“Lửa” của tình yêu
Lâu nay, ở con ngõ 15, phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Tây Hồ, Hà Nội, câu chuyện tình yêu giữa cụ ông Nguyễn Văn Liêm và cụ bà Trần Thị Tùy luôn được nhắc đến như “kim chỉ nam”, nhất là để những gia đình trẻ noi gương.
Hai cụ sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc (phủ Thuận Thành, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Thuở ấy, trai gái không có nhiều người tự tìm hiểu lẫn nhau, phần lớn do cha mẹ, hoặc họ hàng hai bên mai mối kết duyên. Vì vậy, năm 1947, khi chàng thiếu niên Nguyễn Văn Liêm và cô thôn nữ Trần Thị Tùy vừa ở vào tuổi cập kê thì đã được mai mối nên duyên vợ chồng.
Sau một tuần tổ chức lễ cưới, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, anh Liêm lên đường nhập ngũ. Thời kỳ đầu kháng chiến gian nan, giặc Pháp điên cuồng đánh chiếm, chống phá và tố giác bắt bớ cán bộ cách mạng. Người chồng theo cách mạng di tản lên vùng chiến khu, vừa tham gia công tác thanh niên, vừa tăng gia sản suất đóng góp cho kháng chiến.
Suốt 7 năm kháng chiến, hai cụ ở “hai đầu nỗi nhớ” nên chỉ có thể liên lạc bằng những cánh thư tay mộc mạc. Cụ bà nhớ lại: “Tôi và ông ấy ở hai vùng khác nhau, nếu đến thăm phải đi hết hơn 1 ngày. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể viết thư cho nhau, hồi ấy, nội dung chỉ hỏi thăm nhau, thông báo tình hình công tác và chiến đấu, động viên chứ không dám hẹn ngày gặp lại. Bởi các chiến sỹ một khi ra trận là không hẹn ngày trở về”.
Đến giờ, dù đã không còn minh mẫn như xưa nhưng kỷ niệm lần đầu được lên thăm chồng sau lần chia tay nhập ngũ theo kháng chiến thì cụ Tùy vẫn nhớ như in. Đó là động lực duy nhất thôi thúc cụ Tùy bấy giờ băng rừng, vượt thác dù chỉ có một mình “thân gái dặm trường” với hành trang mang theo bộ quần áo và vài gói lương khô. Chưa kể, trên đường đi gặp máy bay địch bay càn, cụ Tùy tìm chỗ ẩn nấp nhưng sa chân vào hố bùn lầy ngập gần như cả thân. May thay, máy bay địch ngay trên đầu nhưng chúng không phát hiện ra nên cụ Tùy thoát hiểm thần kỳ.
Trải qua bao gian nan, cuối cùng cụ Tùy cũng đến được đơn vị của chồng, khoảnh khắc lần đầu gặp lại chồng sau đám cưới đầy xốn xang, bịn rịn… mà đến giờ, dù đã trải qua 70 năm nhưng hai cụ dường như vẫn nhớ như in từng phút giây, ánh mắt nụ cười của nhau lúc ấy.
Tính cấp bách của thời kỳ đầu kháng chiến không cho phép đôi vợ chồng trẻ vui duyên mà quên nhiệm vụ, hai cụ chỉ ở cạnh nhau hết ngày là lại vội vã chia tay nhau trở về nơi công tác. Cụ bà trở về hậu phương, còn cụ Liêm tiếp tục cùng đơn vị tham gia hàng loạt chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới (1952), giải phóng Thượng Lào (1953), rồi tới Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở vị trí công tác nào cụ Liêm cũng luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại, nghĩ đến ngày được đoàn tụ cùng gia đình và nhất là người vợ trẻ đã 7 năm xa cách khiến tâm trạng của cụ Liêm thời khắc đó bồi hồi và háo hức lạ thường.
Rồi thời khắc mong chờ ấy cũng đã đến, tháng 10/1954, theo đoàn quân giải phóng trở về tiếp quản Thủ Đô, hòa vào niềm vui chiến thắng, cũng là lần thứ 2 đôi vợ chồng trẻ được gặp nhau. Không biết vì mừng niềm vui chiến thắng, hay hạnh phúc ngày gặp mặt sau nhiều năm xa cách mà cảm xúc vừa bỡ ngỡ, vừa gần gũi thân thương khiến cả hai không thể nói lên lời.
Gặp lại chưa ấm chăn, một lần nữa vì nhiệm vụ thời cuộc cấp bách, còn chưa bén hơi nhau, 2 ngày sau, cụ Liêm lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới sang giải phóng nước bạn Lào, còn cụ Tùy thì được cử đi đào tạo ở Trung Quốc. Đến 3 năm sau, hai cụ mới chính thức được đoàn tụ sau 10 năm kết hôn.
Ông bà tham dự đám cưới vàng |
Hạnh phúc là sự sẻ chia và thấu hiểu
Sau ngày đoàn tụ, hai cụ mới thực sự được trải nghiệm cuộc sống gia đình. Cụ bà lần lượt sinh một rồi ba, bốn người con cho cụ Liêm.
Tuy nhiên, cũng như bao gia đình khác thời đó, hạnh phúc của họ dường như gắn liền với vận mệnh của đất nước. Hai cụ được phân công nhiệm vụ công tác, luân chuyển ở nhiều cơ quan khác nhau. Có thời gian cụ Tùy nhận nhiệm vụ ở tỉnh Quảng Ninh, không quản đường xa, mỗi tuần cụ Liêm lại đạp xe, lặn lội cả trăm cây số tới thăm vợ đều đặn.
Hòa bình lặp lại chưa lâu, Mỹ ném bom, bắn phá Miền Bắc nên hai cụ phải gửi các con về quê, còn bản thân bám trụ công tác tại cơ quan nên gia đình lại lần nữa ly tán. Đến năm 1973, hai cụ mới đón các con lên Hà Nội để chăm sóc.
Trải qua bao gian nan vất vả như vậy, những “hạt giống” hạnh phúc được vun trồng bằng mồ hôi và nước mắt cũng đến ngày hái quả. Sống trong thời chiến, cơm ăn không đủ no nhưng các con của hai cụ đều chăm ngoan học giỏi và trở thành những công dân có ích đóng góp cho chế độ. Ở thời bình, hai cụ tiếp tục vun đắp, nuôi dạy con cái trưởng thành và trở thành những người thành đạt. Đến nay, “gia tài” lớn nhất hai cụ tích cóp, xây dựng là một gia đình lớn “tứ đại đồng đường” cùng sinh sống êm ấm hạnh phúc.
Hiện nay, đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hai cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội làm gương cho con cháu noi theo và tìm thấy nhiều niềm vui cuộc sống để duy trì hạnh phúc và tuổi thọ. Đến nay, sau 70 năm cùng chung sống, trải qua đủ những ngày cơ cực, buồn tủi nhưng tình yêu mà hai cụ dành cho nhau không chỉ đằm thắm mà còn dường như vẫn tươi mới như ngày còn đôi mươi.
Mỗi buổi sáng, hai cụ vẫn dắt tay nhau đi tập thể dục. Thậm chí, giờ đây, đồ thay ra của cụ ông, cụ Tùy vẫn nhất quyết tự tay giặt giũ mà không để con cháu làm thay. Minh chứng rõ nhất đó là khi tiếp chuyện phóng viên, dù lúc nhớ, lúc quên hai cụ cứ thay nhau kể về “chuyện tình yêu của chúng mình”, mà mọi cử chỉ toát lên vẻ rạng ngời, khiến người nghe cứ ngỡ đây không phải là 2 cụ ông, bà đã ở tuổi 90 nữa.
Cụ Tùy cho biết, chính sự gắn kết tình cảm bền chặt đã được “thử lửa” qua bao khó khăn trải qua các thời kỳ là bí quyết giúp hai cụ giữ gìn hạnh phúc. Tình cảm ấy được định nghĩa đơn giản là sự chung thủy, thấu hiểu và chia sẽ mà hai cụ có được trong suốt gần 70 năm chung sống với nhau.
Còn đối với cụ Liêm, có được một người vợ nặng tình, nặng nghĩa lại đảm đam, luôn trở thành hậu phương vững chắc chính là bí quyết và là “ngọn lửa” thắp cháy tình yêu của hai cụ tới ngày hôm nay.
Và, câu chuyện tình yêu xuyên thế kỷ của cụ ông Nguyễn Văn Liêm và cụ bà Trần Thị Tùy được viết bằng đoạn kết như mơ khi là 1 trong 18 cặp vợ chồng tiêu biểu được UBND quận Tây Hồ vinh danh tham dự “lễ cưới vàng” tổ chức vừa qua.