Bí mật ngọn núi đến nhà thám hiểm nước ngoài cũng... "chào thua"

Chưa ai lên được đỉnh Ngọc Linh, vì thế, đến giờ nó vẫn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa thể khám phá. Đồng bào Xê Đăng đều cho rằng đỉnh núi có yểm một lời nguyền cổ đại nào đó, không cho người lạ xâm phạm. Dù biết đó là điều không thực, vẫn phần nào thấy được sự bí ẩn ngàn năm của đỉnh núi thiêng...

Đỉnh Ngọc Linh, ngọn núi cao thứ hai Việt Nam, nơi giáp ranh của 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum) hàng ngàn năm qua vẫn chưa ai có thể chinh phục. Ẩn chứa trong đó là nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp.

Đỉnh Ngọc Linh nơi chưa một dấu chân người
Đỉnh Ngọc Linh chưa một dấu chân người

Thiết bị điện tử cứ “mon men” đến núi là “tịt ngóm”

Phải mất hơn một ngày cuốc bộ qua những đường dốc khúc khuỷu, một bên là vực sâu thẳm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng, mới vào được đến Mường Hoong, một xã thuộc khu vực chân núi Ngọc Linh. Phía xa xa, núi non hùng vĩ trập trùng mây trắng xoá.

Là ngọn núi cao thứ hai Việt Nam, đỉnh Ngọc Linh, ngọn núi kỳ bí của người Xê Đăng ở Kon Tum vẫn là nơi chưa từng có ai chinh phục được. Mấy trăm năm qua, núi Ngọc Linh vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp.

Anh A Diếu, cán bộ địa chính xã Mường Hoong, từng nhiều lần dẫn các đoàn thám hiểm người Nga chinh phục núi Ngọc Linh khẳng định: “Chưa một ai trên thế giới này đi lên được đỉnh núi. Hàng trăm năm nay, người dân địa phương dù cố gắng tìm mọi cách mà vẫn chưa ai lên đó được. Tôi đã dẫn nhiều đoàn thám hiểm cả trong nước và quốc tế đi chinh phục Ngọc Linh nhưng đều thất bại, phải trở về. Một số người nói mình đã lên được đỉnh núi, chẳng qua mới lên mấy cái núi ven rìa thôi”.

Theo anh A Diếu, công sức của hàng trăm đoàn thám hiểm đều trở thành vô vọng trước ngọn núi bí ẩn, kỳ lạ bậc nhất trần gian này. Máy móc, các thiết bị định vị, máy ảnh, camera… dù hiện đại đến đâu, khi mang đến núi Ngọc Linh đều không thể sử dụng được.

Anh A Diếu cho biết: “Đặc biệt là các đoàn thám hiểm nước ngoài, họ đem theo nhiều máy móc lắm, máy ảnh, máy quay phim, ống nhòm điện tử… nhưng kỳ lạ là khi mở máy để chụp ảnh, quay phim, vào ảnh tuyệt nhiên chỉ là một màu trắng xoá, chẳng thấy núi non gì hết”.

Thậm chí, quân đội từng vào khảo sát địa chất khí hậu núi Ngọc Linh, dùng cả máy bay trực thăng cũng không thể nào bay qua đây được. Theo lời kể lại của các phi công, khi máy bay đi vào khu vực thung lũng chân núi Ngọc Linh, đều gặp phải một lực hút bí ẩn dưới đất khiến máy bay chao đảo, đành phải hạ cánh khẩn cấp.

Anh A Diếu hiện vẫn là người giữ kỷ lục về số lần đi chinh phục Ngọc Linh bất thành. Là cán bộ địa chính xã lâu năm, hầu như các đoàn cán bộ từ trung ương đến địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến đây, đều nhờ anh làm người dẫn đường. Mười mấy năm qua, sau hàng trăm chuyến tháp tùng, anh xác nhận mình chưa một lần nào vượt qua được khu rừng sâm ở thung lũng chân núi. Cứ đến đó, dường như có một sức mạnh kỳ bí nào đó ngăn cản.

Lần gần đây nhất, một đoàn thám hiểm có ý định chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh gặp thất bại là vào năm 2011. Đó là đoàn thám hiểm người Nga đi cùng một đoàn khách du lịch ở Sài Gòn.

Với công cụ hiện đại của người leo núi, họ dễ dàng vượt qua khu rừng giáp ranh dưới chân núi. Tuy nhiên, khi đến thung lũng, trời đất bỗng tối sầm, cây rừng đổ xuống ngả nghiêng, rồi cơn mưa đá, hạt nào hạt nấy to bằng nắm tay ào ào trút chặn lối lên núi. Loay hoay hết một ngày không đi tiếp được, họ đành chấp nhận quay về.

Điều kỳ lạ nhất mà A Diếu và những người dân sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh, không thể cắt nghĩa, đó là ngay sau khi đoàn thám hiểm chấp nhận bỏ cuộc, thời tiết bỗng trở lại bình thường, mưa tạnh nắng ráo như chưa hề có cơn giông tối sầm trời đất trước đó.

Một điểm nữa kỳ lạ nữa, điều này không chỉ xảy ra tại khu vực chân núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Đăk Glei- Kon Tum, mà còn với cả các khu vực khác ở chân núi.

Anh A Ding, trưởng công an xã Mường Hoong cho biết: “Các nơi khác dưới chân núi Ngọc Linh, như phía Tu Mơ Rông hay Nam Trà My, cũng chưa có ai đi lên được núi Ngọc Linh. Dân đi tìm sâm xa lắm cũng chỉ vào được khu rừng sâm dưới chân núi thôi chứ không thể nào đi sâu hơn được”.

Thung lũng ảo giác “nhốt” tất cả những người dám bén mảng

Thung lũng Ngọc Reo, nơi giáp ranh với chân núi Ngọc Linh còn được biết đến là nơi kỳ lạ với nhiều điều huyền hoặc không thể lý giải. Từ trung tâm xã Ngọc Linh nhìn lên, bằng mắt thường, ai cũng thấy thung lũng Ngọc Reo có vẻ rất gần. Thế nhưng đó chỉ là ảo giác, bởi thực chất phải mất một ngày trời mới đi đến nơi, mặc dù lối đi không quá khó khăn.

Bản làng dưới chân núi Ngọc Linh hàng ngàn năm qua biết bao lần chinh phục đỉnh núi bất thành
Người dân bản làng dưới chân núi Ngọc Linh hàng ngàn năm qua biết bao lần chinh phục đỉnh núi bất thành.

Nhìn từ xa, thung lũng Ngọc Reo có độ cao thấp hơn hẳn so với hai ngọn núi kế sát bên cạnh, trong giống như một lỗ khoét hõm xuống. Tuy nhiên, khi lên đến khu vực thung lũng, mới thấy nơi này cao hơn nhiều so với hai ngọn núi kia.

Điều này, bao nhiêu năm nay vẫn là một bí ẩn gây sự tò mò cho các nhà khoa học nước ngoài cũng như các đoàn thám hiểm. Cũng bởi sự kỳ lạ về ảo giác ấy, một nhà khoa học người Nga là Mikhain Dimitrov đã cất công nhiều lần bay sang Việt Nam để khảo sát núi Ngọc Linh, tuy thế, chưa lần nào thành công.

Trưởng công an xã Mường Hoong kể lại: “Ngày bé, mình đi tìm sâm, nhiều lần lên thung lũng đó. Nhớ cái lần đầu tiên, khi ấy khu rừng giáp ranh cây cối còn um tùm, rậm rạp. Mò lên đến sát thung lũng, khi trèo lên cây thông tìm lối đi, nhìn xuống mới tá hoả nhận ra hai ngọn núi hai bên thấp hơn nhiều.

Hoảng quá, tưởng bị ma ám, mình bỏ chuyến đi tìm sâm chạy xuống núi. Về nhà kể lại cho người lớn, họ đều bật cười. Hóa ra chẳng phải mỗi mình mình biết, mà ai từng lên thung lũng cũng biết sự lạ đó”.

Anh A Diếu còn cho biết thêm, la bàn khi lên đến thung lũng Ngọc Reo bỗng trở nên vô hiệu. Kim chỉ hướng không nhúc nhích, không xác định được phương hướng Nam - Bắc. A Diếu kể lại, có lần anh cùng nhà khoa học Mikhain Dimitrov cùng hơn 10 người Nga nảy ra kế sách lần cây tìm đường lên núi.

A Diếu dùng dao vạch ngang thân cây làm dấu điểm khởi đầu. Sau đó, đoàn người dùng dao phạt cây cỏ theo hướng ngang, lần tìm lối đi. Lạ thay, đi mãi rồi lại cứ quay trở về điểm khởi đầu, nơi cái cây mà A Diếu làm dấu. Thử đi thử lại suốt cả một ngày, kết quả đều như vậy.

Người duy nhất cho đến giờ đã vượt qua được khoảng 1 km khu vực thung lũng Ngọc Reo là ông A Uôm, già làng Long Năng. Theo già làng, sau khi vô tình đi qua được khu vực thung lũng, ông hoàn toàn không thể nào xác định được phương hướng.

“Bốn bề sương mù dày đặc, đất lún xuống dưới chân, cây rừng rậm rạp um tùm chen lẫn lối đi, mặt trời lúc nào cũng nằm trên đỉnh đầu khiến người ta không thể nào xác định phương hướng”, già làng cho biết. Cũng từ sau chuyến đi ấy, già làng A Uôm không lần nào dám quay lại thung lũng Ngọc Linh nữa.

Kết quả, già làng bị lạc mất 5 ngày trong rừng mới tìm được đường về được nhà. Những gì ông kể lại cho mọi người cũng chính là những điều mơ hồ duy nhất mà người dân biết về núi Ngọc Linh.

Chưa ai lên được đỉnh Ngọc Linh, vì thế, đến giờ nó vẫn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa thể khám phá. Đồng bào Xê Đăng đều cho rằng đỉnh núi có yểm một lời nguyền cổ đại nào đó, không cho người lạ xâm phạm. Dù biết đó là điều không thực, vẫn phần nào thấy được sự bí ẩn ngàn năm của đỉnh núi thiêng.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm