Dạy cách tiết kiệm cho bé
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, ai cũng muốn có được một ngôi nhà khang trang, một cuộc sống đầy đủ, sung túc cùng gia đình nhỏ. Với người có sẵn điều kiện về kinh tế thì rất dể dàng nhưng đối với các đôi vợ chồng khi đến với nhau chỉ có hai bàn “tay trắng” rồi cùng nhau gây dựng lên tất cả thì cả là một vấn đề lớn.
Chị Hồng Tím ở Cần Thơ cho biết, từ lúc lập gia đình để có tiền đóng tiền thuê nhà trọ hàng tháng, chị phải tiết kiệm từng chút một, thậm chí vay mượn bạn bè. Hai vợ chồng tổng thu nhập mỗi tháng gần 8 triệu nhưng cứ cuối tháng là hết tiền, chẳng dư được bao nhiêu. Khi chưa có con hai vợ chồng tiêu từ 5-6 triệu/tháng nhưng khi con ra đời, dù đã tiết kiệm lắm nhưng vẫn hết sạch tiền lương và phải đi mượn.
Vì thế, gia đình chị quyết định chuyển vào khu dân cư ở để có thể tiết kiệm phần tiền thuê phòng trọ. Chồng chị đang làm tài xế lái taxi Cần Thơ lương 5 triệu/tháng. Còn chị làm giáo viên tiểu học cũng chẳng khá hơn; thời gian rãnh, chị nhận may vá quần áo thuê để kiếm thêm một ít thu nhập. Với số tiền tích góp 7 năm sau khi lập gia đình vợ chồng chị mua được căn nhà trong một khu dân cư khanh trang và trang hoàng đầy đủ nội thất, các vật dụng thiết yếu trong nhà.
Chị Tím tâm sự, sống trên đời ai mà không muốn chi tiêu thoải mái nhưng vì thu nhập thấp, lại phải chi tiêu đủ mọi thứ, ngày càng phát sinh ra nhiều khoản chi mới nên gia đình luôn phải cắt giảm chi tiêu những khoản không quan trọng như mua sắm, du lịch... Để có một cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay, ngoài việc có kế hoạch chi tiêu hợp lý ra thì mọi thành viên trong gia đình còn hình thành thói tiết kiệm, hiểu biết về tài chính để có cách chi tiêu hợp lý đặc biệt là ở trẻ con, ngày từ bé.
Giáo dục từ những hành động nhỏ
Ngay từ khi cháu còn rất nhỏ vợ chồng chị đã tập dần cho cháu hình thành tư duy tiết kiệm tiền chi tiêu. Chị Tím chia sẻ, năm nay bé đã được 11 tuổi nhưng hàng ngày vợ chồng tôi luôn nhắc nhở con chú ý tới việc tiết kiệm điện, nước, thức ăn… dần dần bé đã biết tự giác vặn vòi nước vừa phải, tắt vòi khi không sử dụng, tắt đèn khi ra khỏi phòng, tận dụng ánh sáng từ mặt trời mà không lạm dụng đèn điện quá mức…
Bên cạnh đó, lúc nào cha mẹ cũng phải làm gương về tính tiết kiệm để con trẻ học hỏi theo như: không mua sắm lãng phí, chỉ mua những đồ dùng cần thiết và tái chế các đồ vật khi vẫn có thể sử dụng, sử dụng đồ cũ khi còn có thể. Mỗi lần dẫn con đi chơi, mua sắm vợ chồng tôi cho con một số tiền nhất định bé có thể dùng để mua đồ chơi, ăn uống nhưng chỉ tiêu sài trong số tiền quy định. Chồng tôi còn sắm cho con sổ chi tiêu để bé ghi chép hàng tháng nhận bao nhiêu, chi cho cái gì, còn lại bao nhiêu để con biết cách lên kế hoạch để quản lý tiền.
Khi đi chơi xa, bé sẽ được cho chừng 40 ngàn để tự mua nước uống, đồ ăn vặt ưa thích, chơi gì đó tự do. Nếu bé tiêu hết ngay lập tức thì đành chịu chứ không cho thêm. Cha cháu thì nghiêm khắc vì đã được dạy từ bé và rõ ràng là có ý thức hơn. Tôi thì đôi khi vẫn tùy hứng, nghĩ làm cho con vui thì tiếc gì vài ba chục ngàn mà không mua cho con chai nước, cây kem...
Tuy nhiên, đó lại chính là hành động tùy tiện phá vỡ tính kỷ luật cần có để bảo đảm thực hiện kế hoạch do chính mình đề ra. Vì thế, đôi khi tôi vẫn hậm hực và cáu với ông xã, nhưng nghiệm lại, tôi nghĩ dạy cho con nghiêm túc và thực sự có ý thức thì phải rất nghiêm, cái gì ra cái nấy, nếu không thì sẽ luôn tùy tiện, đến đâu hay đến đấy, rất bất ổn.
Ngoài ra, vợ chồng tôi còn có phương kế là nếu trẻ con muốn một kế hoạch nào đó liên quan đến tài chính thì buộc phải “lao động” để nhận được “thù lao” và tích lũy lại để đạt được món tiền cần có cho kế hoạch đó. Ví dụ, bé cần tiền để đi ăn kem, mua dụng cụ học hành, mua sắm quần áo,… thì mỗi ngày con bé đều đặn gấp quần áo đem tới chỗ đựng của gia đình, dọn dẹp góc học tập ngăn nắp, hay phụ mình lau nhà, lau bàn ăn... nói thiệt chỉ để bé lao động cho biết biết vậy thôi chứ tôi và cha cháu lúc nào cũng phải chờ con đi ngủ hoặc ra ngoài mà dọn dẹp lại theo ý mình – chị Tím chia sẻ.
Nhiều phụ huynh khác cùng lớp với con tôi cũng thực hiện theo kế hoạch này. Khi con lên Trung học cơ sở thì cho bé một khoản chừng 500 ngàn/ tháng. Bé phải tự chi tiêu cho cá nhân trọn vẹn ở trong đó từ mua đồ dùng lặt vặt cho học hành, mua sắm quần áo, giày dép... Nếu muốn mua khoản lớn thì các bé phải tiết kiệm hơn để có khoản lớn. Bằng những việc này, trẻ con dần dần hiểu được tiền nong không phải là vô giới hạn và phải biết chi tiêu trong khả năng của mình và biết hài lòng với khả năng đó.
Tuy nhiên để tránh sự lạnh lùng quá mức trong quan niệm về tiền nong, tôi vẫn khuyến khích cho con khi cần vẫn nên chia sẻ với bạn bè, mọi người chứ không quá khuôn khổ. Đồng thời luôn ủng hộ bé trong việc tặng tiền cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố như việc cho tiền người tàn tật xin ăn...
Tôi muốn con mình biết cân bằng tài chính và khéo léo trong chi tiêu nhưng tôi lại không muốn con bé quá chi li và coi trọng tiền nong hơn tình cảm con người. Làm chủ được tài chính cũng là một điều quan trọng. Khi làm chủ được tài chính thì sẽ biết hài lòng với những gì mình có hơn, hoặc nếu có khát vọng lớn hơn thì chỉ có cách là lao động tích cực để có nhiều hơn mà chi.
Nhiều chuyên gia về tâm lý cho rằng, trẻ em rất cần học đức tính tiết kiệm, vì đây là cách giúp trẻ học cách trân trọng những gì mình đang có, trân trọng công sức của cha mẹ từ đó có cảm giác biết ơn với gia đình. Đồng thời, học tiết kiệm cũng giúp trẻ hình thành nhân cách đạo đức, lối sống tốt đẹp: sống có kỷ luật, thái độ nghiêm túc với các vấn đề tài chính, định hướng cho trẻ tính cách độc lập, tự chủ trong tương lai. Nên dạy trẻ hình thành thói quen tiết kiệm, chi tiêu hợp lý ngay từ bé để bé sớm trưởng thành hơn và độc lập, phụ thuộc tài chính của cha mẹ./.