Bị thanh tra “oan”, tôi có quyền yêu cầu xử lý người tố cáo không đúng sự thật?

(PLVN) - Mặc dù kết quả giải quyết tố cáo xác định nội dung đơn tố cáo tôi tham nhũng là không đúng sự thật; tuy nhiên tôi đã phải lao đao, khốn đốn vì lá đơn thiếu căn cứ này. Xin hỏi pháp luật xử lý đối với hành vi tố cáo sai sự thật như thế nào?   
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Hỏi: Tôi là cán bộ quản lý trong một cơ quan nhà nước, gần đây bị một người cùng cơ quan tố cáo về hành vi tham nhũng. Tuy nhiên kết quả giải quyết tố cáo cho thấy nội dung tố cáo đó không đúng sự thật. Mặc dù vậy tôi cũng đã phải lao đao, khốn đốn vì lá đơn tố cáo này. 

Tôi xin hỏi người tố cáo sai sự thật có bị pháp luật xử lý không? Tôi có quyền đòi bồi thường tổn thất về danh dự, tinh thần do việc tố cáo sai sự thật gây ra hay không? (ông Vũ Văn K. 45 tuổi ở Đà Nẵng) 

Luật sư trả lời: Trước hết, cần xác định xem nội dung tố cáo đó mức độ không đúng sự thật là bao nhiêu, làm rõ động cơ của người tố cáo để có cơ sở xử lý người tố cáo không đúng sự thật.

Nếu người tố cáo bạn có một phần là sự thật, một phần không chứng minh được là có thật hay không thì chưa có căn cứ để xử lý người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo hoàn toàn sai sự thật thì chia ra 2 trường hợp: có động cơ, mục đích vu khống người khác và không có động cơ, mục đích (chỉ là hồ đồ, chưa tìm hiểu xác minh kỹ thông tin).  

Nếu người tố cáo biết rõ nội dung tố cáo là hoàn toàn sai sự thật, dựng chuyện không có thật nhưng vẫn cố tình tố cáo bạn tới cơ quan chức năng, nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của bạn thì tùy theo mức độ, hành vi đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về Tội vu khống, quy định  tại Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với trường hợp người tố cáo chỉ vì hồ đồ mà tố cáo sai sự thật (không có mục đích vu khống) thì tùy theo mức độ có thể bị nhắc nhở, hoặc xử lý hành chính.

Đối với người bị tố cáo “oan”, bạn có quyền đòi bồi thường tổn thất về danh dự, tinh thần do việc tố cáo sai sự thật gây ra với điều kiện phải chứng minh việc bị tố cáo sai sự thật gây tổ thất và thiệt hại cho bạn.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đọc thêm