Gian nan gìn giữ và bảo tồn
Thủy tùng còn gọi là thông nước, có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam đều đặt thủy tùng vào tình trạng nguy cấp, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2006/NĐCP xếp thủy tùng vào nhóm IA, nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây đang ở cấp độ rất nguy cấp.
Theo các chuyên gia sinh học quốc tế, thủy tùng thuộc họ bụt mọc, được xem như loài hóa thạch sống của ngành hạt trần, xuất hiện cùng thời với bách xanh cổ cách đây khoảng 10 triệu năm. Trên thế giới hiện chỉ có 3 nước còn tồn tại loại cây này là Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Trong đó, nhiều nhất là ở Việt Nam và chỉ có ở tỉnh Đắk Lắk.
Những năm 90 của thế kỷ trước, hai quần thể thủy tùng ở tỉnh Đắk Lắk là Ea Ral (thuộc xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) và Trấp Ksơr (thuộc xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) có đến hàng ngàn cây. Tuy nhiên sau đó, việc đắp đập thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã làm nước dâng ngập cả hai quần thể thủy tùng này, khiến nhiều cây chết chìm sâu vào đầm lầy cũng như việc khai thác ồ ạt đã làm cho lượng thủy tùng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 162 cây.
Trước nguy cơ thủy tùng bị tuyệt diệt, năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng (gọi tắt là BQL Thủy tùng) để quản lý, bảo tồn loài thực vật cổ sinh này. Từ đó đến nay, thủy tùng được bảo vệ nghiêm ngặt, chưa mất cây nào. Hiện nay, quần thể Ea Ral có 140 cây, quần thể Trấp Ksơr có 21 cây và một cây nằm ở thị xã Buôn Hồ.
Trong đó, cây cao tuổi nhất lên đến hơn 700 năm, thấp nhất cũng gần 50 năm. Điều đáng nói, gần nửa thế kỷ qua, thủy tùng không còn tái sinh tự nhiên nữa. Cây vẫn ra hoa kết quả và có hạt nhưng không thể thụ phấn nên tất cả hạt đều lép, mất khả năng nảy mầm. Khu vực hai quần thể thủy tùng Ea Ral và Trấp Ksơr nằm sát với khu dân cư, bao quanh là nương rẫy của người dân nên chỉ cần mất cảnh giác là thủy tùng sẽ bị xâm hại.
Ngoài việc tuần tra, bảo vệ, các nhân viên ở đây thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, ký cam kết với những hộ dân sống xung quanh không xâm nhập, khai thác thủy tùng trái phép. Còn nhân viên bảo vệ phải túc trực ngày đêm, vất vả di chuyển trên vùng đầm lầy có nơi ngập tới ngực và thường xuyên bị hai loài “đặc sản” ở đây là muỗi và đĩa tấn công.
Trạm Ea Ral (thuộc BQL Thủy tùng) có diện tích hơn 28 hecta với 140 cây thủy tùng được bao quanh bởi những hàng rào thép gai, ở giữa được bố trí những chòi canh để nhân viên túc trực canh cây. Ngoài ra, hàng chục bóng điện được lắp ở những vị trí có nguy cơ bị người dân xâm nhập cùng hệ thống cầu phao chạy quanh co đến từng gốc thủy tùng, cho thấy chúng được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Theo ông Trịnh Duy Hải - Phó trạm trưởng Trạm Trấp Ksơr (thuộc BQL Thủy tùng), hiện trạm đang quản lý, bảo vệ 21 cây thủy tùng, trong đó có 3 cây nằm ở vùng đệm nơi rẫy của người dân. Những cây nằm ở vùng đệm này được BQL Thủy tùng khoán cho hộ dân có thủy tùng nằm trên đất sản xuất bảo vệ với giá 1 triệu đồng/cây/tháng. “Chúng tôi chia ca trực 24/24 canh gác rừng thủy tùng nguyên thủy và chăm sóc những cây thủy tùng con được các dự án nghiên cứu bảo tồn gen thủy tùng trồng thử nghiệm.
Tín hiệu đáng mừng là các cây con ghép trên cây bụt mọc và ghép rễ thở đều đang phát triển tốt”, ông Hải cho biết. Được biết, năm 2011, kỹ sư lâm nghiệp Trần Vinh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) thử nghiệm phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng tại Việt Nam”. Những cây thủy tùng ghép bụt mọc được trồng thử nghiệm ở cả hai quần thể thủy tùng và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2014, Trạm Trấp Ksơr trồng thử nghiệm 130 cây, nay còn 60 cây phát triển tốt, cao khoảng 3m, đường kính 10cm. Ngoài ra, BQL Thủy tùng cũng thử nghiệm mô hình ghép rễ thở từ sáng kiến độc đáo của Trạm trưởng Trạm Ea Ral Võ Thành Tám ở hai quần thể thủy tùng. Những cây trồng từ năm 2015, đến nay hầu hết đều sinh trưởng tốt, cao 4m, đường kính 12cm. Bên cạnh đó, BQL thủy tùng cũng thử nghiệm mô hình cấy mô nhưng lượng cây chết nhiều và sinh trưởng kém.
Tiền tỷ chưa chắc được sở hữu
Thủy tùng có đặc điểm thân gỗ lớn, cao trên 30m, đường kính thân 0,6 - 1m, vỏ dày, hơi xốp, màu xám, nứt dọc. Gỗ thủy tùng có nhiều màu như: xanh đen, xanh ngọc bích, tím, vàng, đỏ, nâu đỏ. Vân cũng được chia ra vân chỉ, chuối hoặc không vân.
Những người chơi đồ gỗ cho biết, gỗ thủy tùng không được định giá theo cân hay khối mà được xác định theo tuổi thọ và đường vân từng khúc gỗ. Với cây trên 500 tuổi, đường kính gốc gần 1m, nguyên giá khúc gốc chắc chắn không dưới tiền tỷ. Tuy nhiên, phần giá trị nhất của thủy tùng chính là đoạn thân, bởi đây là nơi vân gỗ thể hiện sắc nét nhất. Đường vân ở thân gỗ thường rất đều và có mùi hương đậm nhất.
Ông H., người chơi đồ gỗ có tiếng ở huyện Krông Năng cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi việc đắp đập thủy lợi khiến nhiều cây thủy tùng chìm sâu vào đầm lầy, ông đã mua một vùng ruộng lớn gần đầm Trấp Ksơr vì biết gỗ từ đầm này sẽ trôi về ruộng. Sau đó, ông thuê người trục vớt được rất nhiều gỗ thủy tùng, rồi thuê thợ giỏi đến chế tác ròng rã từ năm này sang năm khác ra các mặt hàng tinh xảo.
Theo ông H., các loại gỗ khác ngâm càng lâu trong bùn lầy thì càng hoai mục, riêng gỗ thủy tùng càng trở nên rắn chắc, nổi vân óng ả, đầy quyến rũ. Hiện ông đang sở hữu hàng trăm mặt hàng thủy tùng tinh xảo đủ cỡ. Nhiều người đánh giá, những mặt hàng này là vô giá, bởi hiện nay việc sở hữu được gỗ thủy tùng có tuổi đời hàng trăm năm không phải là chuyện dễ.