Cơm là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình Việt. Nấu cơm là chuyện dễ như trở bàn tay nhưng cũng có khi cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật, lắm công phu để có được nồi cơm tơi, ngon, chín đều.
Ngoài những tiêu chí trên, chúng ta còn phải hết sức cẩn thận trong khâu bảo quản sau khi ăn để cơm thừa không bị ôi thiu, hỏng, nhất là trong giai đoạn mùa hè nắng, nóng. Cơm thiu chẳng thể ăn được, phải vứt đi rất phung phí. Nhưng bạn biết không, chỉ cần lưu ý những vấn đề sau, bạn sẽ tránh được tình trạng cơm bị thiu.
Đầu tiên, nồi và nắp nồi cơm phải hoàn toàn sạch. Bạn nên rửa nồi hãy nấu cơm mới, sử dụng nồi đã nấu cơm chưa rửa sạch, cơm sẽ rất dễ bị ôi, thiu, chẳng thể dùng được nữa. Sau đó, khi tiến hành vo gạo, nếu gạo bị mốc, bạn nên vo kỹ, còn nếu là gạo mới, bạn chỉ cần vo sơ thôi.
Ông bà xưa đã có mẹo rất hay để giúp cơm lâu thiu hơn so với bình thường chỉ nhờ thêm vào 1 loại gia vị mà nhà nào cũng có. Đó chính là muối. Khi vo gạo, bạn cũng cần cho một nhúm muối nhỏ vào thau nước vo gạo sẽ giúp cơm lâu bị thiu sau khi nấu. Khi nấu cơm, bạn lại cho thêm 1 chút muối vào nồi. Khi cho muối vào, nồi cơm sẽ bảo quản được lâu hơn, giúp cơm đậm đà, ăn rất ngon miệng.
Cơm sau khi đã nấu chín nếu chưa ăn ngay thì bạn chỉ để trong nồi cơm điện, đừng lấy ra ngay. Chế độ warm sẽ giữ cơm vẫn còn nóng, không bị các vi khuẩn xâm nhập vào. Đến khi ăn, bạn hãy lấy nồi cơm ra rồi xới cơm như bình thường.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, một khi đã nhấc nồi cơm ra khỏi bếp, cơm chỉ để được ở nhiệt độ phòng tối đa là 5 tiếng đồng hồ mà thôi. Quá thời gian này, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơm rất dễ thiu. Trong vòng 5 tiếng đồng hồ này, bạn đừng đậy nồi cơm bằng vung vì cơm sẽ dễ ôi thiu. Thay vào đó bạn nên đậy bằng rổ rá hoặc nắp đậy dạng lưới, như vậy nồi cơm sẽ thoáng hơn.
Để bảo quản cơm lâu hơn, bạn nên cho cơm vào hộp sạch, kín, rồi cất vào tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu cơm đã để ở nhiệt độ phòng hơn 6 giờ đồng hồ hoặc trong ngăn mát tủ lạnh hơn 24 giờ thì bạn đừng nên sử dụng.
Cuối cùng, sau khi ăn, nếu cơm còn thừa trong nồi, hãy cắm điện cho nồi cơm, bật nút nấu khoảng 2 đến 3 phút là tắt bếp. Vì sao phải nấu cơm lại? Đó là vì trong lúc chúng ta dùng đũa, thìa để lấy cơm, vi khuẩn từ đũa, thìa có thể xâm nhập vào nồi cơ, cơm sẽ dễ bị thiu hơn.
Còn nếu bạn nấu cơm lại một lần nữa, cơm lúc này đã được nấu ở nhiệt độ khoảng 80 độ C. Như vậy thì vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, giúp cơm lâu thiu hơn. Sau đó khi cơm nguội, bạn có thể cất vào tủ lạnh để bảo quản.