Chị là nhà nghiên cứu về giới, dẫu không là chiến sĩ tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới nhưng những kết quả nghiên cứu và đề xuất của chị cũng đóng góp ít nhiều cho xã hội.
Tuy nhiên, chị chẳng áp dụng được điều gì cho chính gia đình mình, đơn giản, anh là người chồng quá an phận, mặc vợ muốn làm gì thì làm, anh cúc cung phục vụ.
Chị xuất thân từ gia đình viên chức tỉnh lẻ, bản chất nhu mì. Lấy anh, các tố chất “nổi dậy” của nữ giới mới có cơ hội phát triển.
Anh người Hà Nội gốc, gia đình thuộc loại trung lưu. Hai người cùng một lớp đại học, ra trường, nhận công tác họ cưới nhau, sinh liền hai đứa con.
Trong khi anh hài lòng và cần mẫn với vị trí viên chức của mình thì chị tiếp tục học lên, cao học rồi bảo vệ luận án tiến sĩ. Chị say mê với các hoạt động xã hội, anh thích thú việc nhà, các con đều do anh chăm sóc, giáo dục và cũng giống như bố, chúng lịch lãm, yêu thích nghệ thuật, văn học, sống thu mình và không tỏ ra xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chị không coi thường anh nhưng nhiều lúc chị quên có sự hiện diện của anh. Có lúc hứng lên, chị hăm hở nói với anh vấn đề thích thú của đề tài mà chị đang nghiên cứu, anh chỉ lặng lẽ nghe và cuối cùng thì vẻn vẹn có một câu nhẹ nhàng mà thâm thúy, biến cái công trình nghiêm túc của chị thành sự hài hước đầy châm biếm.
Chị chán chẳng muốn trao đổi gì với anh và rồi công việc và những hoạt động xã hội cuốn hút chị, dần dần, vai trò người chồng của anh mờ nhạt đi.
Một lần, vì công việc chị tham dự một buổi tọa đàm về đề tài thanh niên với an toàn tình dục. Có một cô bé sinh viên năm nhất, phát biểu nhỏ nhẹ mà sâu sắc, rất được cử tọa tán đồng. Giật mình, chị nhận ra phong thái của cô bé này sao giống con gái mình đến thế và cả gương mặt nữa, gương mặt của chồng chị.
Chị làm quen với cô bé, khen ý kiến của cô và muốn mời cô cộng tác, lấy số điện thoại và địa chỉ nhà riêng. Ngay chiều ấy, biết cô còn ở trường, chị đến bấm chuông nhà cô.
Tiếp chị trên gác hai của ngôi biệt thự trên phố cổ, người phụ nữ hơn chị vài tuổi, đẹp một cách kín đáo. Chị nhìn căn phòng trang nhã, treo vài bức họa nguyên gốc, cây đàn piano bật nắp, hẳn chủ nhà đang chơi dở. Chị như lạc vào một gia đình trung lưu thành thị hồi đầu thế kỷ trước.
Chị nhận ra bức ảnh nhỏ treo trên chiếc đàn chính là bức ảnh đen trắng thuở thanh niên của chồng chị. Sau khi biết chủ nhà là bà mẹ đơn thân, chị hiểu tất cả và vội cáo từ ra về.
Đêm ấy, chị trằn trọc. Chị không hiểu chồng mình hay vì chị quá thờ ơ với anh, mặc nhiên coi anh có bổn phận chăm sóc gia đình để chị “cống hiến” cho xã hội.
Cái vẻ ngoài cam phận của anh lẽ nào chứa ngọn lửa tình yêu lãng mạn và ấm áp cháy ở bên trong? Lẽ nào những nghiên cứu của chị đều phi thực tế khi cái thực tế ấy ngay bên cạnh chị, trong nhà chị mà chị không hề hay biết?