Sự việc 78 người thuộc 60 hộ dân ở Đường Lâm gửi đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua. Nhận thấy tầm quan trọng của sự việc, hôm qua, 21 tháng 5, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về Đường Lâm để chủ trì của một cuộc họp nhằm tháo gỡ những bức xúc của bà con nơi đây.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tiếp xúc, nói chuyện với những người dân có nhà cổ |
Giá trị có 1 không 2 của di tích sống
Làng cổ Đường Lâm được biết đến với khá nhiều tên gọi thuần Việt như “làng Việt cổ”, “làng cổ đá ong”, “ấp hai vua”…những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở khu di sản này đã được thực tế ghi nhận. Một quần thể gồm 37 ngôi nhà cổ niên đại 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại 100 năm, và gần 1000 ngôi nhà truyền thống nông thôn… Đó là những con số thống kê ấn tượng về một “di tích sống”.
Năm 2005 nơi đây chính thức được xếp hạng “di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia”, trở thành địa điểm đầu tiên được xếp hạng trong tổng thể không gian làng cổ, được đầu tư bảo tồn với những quy định chặt chẽ.
Tuy nhiên có một thực tế, dù được xếp hạng là làng cổ “độc” và hiếm nhất cả nước nhưng Đường Lâm vẫn không nằm ngoài guồng quay của cơn lốc đô thị hóa. Sự việc một con đường bê-tông còn mới tinh, ngay trước cửa trụ sở UBND xã, gần đền Mông Phụ chiều rộng 5,5m được nhiều người ví von như một vật xấu đâm xuyên vùng lõi di sản, phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan.
Theo quy định, người dân địa phương không được phép xây nhà hai tầng, vật liệu xây dựng không được dùng bêtông, mái tôn… Chính việc này đã âm ỉ gây nên những bức xúc hiểu lầm không đáng có trong một bộ phận dân Đường Lâm. Và việc hàng trăm người dân Đường Lâm cùng ký đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia chỉ là sự bùng phát của nỗi âm ỉ đó.
Trong sự kiện ngày hôm qua, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố, các sở-ban-ngành thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và đại diện các hộ dân trong làng… đã đi thăm quan thực tế làng cổ, khảo sát các di tích đang trong quá trình tu sửa, xây mới (cả được cấp phép và không phép), tìm hiểu thực địa vị trí đất dãn dân.
Những tiếng nói bất đồng
“Các ông muốn làm du lịch phải xem dân chúng tôi sống ra sao…” chị Giang Tú Anh nói thay nỗi niềm của phần lớn người dân làng cổ, phản ứng khá gay gắt một số điểm bất hợp lý trong công tác quản lý bảo tồn.
Người dân cũng nhắc tới không ít những vấn đề như: Việc “mập mờ” trong công tác quản lý tiền vé thắng cảnh; chậm trễ trong công tác giải quyết nguyện vọng cơi nới xây dựng, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương…
Một ngôi nhà cổ đang trong quá trình sửa chữa |
Khách quan mà nói, công tác quản lý, bảo tồn cụm di tích Đường Lâm vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế bất cập. Chẳng hạn, chưa có quy hoạch và các cơ chế chính sách đặc thù. Chưa phát hiện kịp thời mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển dẫn đến này sinh nhiều bất cập không đáng có. Chậm trễ trong việc phê duyệt, sửa chữa các hạng mục hạ tầng dân cư xuống cấp…
Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng: Mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và đời sống dân sinh dù xét trên góc độ nào thì cũng là điều đáng tiếc. Nên chú trọng nhiều hơn nữa đến những bước đi có bài bản, phù hợp dựa trên tiêu chí xác định Đường Lâm là tài sản chung của cả nước.
Các “nút thắt” dần được gõ bỏ
Nhìn nhận sự việc trên góc độ thực tế, hiện nay cư dân sinh sống tại Đường Lâm đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng theo đúng Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Chia sẻ điều này, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh “các cơ quan liên quan cần linh hoạt hơn nữa trong việc xử lý các vấn đề làng cổ… dù là một ý kiến cũng nên lắng nghe, quan tâm, giải quyết”
Đồng quan điểm này ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc Gia cho biết “Di sản phải sống gắn với người dân…”. Trong những giải pháp đưa ra ông Tiêu cũng chú trọng đến biện pháp gắn bảo tồn liên quan đến chính sách hiện tại có thể áp dụng phương thức cho vay tiền để bảo tồn.
Trước những bức xúc từ người dân thuộc phân cấp quản lý địa phương, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm thiếu sót trong suốt thời gian qua. Việc nhận lỗi của ông Sơn được một bộ phận người dân đánh giá khá tích cực.
Tổng kết lại các ý kiến, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị cần sớm sửa đổi và vận dụng linh hoạt quy chế quản lý làm sao vừa bảo tồn và phát triển được di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Chú trọng quan tâm, giúp đỡ người dân trong việc sửa chữa cải tạo nhà ở giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà vẫn không mất đi giá trị kiến trúc văn hóa của làng. Việc bảo tồn sẽ “mở” hơn theo cơ chế linh hoạt để người dân Đường Lâm là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ di sản cha ông để lại.
Đinh Luyện