uống rượu. Từ chỗ nghi ngờ dần dần khẳng định chắc chắn là vợ mình ngoại tình. BN rình mò, tra khảo vợ, thậm chí thuê cả người theo dõi vợ mình, bắt vợ phải nhận lỗi, phải thừa nhận là có ngoại tình mặc dù trên thực tế hoàn toàn không có như vậy. Họ không chỉ khiến vợ khổ sở mà còn khiến chính bản thân buồn phiền thất vọng vì “cái sự ngoại tình của vợ” do chính họ nghĩ ra. Cùng với đó, BS. Huyền cũng cho biết, không chỉ bị hoang tưởng, ảo giác loạn thần (lúc nào cũng nghĩ có người rình rập, dọa giết...), rối loạn hành vi, tác phong (ghen tuông, nghi vợ ngoại tình...), các BN còn mắc kèm một số bệnh lý khác như: Dạ dày, gan, tim, huyết áp cao... nên trong quá trình điều trị, các BS còn phải điều trị luôn cho họ các chứng bệnh kể trên (đối với BN nhẹ, để cai rượu cũng phải mất 7-10 ngày, BN nặng có những cơn hoang tưởng thì thời gian điều trị lâu hơn). Kèm theo đó là sự hoang mang, lo lắng và sự hao hụt về sức khỏe và kinh tế của gia đình. Bởi vậy, theo khuyến cáo của BS. Huyền cũng như các chuyên gia y tế khác: Không nên quá lạm dụng rượu bia để làm khổ người khác và chính mình! * Rượu mới là hung thần trên xa lộ Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), nghiện rượu là tình trạng thèm muốn, phụ thuộc vào rượu, không kiểm soát được liều lượng. Những người nghiện rượu có thể muốn từ bỏ nhưng không thể, mặc dù biết tác hại của rượu. Với BN nghiện rượu, phần lớn những người nhập viện điều trị cai nghiện đã ở trong tình trạng sức khỏe bị suy yếu do tác hại của rượu. Thậm chí có người vào viện trong tình trạng cấp cứu bởi hội chứng cai rượu. Theo kết quả ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn cho thấy, 62% các nạn nhân bị TNGT đường bộ đều có độ cồn trong máu. Lượng cồn trong máu cao nhất là 458mg/100ml máu, gấp 9 lần độ cồn luật cho phép khi lái xe. Còn theo thống kê của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, tại VN có tới 12.000 người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 10% do rượu bia gây nên. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho nhóm người trẻ dưới 25 tuổi. |
Trà Long