|
Thịt cóc không làm cẩn thận rất dễ bị ngộ độc |
Những tháng cuối năm, nhiều người vẫn đang hối hả với công việc của mình thì những người làm ruốc cóc ở Thọ An và Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn “đủng đỉnh”. Lý do là bởi trời lạnh, cóc không sinh sản được.
Phải đợi đến tháng sáu, mưa nhiều nước lên, cóc ra nhiều, nghề làm ruốc cóc mới sôi động nhộn nhịp.
Cụ Lê Văn Quý (xã Thọ An) được người dân coi là “ông tổ ruốc cóc” dù đã mất cách đây nhiều năm. Được biết, ban đầu cụ Quý chỉ thịt cóc cho con ăn, rồi dần dà làm ruốc cóc đem bán. Thấy cái nghề vừa giúp lũ trẻ hay ăn chóng lớn vừa kiếm được tiền, nhiều gia đình học cụ Quý làm theo rồi thành nghề mưu sinh chính của cả làng.
Lúc đầu họ đi bán ở Hà Nội, sáng đi tối về, sau họ tỏa ra tứ xứ, vào tận TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn…
Làm nghề này cứ rong ruổi trên đường, hôm thì đông khách, hôm thì chẳng ai mua nên người ta cũng tin vào chữ “may”. Cô Nguyễn Thị Viện (Thọ An) đã hơn chục năm gắn bó với nghề này chia sẻ: “Hôm nào may mắn nhiều khách mua thì được về sớm. Cũng nhiều hôm đến 5h chiều mới gặp khách”.
Làm thịt cóc là một công việc khá vất vả và nguy hiểm, bởi trên mình con cóc có chứa nhiều chất độc, dễ gây chết người. Người ta bắt được hoặc mua cóc sống về, nếu có thể thì để qua đêm mới thịt cho nhựa cóc khô đi, nếu đem thịt luôn thì nhựa cóc sẽ dính ra tay gây ngứa ngáy rất khó chịu.
Khi thịt, cóc được lột bỏ da, bỏ hết nội tạng, cắt bỏ đầu và bốn móng chân. Đây là công đoạn rất quan trọng, nếu làm không cẩn thận dễ làm chất độc từ các bộ phận trên dính vào thịt, khi ăn sẽ gây ngộ độc, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Với những con cóc cái, nhiều người không biết lấy trứng cho con ăn dẫn đến cái chết thương tâm không đáng có.
Sau công đoạn trên, đem cóc đi rửa sạch, bóp muối chanh, rồi lại đem đi rửa lại lần nữa bằng nước sôi mới cho vào hầm. Hầm đến khi thịt cóc chín nhừ thì đem đi giã. Bước cuối cùng là sao khô.
Cóc đực sẽ đạt ruốc hơn cóc cái. Để phân biệt được cóc đực, cóc cái, người trong nghề dựa vào phần da dưới ức cổ.
Là một nghề vất vả và nguy hiểm, những người theo nghề này không giấu nghề mà không ai dám làm. Cô Viện cho biết: “Chỉ những người ở Thọ An, Thọ Xuân này mới biết làm thôi. Còn ở nơi khác không ai biết làm, cũng chẳng ai dám làm công việc này”.
Cô Trần Thị Hùng (Thọ Xuân) cũng cho biết: “Trong thời gian vào bán ở miền Nam, mọi người nhìn cách tôi thịt cóc nhưng vẫn không ai dám làm. Họ sợ làm không cẩn thận sẽ dính chất độc”.
Khi được hỏi có khi nào thịt cóc bị nhiễm độc không, cô khẳng định dứt khoát: “Mình biết cách làm thì nhiễm độc làm sao được. Hơn nữa, làm nghề này nếu làm không cẩn thận, người ta ăn vào ngộ độc rồi kiện mình đi tù như chơi”.
Cô Hùng chia sẻ thêm: “Làm cho khách xong họ toàn bắt tôi phải ăn trước. Có gia đình ở Hưng Yên còn yêu cầu viết giấy cam kết, phô tô mỗi người cầm một bản. Đến lúc cho con ăn, được tháng hay hơn tháng, thấy không việc gì mới gọi đến làm tiếp”.
Ruốc cóc hay ruốc ngô?
Nghề làm ruốc cóc đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều gia đình ở Thọ An và Thọ Xuân. Nghề này không cần nhiều vốn, chỉ cần khỏe mạnh và cẩn thận. Ngoài làm ruốc bán cho người dân, cóc còn được sấy khô bán cho các công ty dược hoặc bán cho những người nuôi rắn…
Hiện giá ruốc cóc trên dưới 100 ngàn đồng một lạng.
Vào mùa cóc sinh sôi, giá thành sẽ giảm xuống, còn khi trời lạnh, giá sẽ lên cao do cóc khan hiếm. Cóc là loài động vật rất khó nuôi nên trong quá trình vận chuyển hoặc bán không hết chúng sẽ chết dần, người ta phải vứt bỏ. Giá thành đã cao lại càng cao là vì thế.
Gần đây, khi số lượng cóc khan hiếm dần, cũng vì chạy theo lợi nhuận, một số người đã trộn thêm bột ngô vào ruốc cóc, thay vì chỉ toàn là thịt cóc như trước đây. Tuy nhiên, theo một người chuyên làm ruốc cóc thì để mua được ruốc cóc thật, khách có thể mua cóc còn sống rồi bảo họ làm thịt tại nhà.
Trong quá trình làm thịt tại nhà thì phải để ý thật sát sao từng công đoạn họ làm, tránh trường hợp ruốc cóc biến thành ruốc ngô”.