Bi kịch sau thắng kiện

(PLVN) - Xét xử kiện tụng vốn là việc của tòa án và trên nguyên tắc thì phải xét xử minh bạch và công bằng để rồi đưa ra phán xử đúng đắn, hợp tình, hợp lý. Bên khởi kiện, tức là bên nguyên, vốn luôn mong và luôn tin là sẽ thắng. Nhưng thắng kiện có đem lại may mắn hay không, bên nguyên có thật sự được lợi từ thắng kiện hay không thì lại là chuyện khác. Thực tế cho thấy sau thắng kiện có không ít bi kịch.
Bosman (giữa) thay đổi hoàn toàn hiện trạng bóng đá thế giới và cả cuộc đời ông.
Bosman (giữa) thay đổi hoàn toàn hiện trạng bóng đá thế giới và cả cuộc đời ông.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở châu Âu có loạt vụ kiện tụng trước tòa khiến cho toàn bộ thế giới bóng đá châu Âu thay đổi rất cơ bản như thể sau một cuộc cách mạng thực thụ. Thời đấy, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) quy định mỗi câu lạc bộ bóng đá chỉ được sử dụng 2 cầu thủ nước ngoài và câu lạc bộ có quyền giữ chân cầu thủ, tức là nếu câu lạc bộ không cho phép thì cầu thủ không thể rời câu lạc bộ để đầu quân cho câu lạc bộ khác. Quy định này khiến cho cầu thủ rất khó thay đổi câu lạc bộ. 

Nhưng cũng trong thập kỷ ấy, ở châu Âu có Tòa án Nhân quyền và có thị trường chung với quy định đảm bảo cho người lao động của các quốc gia thành viên EC, tiền thân của EU sau này, có thể tự do đi lại và làm việc ở tất cả các nước thành viên.

Cầu thủ bóng đá trung vệ Jean-Marc Bosman, đá cho câu lạc bộ bóng đá Royal Club Luettig ở Bỉ. Năm 1990, anh chàng này 28 tuổi và muốn rời câu lạc bộ này đầu quân cho câu lạc bộ khác vì câu lạc bộ RC Luettig kia hạ thấp mức lương tháng từ tương đương 3.500 Euro xuống còn 750 Euro, tính tương đương vì khi ấy chưa sử dụng đồng Euro. 

Câu lạc bộ RC Luettig đưa ra giá cao cho những nơi muốn mua cầu thủ này nên không có bên mua Bosman. Bosman khởi kiện RC Luettig và thắng kiện ở Tòa án Nhân quyền châu Âu năm 1995. Tòa đồng ý yêu cầu của Bosman buộc câu lạc bộ phải cho cầu thủ ra đi. Đối với các cầu thủ bóng đá ở châu Âu thì phán xử này của tòa mở ra chân trời mới và như được trao cho vũ khí để đấu tranh với các câu lạc bộ đòi trả lương cao hơn hay phải đồng ý để cho đi đầu quân nơi khác.

Thế là từ UEFA đến các liên đoàn bóng đá quốc gia, từ các câu lạc bộ đến các nhà tài trợ tiến hành chiến dịch tẩy chay Bosman bởi họ là bên bị mất quyền và tiền, ấy là còn chưa kể đến mất thế và thể diện. Chỉ có Bosman là thiệt. 

Bosman lại khởi kiện, lần này là kiện UEFA về quy định chỉ cho phép câu lạc bộ sử dụng nhiều nhất 2 cầu thủ nước ngoài. Và anh chàng này lại thắng kiện, được tòa phán cho khoản tiền bồi thường rất cao. Phán xử của tòa trong vụ kiện mới lại rất có lợi cho cầu thủ bởi cầu thủ có nhiều cơ hội đầu quân hơn. 

UEFA phải thay đổi luật lệ và thế giới bóng đá châu Âu bắt đầu hình thành đẳng cấp. Câu lạc bộ nào lắm tiền nhiều của mua về những cầu thủ giỏi nhất của châu lục. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ trở thành thế giới của mê hồn trận, của mưu tính và lừa đảo. Thị trường chuyển nhượng bị đồng tiền lũng đoạn. Cầu thủ kiếm bộn nhưng Bosman lại chẳng được gì bởi giới chủ các câu lạc bộ và các liên đoàn bóng đá quốc gia vẫn hợp sức tẩy chay Bosman. Số tiền đền bù bị Bosman nhanh chóng tiêu xài hết. Hiện tại, người luôn thắng cuộc này sống trong túng thiếu và vẫn phàn nàn về sự vô ơn của những cầu thủ hưởng lợi nhờ vụ kiện của mình.

Đọc thêm