Đây là hội đua ngựa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc “độc nhất vô nhị” ở miền Trung - Tây Nguyên diễn ra trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Vó ngựa tung trời
Ở tỉnh Phú Yên, mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã thành thông lệ, người người rủ nhau lên gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) xem đua ngựa. Không nhớ rõ môn đua ngựa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng những ngày mới giải phóng ở vùng núi này ngày Tết vắng vẻ lắm, vậy là thanh niên rủ nhau dắt ngựa ra gò Thì Thùng để đua với nhau.
Gò Thì Thùng bằng phẳng và rộng mênh mông, mọc đầy hoa sim tím. Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Những cô gái trong làng đến xem cũng hái những bó hoa rừng quanh đấy tặng cho người chiến thắng trong cuộc đua. Rồi thôn này thi với thôn kia, đến nay hội đua ngựa đã lan rộng ra toàn tỉnh Phú Yên.
Ngày 24/2 (tức mùng 9 tháng Giêng âm lịch), hội đua ngựa Gò Thì Thùng Xuân Mậu Tuất diễn ra với 32 ngựa tham gia. Sau hồi trống lệnh, đoàn diễu hành đã đi quanh sân để chào khán giả. Hàng ngàn người đã cổ vũ cho các kỵ sĩ. Kỵ sĩ trẻ nhất trong hội đua khoảng 20 tuổi, và người lớn tuổi nhất phải tới 60 tuổi, kể cả những người có thâm niên 30, 40 năm đua ngựa.
Có điều khá lạ là chiến mã tham gia cuộc đua chủ yếu là ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để ... làm cảnh, không cho tham gia đua. Các kỵ sĩ chính là những nông dân chân lấm tay bùn. Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua hấp dẫn. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ đã làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.
Thích thú khi xem đua ngựa ở gò Thì Thùng, anh Phan Thanh Bình (ở TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), cho biết: “Gia đình tôi đến xem hội đua ngựa từ rất sớm. Xem những kỵ sĩ già có, trẻ có điều khiển những con ngựa thường ngày vẫn thồ hàng, kéo cày nay chạy trên đường đua, khán giả nhiều phen nín thở khi có ngựa chạy quá đà lao ra khỏi sân, phi thẳng về phía rào chắn, có lúc lại thót tim khi có người ngã ngựa… Nhưng nhiều hơn cả đó là tiếng hò reo khi ngựa tăng tốc phi nước đại về đích. Rất thú vị”.
“Qua các vòng đua, tôi thấy ngựa chạy rất hay. Nhiều ngựa phi nước đại đua nhau về đích, hấp dẫn không kém gì những cuộc đua chuyên nghiệp. Ở hội đua này cũng có những cảnh rất vui khi ngựa đua bỏ kỵ sĩ hay ngựa chạy vào khu vực bên trong khán đài”, chị Trần Thị Duyên (ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cho biết.
|
Những chiến mã phi nước đại trên đường đua |
Kết thúc hội đua, giải nhất thuộc về kỵ sĩ Lê Thành Trung (xã An Hiệp, huyện Tuy An) cùng ngựa đua số 01. “Ban đầu những nhà tuyển chọn của xã An Hiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những chú ngựa có nhiều kinh nghiệm nhằm mang về chiến thắng cho địa phương. Con ngựa của tôi chỉ được chọn làm nền thôi, vậy mà khi vào cuộc không ai nghĩ nó lại có khiếu chạy đua đến vậy”, kỵ sĩ Trung tâm sự.
Ông Đặng Văn Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, Trưởng ban tổ chức hội đua, cho biết: “Phần thưởng cho người và ngựa về nhất là một khoản tiền nhỏ mang tính tượng trưng. Cái được lớn nhất là cả người thua, người thắng lẫn người đi cổ vũ đều có rất nhiều niềm vui ngày đầu xuân. Năm thời tiết thuận lợi, lượng du khách đến xem hội rất đông. Bên cạnh đó, công tác tổ chức được chuẩn bị rất chu đáo nên an ninh trật tự ổn định, các lượt đua diễn ra an toàn và hấp dẫn”.
1 trong 3 địa đạo lớn của cả nước
Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) về hướng tây 15km, cao nguyên gò Thì Thùng (xã An Xuân) có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, cây xanh trái ngọt hiền hòa. Trên đỉnh cao nguyên này, có một mặt bằng gò bãi rộng lớn và một hệ thống hầm địa đạo của quân và dân Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Hệ thống hầm địa đạo này đã góp bao trận đánh làm rúng động kẻ thù và làm nên những chiến công vang dội của quân và dân ta.
Ngày đó, trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Chỉ huy quân sự Khu V quyết định đào địa đạo tại gò Thì Thùng. Công trình khởi công vào ngày 10/5/1964. Tỉnh đội Phú Yên và Huyện đội Tuy An trực tiếp chỉ huy cho các xã An Xuân, An Định, An Nghiệp đào địa đạo. Đến tháng 8/1965, địa đạo gò Thì Thùng hoàn thành, với tổng chiều dài là 1.948m xuyên qua gò Thì Thùng, sâu 4,5m, rộng 0,8m.
Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là một hệ thống dây thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Khi có địch, quân ta xuất hiện để đánh, đánh xong thì rút xuống, địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn.
Khi thất bại nặng trên chiến trường, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tại cao nguyên An Xuân đã diễn ra nhiều trận càn ác liệt, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công vang dội góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam.
Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Thế nhưng hiện nay, những khoảng đất của chiến trường xưa đã xanh dần, các dãy nhà mới mọc lên, cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện.
Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (tỉnh Quảng Trị), địa đạo gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta.
Người dân xã An Xuân vẫn không nguôi kỳ vọng, ước mơ rằng di tích lịch sử trên quê hương mình sẽ được trùng tu nhiều hơn nữa để trở thành một địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Điều ước của họ hoàn toàn có cơ sở, bởi nơi đây hội tụ được 3 cái nhất mà không nơi nào có được: có di tích địa đạo gò Thì Thùng, có hội đua ngựa truyền thống, có một con đường rộng lớn dài khoảng 10km thông suốt nối dài từ xã An Xuân đến Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa).