Bị tàu lạ tấn công, Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, Kiên Giang đề nghị được bảo vệ

(PLO) - Mới đây, 5 tàu cá cùng 75 ngư dân Kiên Giang bị tàu lạ có vũ trang bắt trên vùng biển tiếp giáp với Indonesia. Hội nghề cá Kiên Giang đang làm hết sức để bảo vệ hội viên, nhưng xem ra lực bất tòng tâm...
Các ngư dân đang trình bày về sự việc xảy ra
Các ngư dân đang trình bày về sự việc xảy ra

Bị bắt trên "sân nhà"?

Ngày 20/4/2017 Báo Pháp luật Việt nam nhận được báo cáo số 01/BC-HNC của Hội nghề cá (HNC) thành phố Rạch giá tỉnh Kiên Giang. Báo cáo này, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch HNC thành phố Rạch Giá gửi đến các Sở, ngành liên quan của tỉnh Kiên giang và Trung ương như: Sở NN &PTNT, Bộ NN&PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đề nghị được bảo vệ.

Theo đó, trưa ngày 13/4/2017, có 3 đội tàu gồm 6 tàu cá của HNC Kiên Giang đang đánh bắt hải sản tại vùng biển có tọa độ từ 06 độ 26 phút- 06 độ 30 phút vĩ độ bắc và 106 độ 21 phút- 106 độ 25 phút kinh độ đông, thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam thì bị tàu có vũ trang của Indonesia truy đuổi và bắt giữ 5 tàu cá, có 1 tàu chạy thoát về Việt nam.

Vị trí tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Indonesia khống chế, bắt giữ cách đường ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt nam và Indonesia vào khoảng 10-12 hải lý về phía biển Việt Nam...

Báo cáo của Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, Kiên Giang
Báo cáo của Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, Kiên Giang

Ngày 25/4/2017, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, thuyền trưởng Phạm Thanh Đông, thuyền trưởng tàu cá KG-92729-TS, tàu của thuyền trưởng Đông là tàu duy nhất chạy thoát về Việt Nam. Thuyền trưởng Đông kể lại vụ việc: Khoảng 11 giờ trưa ngày 13/4/2017, nghe tin báo qua bộ đàm của các tàu đánh bắt chung quanh vùng biển với mình là có tàu vũ trang lạ đang rượt đuổi tất cả các tàu đánh cá Việt nam. Nhìn qua ống nhòm, cách khoảng 4 hải lý về hướng đông, tôi thấy một tàu sắt có vũ trang. Tôi ra lệnh cho thủy thủ đoàn chặt bỏ lưới khỏi tàu và chạy về hướng bắc để vào sâu trong lãnh hải Việt nam. Lúc đó, tàu của tôi là tàu đực chạy với tốc độ khoảng 10-11 hải lý/giờ (một hải lý là 1852 mét), chạy khoảng 15-20 phút thì bị tàu lạ đuổi kịp nhưng họ không bắt tàu tôi mà chỉ đuổi theo bắt tàu cái mặc dù tàu cái luôn có tốc độ lớn hơn tàu đực, máy tàu cái trên 1.200 mã lực.

Anh Đông lý giải vấn đề họ luôn đuổi bắt tàu cái là vì "tàu cái có giá trị lớn gấp mấy lần tàu đực. Bởi tàu cái chở ngư cụ, nhu yếu phẩm hậu cần và thành phẩm đánh bắt được, giá trị chiếc tàu cái trên 10 tỷ đồng. Chiếc tàu cái của tôi bị bắt là tàu KG-95359-TS cùng 4 chiếc khác của bạn tàu khác đang đánh bắt cùng vùng biển hai tàu của tôi.  Tôi điện đàm báo với đồn biên phòng Tây yên-An biên-Kiên giang và mở máy cho tàu chạy hết tốc lực về đồn biên phòng Tây yên. 2 ngày sau tàu cập cảng đồn biên phòng, tôi trình báo và đồn biên phòng đã lập biên bản vụ việc cùng với chứng cứ là máy định vị lưu lại hành trình của tàu". 

 Cần làm gì để bảo vệ ngư dân?

Để chứng minh các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt nam. Chủ tàu cá KG- 92729- TS lấy máy định vị lưu lại hành trình đánh bắt của tàu chạy thoát về Việt nam chứng minh. Vệt tàu đi suốt hành trình là 10 độ 44 phút 9437 vĩ độ bắc, 106 độ 44 phút 4437 kinh độ đông. Vị trí điểm cộng, vị trí đánh bắt cuối cùng của của tàu là 06 độ 28 phút 489 vĩ độ bắc, 106 độ 22 phút 290 kinh độ đông. Theo lý giải của thuyền trưởng Đông, lúc tàu lạ rượt đuổi, tàu anh tăng tốc hết mã lực đột ngột nên máy phát điện đứt cầu chì, máy định vị không có năng lượng, do đó máy định vị không lưu lại được hành trình chạy thoát về đồn biên phòng...

So sánh vĩ độ bắc và kinh độ đông vị trí cuối cùng còn lưu lại trên máy định vị của tàu cá Việt nam. Và Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa giữa Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa Indonesia, do Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Niên ký với Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao N. Hassan Wirajuda tại Hà Nội ngày 26/6/2003 cho thấy: đường ranh giới được xác định bằng đường thẳng tuần tự qua các điểm:

điểm                                 vĩ độ                            kinh độ  

20               06 độ 05 phút 48” Bắc              105 độ 49 phút 12” Đông

H               06 độ 15 phút 00”  Bắc              106 độ 12 phút 00”  Đông

H1             06 độ 15 phút 00”  Bắc              106 độ 19 phút 01”  Đông

A4             06 độ  20 phút 59,88” Bắc         106 độ 39 phút 37,67” Đông

X1            06 độ 50 phút 15”    Bắc              109 độ 17 phút 13” Đông

Xác định vĩ độ, kinh độ vị trí điểm cuối của tàu cá Việt Nam lưu lại trên máy định và trên sơ đồ ranh giới biển, tài liệu hướng dẫn khai thác thủy sản mà Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp phát cho ngư dân đánh bắt xa bờ, thì tàu thuộc ranh giới thềm lục địa Việt nam tại điểm H và H1 theo hiệp định.    

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang (gọi tắt BCH) đã điều tra và có kết luận báo cáo vụ việc lên cấp thẩm quyền. Ngày 28/4/2017, BCH có báo cáo 299/BC-BCH vụ việc tàu cá Kiên giang bị lực lượng nước ngoài bắt giữ. Trong báo cáo kết luận, qua điều tra toàn bộ tàu đánh cá Việt nam đang hoạt động đánh bắt trên lãnh hải Việt nam, tọa độ các tàu không có tàu nào vượt qua ranh giới của điểm H và H1.

Hiện Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, Kiên Giang đang kiến nghị Sở Ngoại vụ báo cáo kiến nghị Bộ Ngoại giao có Công hàm phản đối việc bắt tàu và người trái phép trong vùng biển Việt Nam, trao trả phương tiện và con người bảo đảm công dân...

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 

Đọc thêm