Anh An cho biết: “Năm 2008 vợ chồng tôi ly hôn, theo quyết định của tòa án thì vợ tôi có quyền nuôi 3 con chung, còn tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng. Những lúc con bị ốm, cho dù cảm nhẹ, bị đau răng... vợ tôi và mẹ vợ luôn tìm lý do gọi điện bắt tôi phải đến chăm con, đưa con đi viện. Vì bận việc, không xin nghỉ được nên tôi từ chối thì vợ và mẹ vợ tôi lại lấy lý do đó để ngăn cản tôi thăm con. Nhiều lần gia đình có đám tiệc, cúng giỗ tôi đều liên hệ trước để xin đón con về tham dự, ban đầu thì mẹ vợ tôi đồng ý (vợ tôi lúc đó đi tù vì lý do gì không rõ), nhưng khi tôi đến đón thì lại bị đóng cửa, tắt điện thoại, tôi gọi nhiều lần cũng không mở cửa.
Khi vợ tôi ra tù, tôi đến nói chuyện và thương lượng sẽ tăng tiền trợ cấp nhưng với điều kiện phải đảm bảo quyền thăm con của tôi. Vợ tôi đồng ý, nhưng sau khi tôi liên lạc đón con thì bị mẹ vợ ngăn cản, còn hăm dọa mấy đứa nhỏ nên không đứa nào dám đi với tôi. Vợ tôi nói cho phép tôi đón con, nhưng do không đứa nào chịu theo tôi chứ không phải cấm tôi đón con. Vậy tôi phải làm thế nào, xin Quý Báo tư vấn giúp để tôi không bị ngăn cản việc thăm con.
Trường hợp của anh An, Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn (Cty Luật Newvision) cho biết: Theo Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn quy định như sau:
1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. 2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.
Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.
Quyền thăm nom con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 94, theo đó sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, lỗi đầu tiên thuộc về anh. Khi con đau ốm cần sự chăm sóc của người cha thì anh lại phó mặc cho gia đình bên vợ nuôi dưỡng, chịu mọi cực khổ mà không làm tròn trách nhiệm của người cha thì làm sao bên vợ đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của anh được? Và đó chính là cái cớ để họ tác động đến con làm cho chúng không dám hoặc không muốn gặp anh nữa. Điều cần thiết với anh bây giờ là phải nhận ra cái sai và sửa sai, cố gắng thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự tận tụy hy sinh của người cha thì gia đình bên vợ và các con anh sẽ nhận ra và sẽ tự động đến với anh mà thôi. Anh nên lưu ý, bên vợ anh đang nuôi dưỡng tới ba người con chứ không phải chỉ một người con cho anh và như vậy trách nhiệm rất nặng nề và cực nhọc. Anh đừng nghĩ đơn giản rằng hàng tháng cứ gửi tiền cấp dưỡng là xong trách nhiệm.