Thông điệp những bức hình màu đỏ
Trong 1 tháng từ ngày 11/2 đến 11/3/2020, cuộc thi sáng tác truyền thông "Không đổ lỗi" nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông mang thông điệp “Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực giới xảy ra không phải do lỗi của nạn nhân” đã được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện, Cơ quan Viện trợ Australia và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam là đơn vị tài trợ.
Chỉ một thời gian ngắn, 79 bài dự thi chất lượng được gửi tới mang nhiều màu sắc khác nhau xoay quanh chủ đề “Không đổ lỗi” và 9 bài dự thi ấn tượng đã được Ban giám khảo lựa chọn để trao giải. Đặc biệt, Ban giám khảo đã trao 1 giải cho người có tác phẩm đạt được nhiều lượt view, like, share nhất. Phóng sự ảnh “Shade of fear” của Lê Nguyễn Bảo Ngọc đạt 15.293 lượt likes và 10.821 lượt share đã được nhận giải này.
Bộ phóng sự ảnh sử dụng hoàn toàn màu đỏ với hình ảnh thiếu nữ, bé gái là nạn nhân của các hành vi BLTD. Bị xâm hại, bị quấy rối nhưng họ không thể nói vì đã bị bịt miệng, vì đã bị đe dọa, chỉ còn lại những ánh mắt đau đớn, cam chịu, hoảng sợ…
Nói về ý tưởng ban đầu để dẫn đến sự hình thành của bộ ảnh phóng sự, Bảo Ngọc cho biết: “Liệu có chiếc váy nào đủ dài để bảo vệ nạn nhân khỏi những nanh vuốt xấu xa? Tội lỗi thuộc về đối tượng phạm tội hay đứa trẻ trong chiếc quần ngắn?”…
Đây là những câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi đọc qua bài báo về triển lãm "Bạn mặc gì khi bị xâm hại?" tại Brussels, Bỉ. Và chính những câu hỏi đó đã truyền cảm hứng cho tôi thực hiện bộ ảnh, xoay quanh tình thế bị động, sự cô độc của nạn nhân và câu chuyện ai là người bị kết tội”.
Lý giải về màu của bộ ảnh là màu đỏ, theo tác giả, sở dĩ chọn màu đỏ làm chủ đạo vì trong đời sống, đỏ thẫm là màu của máu. Đỏ cũng là màu mang ý nghĩa nguy hiểm nhất trên nấc thang báo động. “Màu đỏ được sử dụng làm nền cho bộ ảnh, những tệ nạn tưởng chừng như chỉ mới bị lên án, thật ra luôn hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Nhưng điều gì đã làm cho con người thờ ơ, bước qua chúng như cách đôi mắt ta lướt qua nền của một tấm ảnh.
Phóng sự ảnh “Shade of fear” của Lê Nguyễn Bảo Ngọc đạt 15.293 lượt likes và 10.821 lượt share chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải trên FB |
Nạn nhân có xu hướng tự đổ lỗi cho mình
Cách đây vài năm, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã đưa ra con số 87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TP HCM xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng và 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ.
iSEE cho biết 68,5% các nạn nhân chia sẻ họ bị ám ảnh và thường xuyên nghĩ về các vụ BLTD, hiếp dâm và cưỡng dâm mà họ đã trải qua.
Và với họ hành vi tự đổ lỗi là tất yếu, khoảng 31,5% nạn nhân trực tiếp đổ lỗi cho mình như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực giới; 68,5% nạn nhân không trực tiếp đổ lỗi cho bản thân mình, nhưng hầu hết các nạn nhân đều đề cập những hình thức đổ lỗi gián tiếp, hoặc “vô thức” khi sử dụng những từ ngữ thanh minh như: “Mình mập và xấu lắm nhưng vẫn trở thành mục tiêu”; “Hôm đó mình tuyệt đối không ăn mặc hở hang gì hết”…
Những cánh tay là con trỏ của xã hội và là chiếc búa thẩm phán của cộng đồng. Những cánh tay với lấy nạn nhân khó đoán ý đồ tốt xấu, chúng có thể trông như tấm khiên bảo vệ, nhưng cũng có thể đang lợi dụng điều đó để chiếm đoạt và gây thêm nhiều đau thương cho nạn nhân”, Bảo Ngọc nói.
Có thể nói với hai yếu tố mấu chốt này, không ngạc nhiên khi bộ ảnh sau gần một ngày rưỡi đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi. Những bức ảnh đã thực sự nói được tiếng nói của riêng mình và đưa thông điệp đó đến với cộng đồng.
Tại sao lại hồ nghi nạn nhân?
“Mình 13 tuổi, các bạn nam hay tới lớp mình và đùa giỡn, xô đẩy để cố ý đụng chạm mình, thường là eo hay lưng và dùng các từ tục tĩu khi nói chuyện với mình. Mình đã cố ý tránh mặt họ nhưng đám bạn trai phục sẵn ở cửa lớp khiến mình không thể đi đâu. Một bạn giả vờ ngã để đụng chạm…
Mình đã khóc rồi chạy đi. Hôm nay, mình nói với các bạn nữ chuyện ấy và khuyên họ nên tránh xa thì trái với dự định, các bạn ấy nhăn nhó mắng mình không được nói xấu “bạn” của họ. Trong giờ học, mình còn nhận được tờ giấy với nội dung cảnh cáo không được nói ra nếu không thì sẽ bị rạch mặt quay đưa lên Facebook”.
Đây là một trong số gần 5.000 lời chứng ẩn danh kênh Facebook S.O.S - Share Our Stories được một nhóm bạn trẻ dưới sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức về giới như Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), UN Woman Vietnam lập ra từ tháng 4/2016. Đến nay, kênh Facebook này đã phần nào giải tỏa những gánh nặng của BLTD, mang đến những câu chuyện có thật để giúp những người khác không phải trải qua những điều tương tự.
Có thể thấy, ở Việt Nam tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân bị quấy rối tình dục vẫn còn tồn tại. Người bị quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ phải chịu những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần từ chính vụ việc, họ còn phải đối diện với những lời nói và hành vi đổ lỗi từ những người xung quanh như: “Cô ấy có ăn mặc hở hang?”, “Cô ấy có làm gì khiêu khích không?”, “Con bé có bịa chuyện không?”…
Theo một nghiên cứu của iSEE thực hiện cho thấy diễn ngôn trên các kênh truyền thông cũng góp phần đổ lỗi cho nạn nhân BLTD. Đơn cử như bài viết mô tả nạn nhân là những người dưới 16 tuổi đồng thuận quan hệ tình dục với thủ phạm (cách mô tả này khiến người đọc cảm giác nạn nhân hư hỏng và đáng phải chịu hậu quả”; hoặc như thuật lại việc nạn nhân dù đã bị đánh, mắng và yêu cầu không được qua chơi hàng xóm nhưng nạn nhân vẫn qua chơi nên mới bị xâm hại.
Cách mô tả hành vi của nạn nhân có thể khiến người đọc suy nghĩ đứa bé bị như thế vì có lỗi không chịu nghe lời. Việc xây dựng hình ảnh nạn nhân như vậy có thể làm người đọc tập trung vào nạn nhân mà bỏ qua thực tế rằng những người dưới 16 tuổi là những người chưa đủ năng lực hành vi dân sự và cần sự bảo vệ, giám hộ của những người trưởng thành và của pháp luật.
Bà Đỗ Thị Thu Hà - Văn phòng UNFPA Việt Nam:
Phải đưa ra xét xử mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn và ứng phó với các hình thức BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân cũng như của các nhà hoạch định và thực thi chính sách.
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có quy định nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật Giáo dục năm 2009 có quy định xử lý việc xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, ngược đãi, hành hạ học trò trong các cơ sở giáo dục.
Luật Thanh niên năm 2005 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các thực tế cho thấy việc thực thi các quy định trong các luật vẫn còn chưa chặt chẽ và các nỗ lực giám sát cần phải được cải thiện.
Do đó, cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật cũng là việc rất quan trọng để đảm bảo công lý được thực thi với các trường hợp BLTD. Điều này phù hợp với các khuyến nghị gần đây của Ủy ban xoá bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trong đó nêu bật sự cần thiết phải đưa ra xét xử mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.
Bà Đỗ Thị Thu Hà - Văn phòng UNFPA Việt Nam - phát biểu tại tọa đàm về bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái. |