Bất kỳ một người phụ nữ phố thị nào đã từng thuê người giúp việc , đều ngán ngẩm với “vấn nạn ô sin thời @”. Nhưng rất ít người hiểu rằng chính những thỏa thuận miệng với người giúp việc đã là “lỗ nhỏ đắm thuyền” khiến họ lâm vào cảnh khóc dở mếu dở như vậy?
Bất kỳ một người phụ nữ phố thị nào đã từng thuê người giúp việc , đều ngán ngẩm với “vấn nạn ô sin thời @”. Nhưng rất ít người hiểu rằng chính những thỏa thuận miệng với người giúp việc đã là “lỗ nhỏ đắm thuyền” khiến họ lâm vào cảnh khóc dở mếu dở như vậy?
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Điệp viên mang bí danh ô sin
Mẹ chồng chị Thảo (ở thị xã Sơn Tây) là một người rất khắt khe, kỹ tính. Trước khi lấy chồng chị thảo công tác tại một đoàn văn công quân đội nên bà luôn sợ tính văn hóa văn nghệ của chị sẽ làm hỏng con trai bà. Hai vợ chồng mới cưới ở riêng nhưng tối tối bà thường gọi điện sang lấy cớ hỏi thăm nhưng thực chất là nghe ngóng xem nhà có khách tụ tập không, hay hai vợ chồng chị có đi chơi không để nhắc nhở. Khi chị Thảo sinh con, bà mẹ chồng dắt đến một bà ô sin tầm chừng ngoài bốn chục tuổi và giới thiệu là người quen ở quê bà nhờ lên đây đỡ hộ cho con dâu. Đang bí bách chuyện tìm người, lại được mẹ chồng đảm bảo về nhân thân người giúp việc, chị Thảo gật đầu ngay.
Thế nhưng, cũng từ đó, tất tần tật mọi việc làm của chị Thảo ở nhà, bà mẹ chồng chị đều nắm rõ như lòng bàn tay. Từ những chuyện lặt vặt như sáng qua chị Thảo ngủ quên nên để con lẫy suýt lăn xuống giường, rồi thói quen của chị Thảo mang sách báo vào nhà vệ sinh cho tới chuyện lớn hơn như bạn bè chị Thảo đến thăm bà đẻ rồi ở lại ăn cơm, đàn hát suốt buổi chiều, bố mẹ đẻ chị Thảo qua chơi cầm về chiếc nồi cơm điện (thực chất là nồi hỏng bố chị Thảo là thợ điện cầm về sửa)… bà mẹ chồng đều biết dù nhà bà cách xa cả năm, bảy cây số. Biết đã đành, bà còn rủa xả con dâu ham chơi, bòn của nhà bà về cho đẻ, làm chị Thảo rất bực phải quyết tâm làm ra nhẽ. Sau một thời gian để ý, chị Thảo phát hiện ra bà giúp việc nhà mình sáng sáng lên sân thượng phơi quần áo rất lâu. Hóa ra lúc đó bà cầm theo phần nghe rời của chiếc điện thoại bàn để gọi cho mẹ chồng chị Thảo. Bị phát hiện tận tay, bà ô sin chống chế: : “Tại bà thuê tôi mỗi tháng thêm mấy trăm để theo dõi cô, chứ tôi nào muốn. Mà tôi làm thế cũng tốt cho cô để bà giáo dục cô kịp thời thôi mà”
“Không có hộ chiếu, cháu sẽ làm nữa”
Đã thử qua nhiều cỡ tuổi người giúp việc từ bà già, cho tới trung niên, không chồng, cuối cùng chị Cao Lan Hà ở Tô Ngọc Vân, HN “chốt” lại ở một cô 21 tuổi. Đã kinh qua nhiều công việc như phụ quán ăn, công nhân khu chế xuất và ngấm sự vất vả của những nơi này nên Hương quyết tâm từ nay chỉ đi giúp việc gia đình. Công việc nhẹ nhàng, lại lương cao. Thạo việc nên mọi việc trong nhà chị Hà từ khi có Hương đều đâu vào đấy, sạch sẽ và như ý. Chỉ mỗi tội Hương mắc tật điệu đà. Cứ một tháng một lần, Hương lại yêu cầu chị Hà dẫn đi cùng đến spa chị hay lui tới để cắt tỉa, là phẳng tóc và làm móng chân, móng tay và tất nhiên là tiền cô chủ trả. Lúc đầu rất ngỡ ngàng nhưng nghĩ Hương suốt ngày chỉ ru rú ở nhà trông con mình cũng tội nên chị Hà đồng ý và sau đó thì thành lệ không cho Hương đi không được, Hương sẽ nặng mặt cả tuần.
Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho biết, hiện có khoảng 60% người giúp việc trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ. Khảo sát của Vụ Gia đình cũng cho thấy, mặc dù Điều 139, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định: "Người được thuê mướn để giúp việc trong gia đình có thể giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc văn bản, nếu được thuê mướn để trông coi tài sản thì phải ký kết bằng văn bản". Tuy nhiên thực tế, quy định này thường bị chủ sử dụng lao động và người lao động bỏ qua dễ dàng. Gần 60 % số người lao động được hỏi cho biết họ và chủ sử dụng lao động đều thấy không cần thiết phải thiết lập hợp đồng, 42,6% còn lại có giao kết hợp đồng thì chiếm đến gần 70% trong số đó là "hợp đồng miệng", nên thiếu các điều khoản cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng. |
“Không biết có phải vì tôi dại tôi chiều nó không mà giờ tôi lại bị yêu sách thế này” – thì thầm với người bạn ngồi cạnh tại phòng đợi làm hộ chiếu lúc Hương đang đi ra ngoài, chị Hà cho biết hè vừa qua, gia đình chị đi du lịch Singgapore với cả nhóm bạn, đem con và cho Hương về quê nghỉ mấy ngày. Cứ tưởng Hương sung sướng vì tự dưng được mấy ngày nghỉ, nào ngờ Hương chẳng nói chẳng rằng, giận dỗi xách túi đi thẳng không ngoái lại hỏi thăm cô chú bao giờ về. Sau chuyến đi chơi Singapore, đợi mãi chẳng thấy Hương lên, bí người trông con chị Hà lại phải đáp xe về tận quê Hương ở Vĩnh Yên đón. Hương đồng ý lên làm tiếp với lời thỏa thuận: “Cô phải làm sẵn hộ chiếu cho cháu để lần sau cháu đi du lịch cùng”. Nghĩ cảnh nhà mình neo người, hai con lại còn nhỏ, công việc kinh doanh của hai vợ chồng thì bận nên chị Hà tặc lưỡi gật đầu.
Lập hợp đồng giúp việc – việc nên làm
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình vướng phải phiền phức vì ô sin trở chứng là vì người Việt mình chưa có thói quen làm hợp đồng cụ thể khi thuê người giúp việc, trong khi đó giúp việc nhà đã trở thành một nghề được xã hội công nhận và được chính sách pháp luật đưa vào danh sách quản lý như những nghề khác. Vì không có hợp đồng nên chủ nhà không thể ràng buộc được người giúp việc tuân theo các quy tắc làm việc, nếp sống của gia đình, cũng như những lời hứa miệng của người giúp việc như sẽ làm việc tốt, không yêu sách, không đòi hỏi… chủ nhà cũng chẳng có cơ sở nào để yêu cầu họ thực hiện đúng.
Để tránh việc này, các chuyên viên tư vấn lao động - việc làm khuyên khi thuê người giúp việc, gia chủ nên nhờ luật sư hoặc tự mình soạn thảo hợp đồng cụ thể, thỏa thuận chi tiết về quyền lợi, nghĩa vụ hai bên tùy thuộc vào nhu cầu của gia chủ và khả năng đáp ứng của người giúp việc. Những quy định về tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc,chủ nhà sẽ mua sắm những gì cho người giúp việc, phụ cấp hoặc thưởng hàng tháng thế nào nếu làm việc tốt, quy định về việc cho thôi việc... phải được thoả thuận ngay từ đầu.
Hồng Minh