Bị tung tin nhiễm HIV, một gia đình “sống dở, chết dở”

Không hiểu từ đâu, tin đồn chị bị nhiễm HIV cứ loang rộng ra, đến mức không chỉ phụ huynh học sinh mà các giáo viên trong trường học của con chị, thậm chí cả khu phố đều biết. Họ bảo nhau, bây giờ bằng cấp còn mua được huống chi cái phiếu xét nghiệm của bệnh viện. 
Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS không chỉ là mục tiêu thiên niên kỷ mà chúng ta đang phấn đấu, mà nó được quy định rất rõ trong Luật Phòng chống HIV/AIDS. Thế nhưng, không chỉ người nhiễm mà ngay cả những người chỉ bị tung tin đồn nhiễm HIV thôi cũng khốn đốn vì điều này.
Hình minh họa
Sự thật đau lòng giữa lòng Thủ đô
Trong lá đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, chị Phạm Tuyết Nhung (sinh năm 1977), hộ khẩu thường trú tại A17/phòng 107 Khu tập thể Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, quá đau đớn vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối hành hạ nên chị phải nhờ mẹ đẻ đi họp phụ huynh cho con trai là cháu P.N.T hiện đang học lớp 2 Trường Tiểu học MK (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cuối buổi họp, mẹ chị được bà Hiệu trưởng trường này gặp riêng và nói rằng: Có tin chị bị nhiễm HIV nên nhà trường đề nghị gia đình phải đưa cháu T đi xét nghiệm vì sợ cháu bị lây từ mẹ sang. Lúc đó, mẹ chị đã rất sốc nhưng vẫn khẳng định với bà Hiệu trưởng là: “Con tôi, cháu tôi tôi biết. Mẹ con nó không bị HIV, còn nếu các cô không tin thì cứ mang thằng bé đi mà xét nghiệm”…
Tuy đã giải thích hết lời nhưng mẹ chị Nhung vẫn “bán tín bán nghi” trước thông tin này. Cực chẳng đã, chị đã phải vào Bệnh viện Bạch Mai để làm xét nghiệm. Kết quả chị Nhung không hề nhiễm HIV.
Thế nhưng, không hiểu từ đâu, tin đồn chị bị nhiễm HIV cứ loang rộng ra, đến mức không chỉ phụ huynh học sinh mà các giáo viên trong trường học của con chị, thậm chí cả khu phố đều biết. Họ bảo nhau, bây giờ bằng cấp còn mua được huống chi cái phiếu xét nghiệm của bệnh viện.
Từ ngày bị bị mang tin đồn này, cửa hàng làm tóc của vợ chồng chị Nhung không ai lui tới. Họ hàng hai bên gia đình cũng xa lánh, hắt hủi; hàng xóm thì dò xét, xì xào bàn tán. Con trai chị đi học cũng bị bạn bè “tẩy chay” không thèm chơi. Không biết bấu víu vào đâu, chị Nhung đành phải lê tấm thâm “sống dở chết dở” cùng chồng về Hưng Yên sống tạm ở một nhà bà con xa. 
Ai bảo vệ cho mẹ con chị Nhung?
Còn sống đấy mà như đã chết, trái tim thì tan vỡ và sức khỏe thì suy sụp… Nhưng không cam chịu bị mang tiếng oan, với chút sinh lực cuối cùng, chị Nhung đã làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng (báo chí, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, UBND địa phương…) để làm rõ nguồn gốc của lời đồn. Nhưng mọi chuyện rơi vào thinh không, khi phía nhà trường không xác định được chính xác người đưa ra tin đồn ác ý đó. Cuối cùng, người chịu hậu quả vẫn là mẹ con chị Nhung. 
Theo Ths. BS. Mai Xuân Phương, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế,  đây là một sự kỳ thị, phân biệt đối xử rất rõ rệt, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cách hành xử nêu trên của bà Hiệu trưởng chứng tỏ bà ta không hiểu gì về Luật Phòng chống HIV/AIDS cũng như thiếu đạo đức làm người.
Hành vi đó thật sự đáng lên án. Kể cả trong trường hợp chị Nhung bị nhiễm HIV thật, bản thân bà Hiệu trưởng phải có trách nhiệm làm công tác tư tưởng cho chị Nhung và gia đình chị. Trường hợp không hiểu biết, bà ta có thể mời cơ quan chức năng đến tư vấn cho chị ấy. Đằng này, bản thân chị không hề nhiễm, mà lại đang mang trọng bệnh… Nếu thực sự có chuyện hai vợ chồng chị Nhung vì lý do đó mà phải “bán xới” đi nơi khác làm ăn thì chính quyền địa phương phải vào cuộc làm rõ sự việc và phải xử lý đích đáng người vi phạm.
Thậm chí, phải tăng cường truyền thông và nâng cao hiểu biết của người dân trong khu vực về vấn đề này. Về phái cơ quan xét nghiệm cũng vậy, dù kết quả âm tính hay dương tính cũng nên đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ đó để góp phần nâng cao hiểu biết và chống phân biệt kỳ thị trong xã hội nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng.
Long Hùng 

Đọc thêm