Từ quen qua mạng, bị lừa, ôm phao nhảy xuống biển
Ngày 30/4/2017, Thiếu tá Đoàn Công Nghiệp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng (BP) Đất Mũi, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và đang chăm sóc sức khỏe 2 người trôi dạt trên biển được 1 phương tiện đánh cá của ngư dân địa phương phát hiện, cứu vớt. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 29/4, tàu cá của ông Cao Văn Khởi (ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đang hoạt động nghề lưới cá khoai ở khu vực vùng biển cách cửa Rạch Tàu - Đất Mũi khoảng 18 hải lí về hướng Tây Nam thì phát hiện 2 người mặc áo phao đang trôi dạt trên biển.
Ông Khởi đã tổ chức cứu vớt 2 người gặp nạn lên phương tiện và thông báo cho Đồn BP Đất Mũi. 14 giờ cùng ngày, 2 nạn nhân được tàu cá đưa về Đồn BP Đất Mũi. Sau khi được chăm sóc sức khỏe, 2 người gặp nạn cho biết họ tên Huỳnh Văn Phong (19 tuổi) và Nguyễn Tuấn Kiệt (23 tuổi), cùng ngụ tại ấp 10, xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
2 nạn nhân cho biết thêm: vào khoảng tháng 10/2016, cả 2 được một người quen qua mạng xã hội tên Cường làm quen và giới thiệu đưa về Cà Mau làm nghề đi biển. Theo thỏa thuận miệng, Cường sẽ cho Phong và Kiệt mỗi người mượn 15 triệu đồng trước, sau đó cứ 3 tháng đi biển làm có lời sẽ chia thêm.
Phong và Kiệt nhận tiền rồi đi theo Cường về cửa biển Sông Đốc, Cà Mau. Sau đó, Phong và Kiệt được tàu hậu cần nghề cá chở ra biển, đưa sang một tàu cá làm nghề cào đôi để làm việc. Làm việc trên tàu cá này được khoảng 3 tháng thì cả hai bị chuyển sang lao động trên tàu cá khác. Được 2 tháng thì Phong và Kiệt tiếp tục được chuyển sang phương tiện thứ 3. Cả 3 lần chuyển Phong và Kiệt đều không nhớ số hiệu các tàu cá, chỉ biết trên các phương tiện này toàn là người Việt Nam.
6 tháng làm việc trên các tàu cá, Phong và Kiệt không được trả lương, không được vào bờ, ăn Tết trên biển và không được liên lạc với gia đình. Trên tàu cá còn 2 lao động khác tên Bi và Nghĩa quê Tiền Giang cũng trong tình trạng bị lừa lên tàu cá làm việc nhưng không được nhận lương. Do đó, cả 4 người đã bàn nhau ôm phao nhảy xuống biển để trốn. Khi nhảy xuống biển do sóng to, gió lớn nên Bi và Nghĩa bị thất lạc, hiện vẫn chưa tìm thấy. Còn Phong và Kiệt cột dây vào với nhau, may mắn được phương tiện của ông Khởi phát hiện cứu vớt.
Đến thiếu nợ, bị “cò” bắt đi lao động nghề cá
Ngày 19/12/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam bốn đối tượng để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Bốn đối tượng gồm Phạm Hoài Thương (33 tuổi), em ruột Thương là Phạm Hoài Đông (28 tuổi, cùng trú tại Long Mỹ, Hậu Giang), Nguyễn Hoài Nam (18 tuổi, trú tại phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa) và Vũ Hoàng Sơn (29 tuổi, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Đầu tháng 12/2016, 7 ngư dân ở các tỉnh miền Tây sau khi cập bến Côn Đảo đã đến một nhà hàng ăn nhậu và thiếu nợ chủ quán. Chủ quán biết Phạm Hoài Thương chuyên làm “cò” môi giới lao động cho các chủ tàu cá trên biển nên gọi Thương mang tiền ra trả nợ giúp. Sau khi trả nợ giùm 7 ngư dân, Thương đã đưa họ về nhốt tại một ngôi nhà ở Côn Đảo để chờ tìm tàu cá.
Do không tìm được tàu cá, Thương giao 7 ngư dân này cho Vũ Hoàng Sơn và một người tên Hải (hiện đang bỏ trốn) đưa về Sóc Trăng. Về đất liền, Nguyễn Hoài Nam đón các ngư dân và đưa về nhốt, giam tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nguồn tin của người dân, Công an huyện Long Điền đã kiểm tra và giải cứu 7 ngư dân trên.
Hai anh em Thương và Đông là những đối tượng chuyên làm “cò” môi giới lao động cho các chủ tàu cá từ nhiều năm nay. Họ tìm lao động bằng cách trả nợ thay cho các ngư dân, rồi đưa họ về nhà “nuôi”. Sau đó, Thương tìm các chủ tàu có nhu cầu tuyển người đi biển để giới thiệu. Mỗi chủ tàu và cả người được giới thiệu đều phải trả tiền “cò” cho anh em Thương với giá từ 300.000 - 800.000 đồng/người.
Chủ tàu còn phải trả tiền trước cho ngư dân để họ trả nợ cho Thương. Giữa năm 2016, Thương bị Công an TP Bà Rịa khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, đang tại ngoại thì tiếp tục phạm tội. Còn Phạm Hoài Đông cũng có một tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”, vừa ra tù chưa lâu.
Sau đó, lúc 5h15 ngày 13/1/2017, sau chuyến biển, một tàu cá vào bờ tại khu vực cảng Cát Lở (TPVũng Tàu) thì Nguyễn Đức Hiển (24 tuổi, quê An Giang) - làm việc trên tàu cá đã bất ngờ nhảy xuống biển. Anh Hiển được tàu khác cứu và bàn giao cho BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh Hiển cho biết mình bị xe ôm lừa chở từ TPHCM xuống khu vực cảng Cát Lở bán cho một chủ đường dây “cò” lao động với giá 3,5 triệu đồng.
Sau khi ký giấy vay tiền rồi được đưa về phòng trọ nhốt chung với nhiều người, vài ngày sau Hiển được đưa lên tàu cá ra biển làm việc. Sau hơn 1 tháng đánh bắt ngoài biển, tàu vào bờ. Người quản lý trên tàu nói chuyến biển không đủ để trả tiền cho Hiển và những người đi làm chung. Vì sợ tiếp tục bị bắt nhốt, Hiển đã nhảy xuống biển để... thoát nợ. Ngay sau khi làm việc với BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Hiển được đơn vị này cho tiền để về quê.
Thực tế, vấn nạn nhức nhối này đã xảy ra nhiều năm nay. Có nhiều vụ lực lượng biên phòng các tỉnh đã điều tra nhưng sau đó chỉ xử lý hành chính rồi cho về. Vì các “cò” né luật, ràng buộc các ngư dân bằng giấy vay tiền nên lực lượng chức năng rất khó xử lý.