***
Dường như định mệnh của anh sinh ra là để làm báo. Từ khi còn là cậu bé, trước khi biết đỏ mặt trước bạn gái, anh đã biết nằm soài ra giường hý hoáy viết bài gửi những tờ báo dành cho trẻ con mà anh mê mẩn. Và tất nhiên, những bài viết đó phần nhiều không được đăng vì nhiều lẽ: người viết non tay, thất lạc thư tín vì quê anh ở một vùng khá xa xôi, heo hút.
Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, từ bé anh đã được dạy thế nên khát khao làm báo trong anh không vì thế mà thui chột. Và, cũng vì khát khao đó mà anh đã thi đỗ vào trường báo chí – một sự kiện làm xôn xao cả xóm nghèo nhà anh cả thời gian dài.
Những tháng năm là sinh viên báo chí anh cũng không đến nỗi quá khó khăn. Ngoài chu cấp từ gia đình, anh còn có thêm khoản tiền nhuận bút cộng tác viết bài với các báo. Nhưng quan trọng hơn cả là những năm tháng vừa học vừa thực hành đó đã giúp anh xác định được cho ngòi bút của mình một hướng đi trong nghiệp báo. Ra trường, công tác ổn định ở một cơ quan báo lớn, tài năng trời phú của anh càng phát triển. Những bài báo chống tham nhũng, vạch mặt những hành vi phạm pháp của anh gây được nhiều tiếng vang lớn, được nhiều độc giả tìm đọc, đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Trên đỉnh thành công, không biết từ lúc nào anh quên mất mình là một nhà báo và tự cho mình cái quyền phán xử của một quan tòa. Viết về một cán bộ tham nhũng, anh không e dè phóng bút viết thêm vài dòng cuối bài: “Nhân đây cũng phải xem xét lại quãng đời trước đây của ông này, vì các lý do a, b,c”. Viết về một bị cáo, anh lùng sục tìm cho ra ai là vợ, con, người thân của bị cáo ấy, họ đang công tác, học hành ở đâu, có suy nghĩ hay hành vi gì cảm thông với hành động của bị cáo hay không…
Anh cứ vô tư viết mà có hề biết đâu vị cán bộ tham nhũng kia trước đây đã có những năm tháng hào hùng trên chiến trường, chỉ vì phút giây lạc lối trước cạm bẫy đồng tiền mà sa ngã. Còn người phụ nữ và những đứa trẻ thân nhân bị cáo kia cũng có cuộc sống, danh dự của riêng mình và những thứ đó đang bị đồng nghiệp, bạn học quanh họ dè bỉu, hất đổ chỉ vì họ là vợ, là con của tội phạm.
Cho đến một ngày, người thân của anh vướng vào vòng lao lý. Mỗi sáng mở tờ báo ra, anh có cảm tưởng chính mình đang viết những bài báo đó. Vì nó cũng đanh thép, cũng phán xét như anh đã từng làm. Tất nhiên, không thể thiếu những dòng thông tin người phạm tội có người thân là nhà báo nổi tiếng. Dắt xe ra cổng, trên đường, anh có cảm tưởng mọi con mắt đều đổ dồn vào anh xâu xé, ở cơ quan mỗi lời hỏi thăm, an ủi, anh nghe như có dư vị của sự hả hê, đáng đời.
Phút chốc thôi, anh bỗng hiểu cảm giác của những người đã từng phải “chết” dưới ngòi bút của mình.
***
Ở một trường dạy làm báo nọ, có người thầy giáo già luôn dặn sinh viên của mình phải rèn giũa lương tâm bằng câu đúc kết của người xưa: “Trăm năm bia đá thì mòn/Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bia đá kia rất cứng, nhưng thời gian trôi qua rồi tấm bia ấy cũng bị mưa gió bào mòn và và những điều khắc ghi trên đó mờ dần.
Nhưng, có những sự việc, những tên tuổi đã từ xa xưa mà vẫn như mới xảy ra hôm qua đây, nhờ lời truyền miệng của người đời. Ấy là bia miệng…”. Trò ra trường, lao vào cuộc sống. Thầy ở lại, tiếp tục chèo đò cho những lứa hậu sinh. Ngày ngày, dõi theo những bài báo của trò, thầy khẽ thở dài: “Có lẽ mải mê với hào quang sự nghiệp, chúng đã quên…”.