Bi kịch... thần đồng!

Những năm gần đây, tại rất nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng... thường rộ lên thông tin về các thần đồng tuổi nhí với các khả năng đặc biệt như làm toán, đọc sách báo từ thuở... ầu ơ. Và bi kịch tuổi thơ của trẻ nhỏ cũng bắt nguồn từ đó khi các em phải oằn lưng bởi kì vọng của phụ huynh...

Những năm gần đây, tại rất nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng... thường rộ lên thông tin về các thần đồng tuổi nhí với các khả năng đặc biệt như làm toán, đọc sách báo từ thuở... ầu ơ. Và bi kịch tuổi thơ của trẻ nhỏ cũng bắt nguồn từ đó khi các em phải oằn lưng bởi kì vọng của phụ huynh...

“Thần đồng” toán Phạm Thanh Ngọc và “Thần đồng” Nguyễn Phúc Trường    “Thần đồng” toán Phạm Thanh Ngọc và “Thần đồng” Nguyễn Phúc Trường
“Thần đồng” toán Phạm Thanh Ngọc và “Thần đồng” Nguyễn Phúc Trường

Những ngày không ấu thơ

Nuôi con theo sách và cho con học thật nhiều không chỉ kiến thức mà còn cầm kì thi họa đang là cuộc đua bất tận của nhiều bậc phụ huynh có điều kiện. Phải rất khó khăn mới có một cậu quý tử, chị Thu Trang, một nhà báo sắc sảo của một tờ báo lớn có một niềm vui khôn tả là: thần tượng con. Tất cả mọi điều cậu con trai bé nhỏ làm đều tuyệt vời.

Cậu bé đang học mẫu giáo, nhưng lịch học của cậu kín mít: tiếng Việt, tiếng Anh, toán, đàn, vẽ… cậu đều được bà mẹ trẻ đầu tư. Có hôm, chị than: “ Mình giận quá, thằng bé vẽ hình tròn mà lại không biết dùng compa cho tròn trịa (?)”; hoặc “ Hôm nay gửi Su sang bà nội, bị bà cho ăn quá nhiều bít tết, thừa chất dinh dưỡng quá mức. Trong khi mình chỉ độc chiêu món cá cho Su thêm thông minh thôi”…

Một phụ huynh khác thì nhất nhất tin vào lời thầy phán, rằng bé sau này nhất định sẽ trở thành một danh họa ngang ngửa… Đơ- vanh- xi và sẽ thành danh ở Ý. Chính vì thế, không còn những ngày đi học mẫu giáo cùng chúng bạn, cũng ít khi được đi thăm ông bà, cô chú, cậu bé được tiên tri là thần đồng phải học tiếng Ý từ thưở… lên ba.

Không những thế, vợ chồng chị Lan Anh - mẹ bé cũng đi học tiếng Ý và sửa sang nhà cửa theo phong cách Ý để sau này bé sang Ý khỏi… bỡ ngỡ, bởi bé đã được thấm nhuần văn hóa Ý từ bé rồi. Việc học vẽ của cậu bé cũng vất vả không kém. Từ cách pha mầu, phối cảnh, lấy góc độ...

Tất cả được nhồi nhét cật lực vào đầu óc của đứa trẻ mới gần lên năm. Mỗi bức vẽ của cậu đều được bố mẹ bé kì công mang đi nhờ họa sĩ nổi tiếng thẩm định và nhận xét. Những lời chê sẽ đồng nghĩa với việc bé phải học nhiều và nhiều hơn nữa.

Cũng mong muốn con thật giỏi giang như những ông bố, bà mẹ trên, ông Hải dồn mọi tâm trí và tiền bạc để đầu tư cho việc học của con. Tuy nhiên, khác với những câu chuyện đã kể, ông không ép con mình phải khốn khổ học văn hóa vì ông coi chuyện đó không quá quan trọng.

Bởi ông vốn xuất thân từ nông dân, học hết lớp chín, qua vài đợt buôn đất trúng mánh giờ ông Hải trở thành một tỷ phú với số tiền nhiều tới mức không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, thay vì bù đầu với các môn học ở trường, Linh, con gái ông, được bố đầu tư cho đi học những trò chơi của giới nhà giàu, thể hiện được đẳng cấp và địa vị của mình.

Và sau khi nhồi nhét con học đủ các môn học, ông luôn tin rằng con gái mình là một thiên tài, rất có khiếu đối với các bộ môn nghệ thuật. Để "khoe" con gái, ông cho ghi đĩa những bản nhạc mà Linh đã chơi rồi mang tặng cho bạn bè. Tất cả những qui tắc do bố đề ra đổ lên đầu cô bé 11 tuổi đã biến cuộc sống của bé thành những ngày không ấu thơ.

Thần đồng vì... học trước chương trình

Còn nhớ mấy năm trước, dư luận xôn xao về tin một cháu bé chưa đầy 3 tuổi đọc thông viết thạo ở xã Đức Hòa Thượng (Đức Hòa, Long An) được một công ty nước ngoài đề nghị… mua đứt (?!) với giá 1 triệu USD. Vào giữa năm 2006, sau khi thấy cháu Long đã đọc thông viết thạo, ông Châu- bố cháu Long liền điện thoại thông báo sự việc cho những tờ báo lớn ở TP.HCM.

Sau đó một tờ báo đã đến chụp ảnh, viết bài về cháu Long và đăng tải vào giữa năm 2006. Vài tháng sau, qua điện thoại di động, ông Châu nhận được một cuộc gọi lạ xưng là luật sư đại diện cho một công ty nước ngoài, người này nói rằng sau khi xem báo biết được sự việc và từng cử người đến tận nơi theo dõi xem cháu Long có thật sự là “thần đồng” hay không.

Vị “luật sư” này đề nghị ông Châu nhường quyền nuôi cháu Long với giá 500.000 USD để công ty đưa cháu ra nước ngoài đào tạo thành một “nhân tài kiệt xuất” nhưng ông Châu không đồng ý. Đúng một tuần sau lại có điện thoại gọi vào máy di động nhắc lại yêu cầu trên và nâng giá lên gấp đôi (tức là 1 triệu USD, tương đương 16 tỉ đồng Việt Nam thời giá lúc bấy giờ) nhưng ông Châu vẫn từ chối, tuyên bố không bán con với bất cứ giá nào.

Ngay sau đó ông Châu cho biết nguyện vọng của ông hiện nay là mong có một cơ quan hoặc cá nhân nào đó (dù trong hay ngoài nước) nhận nuôi và tài trợ cho cháu Long ăn học thành tài, phát huy hết khả năng đặc biệt, tố chất “thần đồng” của cháu. Thậm chí, ông Châu đã bỏ tiền đăng tải nguyện vọng này trên báo Mua & Bán để tìm người tài trợ cho con mình nhưng chưa có kết quả. Và, câu chuyện rầm rộ lên một hồi rồi cũng chìm lắng theo thời gian...

Mới đây, đầu năm học 2011-2012, em Nguyễn Phúc Trường, học sinh lớp 1 trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) được gia đình xin học vượt lớp vì khả năng làm Toán, Văn lớp 2-3 thành thạo khiến cả trường, ngành giáo dục bất ngờ.

Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát vừa được phòng giáo dục, ngành chức năng quận Hải Châu tiến hành, phát hiện: Trường có kỹ năng tính toán về số học, đọc tốt văn bản, nhưng kỹ năng trả lời câu hỏi, phân biệt âm, vần, viết câu chưa đảm bảo, đặc biệt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống còn giới hạn…

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu: “Qua tìm hiểu, khả năng đọc Toán, làm Văn của Trường là do được gia đình rèn luyện và học thêm tại các nhóm trẻ gia đình, chứ không phải khả năng vượt trội bẩm sinh”. Chị Phan Thị Tư, mẹ Trường cũng bộc bạch: “Chúng tôi cho cháu tập đọc, viết trước lớp 1, và cháu có khả năng tiếp thu nhanh, hoàn thành sớm chương trình. Gia đình sợ nếu tiếp tục để cháu học lại chương trình sẽ tạo sự nhàm chán nên mới làm đơn xin vượt lớp”.

Tiếp đó, sau thông tin năng khiếu Toán 11 tuổi Phạm Thanh Ngọc - Lâm Đồng có thể làm toán lớp 12 và nhận học bổng 2 tỷ đồng của một trường quốc tế tại TP HCM để học "đuổi" chương trình tiếng Anh, có lẽ do quá mệt mỏi với “hiện tượng thần đồng”…ảo nên nhiều ý kiến cho rằng không nên "ép trái chín sớm" mà cần quan tâm để có kế hoạch lâu dài phát huy khả năng vượt trội của em, nếu như điều đó có thực.

Kết

Thực tế, trong số các bé có khả năng thông minh vượt trội, không tránh khỏi trường hợp có em là trẻ tự kỉ, có em thì do gia đình ép học thành “ thiên tài” khi còn quá nhỏ và cũng không ít bé lại sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và như vậy, bên cạnh các em được chăm lo quá mức, sẽ có những em không được phát huy hết khả năng thiên bẩm của mình.

Ở một góc độ khác, khi các cháu đã được cha mẹ lăng xê quá mức, được tung hô, được quảng cáo và rồi sẽ bị cuốn theo những phù du tán tụng của đám đông mà tự tạo áp lực cho mình. Ở Việt Nam chưa có, chứ thế giới vốn đã không lạ gì chuyện đó khi thần đồng của Anh 13 tuổi đỗ vào đại học Oxforrd và 10 năm sau trở thành…gái bán dâm, rồi thần đổng của Trung Quốc tự tử hoặc đi tu vì không chịu nổi áp lực học tập…

 Chính vì thế, theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, chỉ vì “giấc mơ thần đồng” của phụ huynh mà rất nhiều đứa trẻ đã và đang bị sang chấn tâm lý, trầm cảm và phát điên vì học Bởi thế, nếu nhận thấy tín hiệu của tài năng ở nơi con thì thay vì thúc ép, phụ huynh cần động viên và khích lệ để con có niềm say mê trên con đường chinh phục kiến thức, tự mình vươn lên trong tuổi thơ đẹp đẽ chỉ có một lần trong đời của mỗi con người.

Thạc sĩ Phúc Thịnh - một chuyên gia giáo dục tại TP HCM:

Hãy đơn giản xem các em như người có năng khiếu đặc biệt

Thực tế một số học sinh chỉ 4, 5 tuổi đã thể hiện khả năng thiên bẩm về khả năng đọc hiểu văn bản hoặc làm toán. Tuy nhiên một thời gian sau đó khả năng này không còn nữa. Vì thế, gia đình và xã hội đừng tạo thêm áp lực tâm lý khi gọi các cô cậu bé nhân tài như thế là “thần đồng”, mà chỉ nên xem các em như người có năng khiếu đặc biệt về một lĩnh vực nào đó. Vả lại “thiên tài 99% khổ luyện, chỉ 1% là năng khiếu”. Một đứa trẻ được xem là thần đồng thường bị sức ép tâm lý rất lớn, lúc nào các em cũng phải gồng mình thể hiện sự thông minh tài giỏi hơn người. Nếu mà khả năng này bị lu mờ thì rất dễ khiến các em bị sốc tâm lý, sợ gia đình, xã hội thất vọng rồi đâm ra chán nản, mặc cảm.

(Còn tiếp)

Uyên Na

Đọc thêm