Đường Canh thời Bắc Tống đã phê phán Thọ “noi theo ý riêng của Ngụy Tấn mà phế bỏ phép công của người chép sử, dụng ý đã như vậy thì những điều ghi chép thiện ác, khen chê, cho lấy trong sách này có thể tin được chăng?”.
Hác Kinh cũng nhận xét rằng Trần Thọ viết về nhà Ngụy thì “thể thống bất chính, đại nghĩa bất minh”, “những lời xưng hiệu, bàn luận thảy đều bỏ mất chính đạo”.
Bấy giờ những người viết sách nhao nhao ca ngợi nhà Ngụy không phải là ít. Trước Trần Thọ đã có Ngụy thư của Vương Thẩm, Ngụy lược của Ngư Hoạn, sau Trần Thọ có Tục Hán thư của Tư Mã Bưu, thảy đều ca tụng nhà Ngụy.
Nếu so sánh lại thì Trần Thọ đã tiết chế rất nhiều trong việc ca ngợi nhà Ngụy nói chung, Tào Tháo nói riêng; mà trước hết là về vấn đề nguồn gốc họ Tào.
Gia nô ba họ
Vương triều nhà Ngụy là một vương triều hết sức kỳ dị, vì ngay bản thân họ cũng mù mờ không biết tổ tiên của mình là ai. Tào Tháo viết Gia truyện đã tuyên bố tổ tiên mình là Tào Thúc Chấn Đạc, con thứ sáu của Chu Văn Vương.
Tào Thực làm bài Vũ đế lụy cũng đã noi theo ý đó. Tào Tháo nhận Chấn Đạc làm tổ, là để dễ bắt quàng làm họ với Tào Tham – khai quốc công thần thời Hán Cao Tổ. Văn bia Hán Cáp Dương lệnh Tào Toàn bi cũng nói tổ tiên Tào Tham là Tào Thúc Chấn Đạc, vì được phong ở đất Tào nên lấy Tào làm họ.
Tuy nhiên, văn bia Phí đình hầu Tào Đằng bi lại nói dòng họ Tào bắt nguồn từ nước Trâu. Điều này cũng được mưu sĩ của Tào Tháo là Tưởng Tế xác nhận trong Lập giao nghị. Vương Thẩm soạn sách Ngụy thư đã theo thuyết này.
Vương Thẩm nói: “Tổ tiên họ Tào có gốc từ Hoàng Đế. Vào thời Cao Dương, con của Lục Chung là An lấy Tào làm họ. Vũ Vương diệt Ân, bảo tồn các con cháu đời trước, phong Tào Hiệp ở đất Trâu”. Chính nước Trâu này mới truyền nối rườm rà xuống tới Tào Tham.
Thời Ngụy Minh đế, Thị trung Cao Đường Long bàn về chuyện tế Giao lại chủ trương họ Ngụy là dòng dõi vua Thuấn. Tưởng Tế đã đem thuyết họ Tào là dòng dõi nước Trâu làm thành bài Lập giao nghị để cãi nhau với Long.
Áo ngọc tìm thấy trong mộ Tào Đằng. |
Thế nhưng thuyết họ Tào là dòng vua Thuấn lại được Ngụy Minh đế chấp nhận. Trong Thiện Tấn văn (văn nhường ngôi cho nhà Tấn), phía Ngụy tự nhận rằng “xưa hoàng tổ của ta là Hữu Ngu” (tức vua Thuấn).
Tình hình quái gở ấy bị Cố Viêm Vũ nhận định rằng: “Ôi, chỉ một đời vua mà có ba ông tổ khác nhau, há chẳng tức cười ư?” Kỳ thực triều đại nhà Ngụy chẳng những mù mờ về tổ xa đời của mình, mà đối với tổ tiên thân gần cũng lơ mơ như thế.
Chẳng biết ông, càng chẳng biết cha
Trần Thọ cho biết, ông của Tào Tháo là Tào Đằng, là hoạn quan thời Hán Hoàn đế. Bùi Tùng Chi dẫn Tục Hán thư của Tư Mã Bưu cho biết cha Tào Đằng là Tào Tiết. Nhưng con gái của Tào Tháo cũng tên là Tào Tiết nên Hầu Khang nghi rằng cha Tào Đằng không phải tên Tiết.
Nghệ văn loại tụ và Thái Bình ngự lãm cũng dẫn lời Tư Mã Bưu, thảy đều chép cha đằng là Tào Manh. Chữ Manh và chữ Tiết tự dạng gần nhau nên có thể là chép lầm.
Tuy nhiên nói rằng ông cố của Tào Tháo tên là Tiết thì cũng có chút chứng cứ. Một là, Ngụy Minh đế từng nói “cha của Cao Hoàng [Tào Đằng] là Ngoại Sĩ quân”, mà phần Lễ chí sách Tống thư nói Ngoại Sĩ tức là Tào Tiết. Triệu Nhất Thanh và Lư Bật đều chủ trương như thế.
Hai là, theo Tạp ký của Tôn Thịnh, Tào Tháo tập hợp binh pháp của các nhà, làm thành sách Tiếp yếu. Sách này vốn tên là Tiết yếu nhưng vì kỵ húy Tào Tiết nên đổi thành Tiếp yếu. Vấn đề nằm ở chỗ Tào Tháo tránh tên húy của ông cố khi viết sách, nhưng lại hỗn xược lấy tên ông cố đặt tên cho con gái thì là nghĩa lý gì?
Trần Thọ lại cho biết rằng con nuôi của Tào Đằng là Tào Tung. Tào Tung là cha Tào Tháo. Thế nhưng “chẳng ai biết rõ gốc gác của Tung thế nào”. Chỉ có Tào Man truyện của người Ngô và Thế ngữ của Quách Ban là nói: “Tung là con của họ Hạ Hầu, chú ruột của Hạ Hầu Đôn”.
Lời khẳng định của hai sách này đã bị Hà Trác phản đối. Ông cho biết rằng con trai Hạ Hầu Đôn và Hạ Hầu Uyên đều cưới con gái nhà họ Tào nên Tung không thể là dòng dõi Hạ Hầu được. Lời của bọn Quách Ban chỉ là “lời đồn đại của nước địch, vốn chẳng đủ để tin”. Sử gia Lê Đông Phương cũng đồng ý với nhận định đó.
Ông cho rằng Tào Đằng nếu nhận con nuôi thì phải ưu tiên nhận người trong dòng họ. Cho nên Tào Tung rất có thể là con cháu trực hệ của Tào Đằng chứ chẳng phải Hạ Hầu.
Khoảng năm 2009-2011, trường đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã nghiên cứu 1000 mẫu ADN của hậu duệ hai dòng họ Tào Tham, Tào Tháo. Nghiên cứu này chỉ ra ADN của tám dòng họ hậu duệ Tào Tháo là trùng khớp với mẫu ADN tìm thấy trong mộ của Tào Đỉnh – em Tào Đằng - ở Hào Châu.
Tuy nhiên, các mẫu ADN của hậu duệ Tào Tháo lại chẳng giống gì với mẫu của hậu duệ Tào Tham. Điều này có nghĩa rằng cha của Tào Tháo có huyết thống gần gũi với Tào Đằng, mặc dù chỉ là con nuôi. Còn việc Tào Tháo nhận Tào Tham hay Tào Thúc Chấn Đạc làm dòng họ chẳng qua chỉ là “thấy người sang, bắt quàng làm họ”, dù cả hai họ Tào đều gốc ở nước Bái.
Ẩn ức của Trần Thọ
Kết quả nghiên cứu ADN cho thấy sự gần gũi huyết thống giữa hai cha con nuôi Tào Đằng – Tào Tung, nhưng cũng chưa đủ để bác bỏ sự gần gũi huyết thống giữa hai nhà Tào – Hạ Hầu (không có thử nghiệm ADN của hậu duệ họ Hạ Hầu trong nghiên cứu này).
Bản đồ họ Tào. Những người có bộ nhiễm sắc thể O2-M268 mới thực là con cháu Tào Tháo. |
Mà điều này lại có rất nhiều bằng chứng. Ngụy lược cho biết văn thần nước Ngụy là Hạo Chu từng gọi họ Hạ Hầu là tông tộc và khuyên Tôn Quyền nên liên hôn. Ngụy thư cho biết khi Hạ Hầu Đôn chết, Ngụy Văn đế phát tang ở ngoài cửa thành. Tôn Thịnh thời Đông Tấn chê rằng đó là làm trái lễ khóc đối với người trong họ.
Lại nữa, khoảng năm 1974-1979, tại huyện Hào ở An Huy phát hiện thấy gạch trong mộ của dòng họ Tào. Trên gạch có khắc chữ “Hạ Hầu hữu”. Vì thế, Ngô Kim Hoa cho rằng việc Tào Tung có gốc từ họ Hạ Hầu “không phải chỉ là lời đồn đại của nước địch”, mà ngược lại đây là chuyện mà mọi người đều cùng biết.
Vấn đề nằm ở chỗ Trần Thọ cũng thừa biết điều này, nhưng lại làm bộ ngây thơ. Phan Mi, Diêu Phạm, Chương Học Thành đều chỉ ra rằng mặc dù Thọ nói “chẳng biết rõ gốc gác”, nhưng ông ta lại gộp truyện của người họ Hạ Hầu với người họ Tào làm một quyển, gọi là Chư Hạ Hầu, Tào truyện, thì “rõ ràng đã lấy họ Hạ Hầu làm tông tộc rồi”.
Tuy vẫn có ý kiến cho rằng Trần Thọ gộp hai họ vào một truyện là vì hai nhà vốn đời đời thông hôn và viết như thế là để làm sáng tỏ nguồn cơn việc hưng vong của họ Tào. Tuy nhiên Trần Thọ lại lấy truyện của Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên xếp trên truyện của bọn Tào Nhân (ông của Tào Nhân là anh Tào Đằng), rõ ràng có ý đề cao họ Hạ Hầu lên trên họ Tào.
Đó chẳng phải là ám chỉ họ Hạ Hầu mới là họ gốc thì là gì? Nếu thừa biết như thế thì sao Trần Thọ phải giấu? Đó là vì họ Tào đã làm trái luân thường.
Họ Tào và họ Hạ Hầu thường gả con qua lại cho nhau. Đó vốn là việc không hợp với lễ pháp, gần như là loạn luân (“Tháo tuy quỷ quyệt, mà cớ gì lại ô loạn đến như thế đây?) Diêu Phạm và Chu Thọ Xuân cùng dẫn ra câu chuyện của Trần Kiểu.
Trần Kiểu là quan dưới quyền Tào Tháo. Kiểu vốn họ Lưu, rồi sau được đưa sang làm con nuôi cho người cô, nên đổi họ Trần. Trần Kiểu lại cưới con gái Lưu Tụng. Tụng vốn là thân thích gần gũi của Kiểu. Ngụy thị xuân thu cho biết Từ Tuyên thường lấy việc đó ra chê bai, mà triều đình cũng hết sức dị nghị.
Tào Tháo vì thế mà ra lệnh cấm bàn luận những chuyện từ năm Kiến An thứ nhất trở về trước, nếu đem ra bàn luận mà phỉ báng thì sẽ coi đó là tội danh mà xử trị. Tào Tháo sỡ dĩ mạnh tay như thế không phải chỉ vì “muốn giữ toàn vẹn cho Kiểu”, mà chẳng qua “chỉ sợ dựa vào chuyện cùng họ mà kết hôn; cấm người ta bàn ắt là vì việc riêng mình thôi”.
Trên thực tế, xung quanh vấn đề nguồn gốc gia tộc của Tào Tháo có rất nhiều khuất tất. Điều này lại còn có liên quan tới tầng lớp xuất thân của họ Tào. Đó là vấn đề gì?