Lời nói thúc đẩy Tổng thống Diệm trở bại thành thắng
“Theo đại úy Lê Công Hoàn (bạn thân của tôi) kể lại vai trò của bà Nhu trong biến cố 11/11/1960. Bà Nhu đã quyết liệt định đoạt cứng rắn cứu vãn tình thế nguy ngập.
Ngày biến cố này xảy ra lúc ấy tôi đang ở Hoa Kỳ và chưa có gì dính dáng đến Tổng thống Diệm, dinh Độc Lập, dinh Gia Long.
Biến cố này đã chứng minh bà Nhu là một người đàn bà dám ăn, dám nói, được việc để mang lấy hậu quả tai hại hoặc thành công thắng lợi.
Khi Tổng thống Diệm tuyên bố từ chức giao quyền lại cho phe phái quân nhân đảo chánh, tình hình trong dinh Độc Lập bệ rạc, sửa soạn rẽ sang con đường mới.
Tổng thống Diệm ngồi thừ trên ghế sa lông, ông Ngô Đình Nhu vầng trán nhăn lại. Đại tá Nguyễn Khánh đưa ra kế hoạch chống đảo chánh và đợi lệnh. Bà Nhu ngồi cạnh ông Nhu với vẻ mặt đanh thép. Tổng thống Diệm nhìn thẳng về phía ông Nhu hỏi:
-Chú định thế nào?
Ông Nhu đáp:
-Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt chứ tôi đâu có làm Tổng thống.
Tổng thống Diệm yên lặng, ông Nhu đăm chiêu thêm. Thế là chẳng có ý kiến định đoạt nào cả. Một khắc thời gian trôi qua cũng đủ làm thay đổi, suy sụp chính thể.
Bà Nhu giận dữ đứng dậy gỡ khúc rối trên bước đường chính trị của Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu, bằng thái độ hùng hổ:
-Tại sao chúng ta lại thất bại một cách dễ dàng như thế?
Thái độ bà Nhu như gáo nước lạnh thức tỉnh Tổng thống Diệm, ông Nhu và đại tá Nguyễn Khánh. Ba đôi mắt chính trị, lãnh tụ và quân sự đổ dồn vào bà Nhu.
Nghĩ rằng mình có “khả năng chính trị”, bà Nhu từng thành lập một “đội quân phụ nữ” trong chế độ Ngô Đình Diệm |
Bà Nhu lạnh lùng hướng về phía ông Nhu hùng hổ nói:
-Anh nói vậy sao được, phải giúp Tổng thống.
Quay qua Tổng thống Diệm, bà Nhu nói:
-Tổng thống cương quyết dẹp đảo chánh hay hàng? Bây giờ chúng ta phải làm như thế này… như thế này…
Trong lúc đó đại tá Khánh tròn cặp mắt ốc nhồi nhận lệnh.
Bà Nhu nói thật nhiều, thật dữ… Kết quả, cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 thất bại.
Hành động của bà Nhu thúc đẩy Tổng thống Diệm trở bại thành thắng và có hai khía cạnh đáng lưu ý:
-Quyết định theo lối chỉ huy quân sự.
-Quyết định của một người liều “được làm vua thua làm giặc”.
Nghe Hoàn kể như thế, tôi có ý nghĩ tiếc rẻ sự vắng mặt bà Nhu trong ngày đảo chínhg 1/11/1963.
Thiển ý của tôi nhận định chung hợp với Lê Công Hoàn. Lúc đảo chính bùng nổ 1/11/1963, ông Nhu và Tổng thống Diệm cứ chần chừ không có lập trường dứt khoát. Nhưng đó không phải là yếu điểm. Ông Nhu quá cằn cỗi về phương diện chính trị. Tổng thống Diệm tin tưởng quần chúng, tướng lãnh và không muốn đổ máu, chia rẽ.
Một chính trị gia cao tay như ông Nhu không có quyết định là phải. Ông phải đợi đối phương sơ hở hầu mong trở lại ván bài “điếm” ngày 11/11/1960.
Như tôi đã nhận định trên, chỉ có những tay chính trị lơ mơ hoặc một nhân vật quân sự, hoặc một tên liều mới quyết định trong tình thế nguy nan ngày 1/11/1963.
Quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân”
Trở lại vấn đề Tổng thống Diệm và bà Ngô Đình Nhu, tôi xác nhận rằng bà Nhu rất sợ, nể nang ông Diệm. Dư luận bên ngoài đồn đãi Tổng thống với bà Nhu có tư tình là một điều không đúng.
Bà Nhu lăng loàn là dư luận “những huyền thoại” mơ hồ. Có lẽ vì ganh tị, ghét bỏ bà Nhu quá thao túng về kinh tài.
Tôi còn nhớ một buổi chiều khi trời nóng bức, bà Nhu mặc quần Blue Jean, chiếc áo Pull. Bà ta sửa soạn đi Đà Lạt. Trước khi đi bà Nhu qua phòng khách tìm gặp Tổng thống Diệm nhưng không gặp.
Bà Nhu qua đến phòng trực hỏi tôi. Tôi thưa rằng, Tổng thống ở phòng riêng. Bà Nhu hỏi tôi, Tổng thống rảnh rổi không?
Tôi đáp, có lẽ rảnh, bà cố vấn có thể vào được. Tôi theo chân bà Nhu mở cửa phòng Tổng thống Diệm cho bà ấy. Tôi vừa đóng cửa lại thì bên trong có tiếng quát tháo ầm ĩ.
Bà Nhu (đi sau ông Diệm) trong một lần tiếp khách nước ngoài |
Bà Nhu vội vàng mở cửa bước ra bắt gặp tôi, bà ấy bẻn lẻn, mặt tái xanh trở thành đỏ gay. Bà đi thật vội vàng, khuất sau dãy hành lang.
Sau đó, Tổng thống Diệm bước ra khỏi phòng, tôi vội chạy tới. Gương mặt Tổng thống còn giận, tôi hơi lo lắng. Tổng thống rầy tôi:
-Bữa ni bất kỳ ai, anh cũng phải trình trước nghe không?
Tôi chẳng biết làm gì hơn là yên lặng. Một phía Tổng thống, một phía bà Nhu, tùy viên chịu trận.
Tuy nhiên, tôi không lấy đó làm buồn. Ai muốn gặp Tổng thống mà không trình trước ư? Việc làm thường tình, quen thuộc hằng ngày là trình Tổng thống khi có ai muốn gặp.
Những câu gắt gỏng của Tổng thống nhắm vào bà Nhu, đệ nhất phu nhân đã làm phiền Tổng thống.
Trong lãnh vực này, tôi nói lại một số chi tiết nhỏ, một số mẩu chuyện vặt để chứng minh người ta đã dựng nhiều chuyện sau đảo chính 1963. Sự đồn đại này đôi lúc cũng có nguyên nhân. (Có khói mới có lửa). Vì như khi dinh Gia Long thất thủ, Thủy quân lục chiến do Nguyễn Bá Liêu – Tư lệnh phó Thủy quân lục chiến chỉ huy, nhặt được vài ba hình ảnh đàn bà ngoại quốc trần trưồng (đại để như hình Play Boy). Thế là họ bắn tung tiếng đồn là Tổng thống Diệm chuyên môn mê say những hình ấy. Thật ra hình ảnh đó là của mấy sĩ quan tùy viên chúng tôi.
Năm 1959, giai đoạn huy hoàng nhất của chế độ Ngô Đình Diệm, dư luận xấu xa đàm tiếu về bà Nhu mãnh liệt lắm. Tuy nhiên, hưng thịnh của một chế độ, uy tín của Tổng thống Diệm còn trùng trùng điệp điệp, nên những tiếng đồn đại ấy chỉ là “tiếng vọng” sa mạc cô đơn.
Tôi nghĩ rằng ông Diệm đều nghe cả. Song tôi nghĩ rằng Tổng thống Diệm quan niệm nguyên thủ một quốc gia không nên suy tư về các chuyện vặt. Những chuyện đó do bọn chầu rìa, bọn xôi thịt tung ra. Tổng thống chỉ việc tìm con đường thẳng mà đi thì dư luận đó tiêu tan. Thế nhưng làm chính trị mà quên việc nhỏ, quan tâm việc trọng đại, cũng là một sơ suất đáng nói. Tổng thống Diệm bị mắc phải mà không chế ngự kịp thời.
Những cuộc “đối thoại” đặc biệt với cử tri
Từ cuộc đảo chính 11/11/1960 đến ngày tái ứng cử ra mắt cử tri ở Tòa đô chánh, Tổng thống Diệm phải trả lời nhiều câu hỏi “gia đình trị”, kinh tài của bà Nhu, ông Cẩn. Tổng thống Diệm bác bỏ đơn sơ và cho đó không đúng sự thật. Sau khi quay về dinh Gia Long, Tổng thống Diệm có lẽ an tâm vì mình đã nói lên nổi lòng chân thật và đánh đổ được dư luận. Nhưng Tổng thống có ngờ đâu những câu trả lời “quá tỉnh” của ông đã đào sâu thêm mối nghi ngờ.
Giai đoạn 1960 con bệnh phao vu đến mức khá trầm trọng. Ngày 11/11/1960 vang dậy tiếng súng.
Đài phát thanh Sài Gòn tố cáo gia đình trị nặng nề thêm. Tiếp theo đó biến cố 27/2/1962 dinh Độc Lập bị ném bom. Con đường dư luận xấu mà Tổng thống Diệm không quan tâm khởi sự lồi lõm.
Hình ảnh bà Nhu “quyền lực” trên một tờ báo nước ngoài |
Những ai quan tâm đến ngày bầu cử Tổng thống giữa ba liên danh Ngô Đình Diệm, Hồ Nhật Tân, Nguyễn Đình Quát còn nhớ cuộc vận động lớn nhất của ba liên danh tại Đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn là địa điểm tòa Đô chánh.
Hai liên danh Hồ Nhật Tân, Nguyễn Đình Quát nói chuyện với cử tri trước mặt Tòa đô chánh. Liên danh Ngô Đình Diệm, đương kim Tổng thống, vì lý do an ninh được ra mắt cử tri tại phòng khánh tiết Tòa đô chánh.
Những câu hỏi về gia đình trị, tôi còn nhớ Tổng thống Diệm trả lời hết sức thong dong, lấy tiêu chuẩn bản thân làm căn bản. Ông Diệm xác nhận với cử tri, ông Ngô Đình Nhu là người có tài chính trị. Tổng thống dùng ông Ngô Đình Nhu không phải vì hai chữ “Ngô Đình” không phải liên hệ máu mủ ruột thịt. Nếu ông Nhu bất tài, Tổng thống chắc chắn không dùng đến.
Cử tri cho rằng ông Ngô Đình Luyện là một vị đại sứ “nhảy dù” (tiếng cười vang dậy). Ông Diệm cho biết ông Ngô Đình Luyện là người có bằng cấp, từng phục vụ khá dài trong ngành ngoại giao. Chẳng qua ông Ngô Đình Luyện là em của Tổng thống nên có sự dèm pha. Nếu ông Ngô Đình Luyện không phải dòng họ “Ngô Đình” thì không có trường hợp đặt thành vấn đề.
Ông Diệm còn lấy ví dụ chính trường Ấn Độ mà dòng họ ông Néru nắm được nhiều quyền hành. Như vậy đó có phải là gia đình trị chăng. Ông Diệm kết luận, bất cứ ai, bất cứ dòng họ nào làm được việc, ông đều cần đến, không phải duy nhất “Ngô Đình”.
Như đã nói ở trên, khi về dinh Gia Long, ông Diệm có vẻ hả dạ đã bày tỏ với cử tri những bực nhọc, ấm ức trong lòng từ bấy lâu nay gói chặt trong lòng. Dù không biết những câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Diệm, trả lời được sửa soạn trước. Những chiếc ghế ngồi trong phòng khánh tiết đã được chỉ định từ ngày trước. Đám cò mồi này vô tình làm cho cuộc bầu cử trở thành gian lận không chính đáng. Và hạ thấp giá trị ông Diệm.
Tôi tin chắc rằng, một ngàn phần ngàn Tổng thống Diệm không hay biết điều đó. Ông sung sướng thật sự sau cuộc nói chuyện với các đồng bào cử tri. Vì ông tin tưởng đó là những cử tri đứng đắn đã chất vấn mình.
Tuy nhiên trong cuộc bầu cử này, tôi không nghĩ rằng chủ đích của ông Diệm vận động cử tri. Tổng thống chỉ muốn trang trải món nợ dư luận bất đắc dĩ. Đứng trên phương diện tiên đoán, ông Diệm không cần vận động cũng thắng trước hai liên danh Hồ Nhật Tân và Nguyễn Đình Quát quá yếu kém, mơ hồ, phiêu lưu chính trị. Mặc dầu thế, trong cuộc bầu cử này, ông Diệm đã mất một số phiếu đáng kể.
Thiết nghĩ rằng trong giai đoạn này nếu có một liên danh dĩ vàng chói sáng, hiện tại trong sạch, ông Diệm có thể thất cử trở về vui thú điền viên ở hòn cù lao Cồn Hến (Huế) như đã dự định khi tuổi tác xế chiều.
Bà Nhu được cho là người đã giúp sức tinh thần giúp anh em ông Diệm – Nhu đẩy lùi cuộc đảo chính năm 1960 |
Liên danh của cụ Hồ Nhật Tân, Nguyễn Thế Truyền đáng được chú ý. Song quá khứ tiêu cực, xa xôi với quần chúng trong đời sống kỹ nghệ, máy móc thực tế. Vì thế bị lu mờ trước liên danh Ngô Đình Diệm với một quá khứ rất gần, mới mẻ.
Dù lòng dân muốn thay đổi nhưng đứng trước ba liên danh đó đành ép lòng bỏ phiếu cho ông Diệm. Và lần tái cử này đưa đẩy đến cuộc đảo chính 1/11/1963 kết liễu một đời người để cho nhiệm kỳ Tổng thống dang dở nửa chừng.
“Bình hoa đẹp” trong các dịp ngoại giao
Cuộc đời bà Ngô Đình Nhu bỗng nhiên nổi tiếng nối liền với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nguyên nhân đó là dư luận, huyền thoại hóa bằng cách truyền khẩu hạ bệ, nhưng lại vô tình làm cho người đàn bà trở thành nhân vật lịch sử.
Ngôi đệ nhất phu nhân của bà Nhu là do cửa miệng thế gian gán cho. Tổng thống Ngô Đình Diệm chẳng phong cho bà ấy trong 9 năm tại chức. Quan niệm của Tổng thống Diệm cho rằng bà Nhu là một bình hoa đẹp, đón chào giới phụ nữ trong nước và những mệnh phụ phu nhân ngoại quốc có dịp ghé qua Sài Gòn. Tổng thống Diệm không vợ con. Bà Nhu là một người cần thiết cho ông về khía cạnh giao tế đó.
Chẳng qua bà Nhu là vợ ông Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống Diệm nên bà ta trở nên quan trọng trước mũi dùi dư luận.
Đệ nhất phu nhân là một danh từ nghi lễ, làm cảnh trong buổi tiệc trà, dạ hội cho một Tổng thống mà thôi. Mặc dầu thế, dân chúng không muốn bà Nhu được cái chức vinh dự ấy. Vì bà ta không phải là vợ của một Tổng thống mà là em dâu, con dâu trong dòng họ Ngô Đình.
Bà Nhu và các con năm 1962 |
Quần chúng gán ngôi đệ nhất phu nhân và phủ nhận ngôi đệ nhất phu nhân của bà Nhu, đó là điều mâu thuẫn nguyên cớ để xa lánh một chế độ.
Với một người cốt cách, trọng lễ nghĩa cùng những nghi thức thì sự hiện diện của bà Ngô Đình Nhu không phải là thừa, để Tổng thống Diệm thuấn triệt giới phụ nữ trong và ngoài nước, gây tình ủng hộ giữa dinh Độc Lập, dinh Gia Long và quần chúng bên ngoài.
Tôi đơn cử một việc sau: Thời gian hết nhiệm kỳ Tổng thống của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ. Đảng này đã ủng hộ Tổng thống Diệm từ ngày ông trở về nước (năm 1954) đảm nhận chức thủ tướng.
Tổng thống Eisenhower về hưu, đảng Cộng hòa đưa phó Tổng thống Richard Nixon tranh cử với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John F. Kennedy vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.
Kết quả John F. Kennedy thắng cử. Đảng Dân chủ lên cầm quyền ở Hoa Kỳ. Trong khi đó tình hình chính trị ở Sài Gòn có vẻ lo âu về chính sách mới của đảng này.
Mấy tháng kế tiếp sau khi John F. Kennedy tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, chính sách cam kết giữa Hoa Kỳ và VNCH không mấy thay đổi. Nhưng Tổng thống Diệm không tỏ vẻ lạc quan như thời kỳ Tổng thống Eisenhower tại chức. Trong lúc đó Sài Gòn sửa soạn kín đáo đón chào người thân của Tổng thống Kennedy đến đây.
Dịp này là dịp tốt chế độ Ngô Đình Diệm gây uy tín và gây cảm tình với đảng cầm quyền Dân chủ đang cầm quyền tại Hoa Kỳ.
Tiều tụy khi nghe tin cuộc đảo chính năm 1963 nổ ra |
Bà Ngô Đình Nhu tiếp người của Tổng thống Kennedy và hướng dẫn thăm viếng một vài nơi phụ nữ cùng các cô nhi viện.
Riêng Tổng thống Diệm tiếp bà Kennedy trong không khí thường tình của một phụ nữ tiếng tăm ghé qua Sài Gòn. Cố nhiên đó là tình trạng xã giao của một quốc trưởng đối với nhân vật tạm gọi là “ngoại giao đoàn”.
Những lúc như thế này mới thấy bà Nhu là một phụ nữ cần thiết bên cạnh của một Tổng thống không có vợ. Nối nhịp cầu ngoại giao thân thiết giữa hai quốc gia đôi khi cũng cần một phụ nữ có miệng mồm thông minh như bà Nhu. Cùng một giới mệnh phụ với nhau, từ xã giao đến thân mật không xa lắm. Bà Nhu có thể mua được cảm tình bà Kennedy dễ dàng hơn là ông Ngô Đình Diệm, một Tổng thống đương nhiệm với nhiều nghi lễ phiền toái.
Phải thú nhận rằng trong một số sự kiện, nếu không có bà Nhu, Tổng thống Diệm sẽ tiếp đón không lấy gì làm thân mật. Và nếu không có sự hiện diện của bà Nhu cố nhiên mệnh phụ nào đó sẽ đại diện cho công việc này. Nhưng chắc gì tận tụy, tận tình như bà Nhu chăng?
Những ai đã từng sống trong dinh Gia Long và dinh Độc Lập, đều đồng quan điểm với tôi là cuộc đời Tổng thống Diệm và bà Nhu khoảng cách lắm cùng cả ông Nhu nữa. Sự cách biệt từ đời sống vật chất cho đến tinh thần mỗi người một phương. Những bước chân khai phá này, bà Nhu là bụi gai khó gỡ nhất trên quãng đường. Công lao của bà Nhu đối với chiếc ghế Tổng thống Diệm không nhiều cũng ít. Và thiên mệnh của Tổng thống Diệm phát khởi ở bà Nhu một phần đưa đến mạt vận, tàn phá một dòng họ.
(Còn tiếp)