|
Các sản phẩm đa dạng được làm từ vải jean cũ |
Cảm hứng từ đồ cũ
Tốt nghiệp Trường ĐH Lao động – Xã hội Hà Nội, Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi – quê ở Bắc Ninh) về quê mở tiệm chuyên làm đồ tái chế. Điểm đặc biệt là ý tưởng biến rác thải thời trang thành sản phẩm hữu ích. Những vải jean vụn hay những món đồ jean cũ, qua bàn tay khéo léo của Hải Yến đã trở thành những sản phẩm sáng tạo, hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường và lan tỏa lối sống xanh.
|
Hải Yên cùng với chiếc túi xách tái chế |
Theo chia sẻ của Hải Yến, ý tưởng thành lập shop handmade nhỏ đã được nuôi dưỡng từ khi cô còn là sinh viên. Tuy không xuất phát từ ngành thời trang nhưng cô lại có một niềm đam mê rất lớn với mảng túi xách handmade và tự mình tìm tòi học hỏi may túi xách khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính đam mê ấy giúp cô quan sát, học hỏi nhiều điều để nâng cao gu thẩm mĩ cũng như sáng tạo cho bản thân.
Kết hợp với việc học chuyên ngành Công tác xã hội nên mỗi sản phẩm handmade của Hải Yến không chỉ mang tính thẩm mĩ mà nó còn mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo thời trang, chất lượng tốt, độ bền cao.
Mỗi sản phẩm mang dấu ấn riêng
Hải Yến luôn hào hứng khi bắt đầu với những sản phẩm sáng tạo. “Mỗi chi tiết trên quần, áo jean cũ luôn tạo cảm hứng cho tôi. Những câu hỏi được đặt ra khi tôi nhìn thấy những họa tiết, những bộ phận khác nhau. Chiếc mác này, chiếc túi quần, đai quần, cạp quần… chúng sẽ được đặt ở đâu trên thân túi xách mới? Và trả lời cho các câu hỏi đó chính là hành trình một chiếc túi xách ra đời", Hải Yn bày tỏ.
|
Mỗi chiếc túi xách đều đều là duy nhất, khó có cái giống hệt thứ hai |
Mỗi sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế khác nhau nên có những họa tiết trang trí rất khác biệt. Và mỗi chiếc túi như vậy mang trong nó cả một câu chuyện, về sứ mệnh cũ nó đã hoàn thành và sứ mệnh mới đang chờ đón ở một diện mạo mới. Mỗi một vết phai màu, vết xước… đều có thể trở thành điểm riêng biệt mà chính người làm ra nó cũng không thể tạo được cái giống vậy thứ hai.
Hải Yến vừa cho ra mắt bộ sưu tập túi xách mang hơi thở “hương đồng gió nội” với họa tiết hoa sen nhận được sự quan tâm và yêu thích của nhiều người.
|
Chiếc túi xách họa tiết hoa sen đơn giản mà tinh tế |
|
Khó có thể tin đây là chiếc túi xách được tái chế từ vải jean cũ |
|
Mang túi sen đi chụp tại đầm sen, rất có thể sẽ trở thành hot trend mới mùa sen năm nay |
|
Những chiếc túi sen đẹp dịu dàng, e ấp mà cũng rất thời trang |
|
Mỗi chiếc túi được tạo ra bằng sự tỉ mỉ và tâm huyết của Hải Yến tới từng đường kim mũi chỉ |
Lan tỏa ý tưởng xanh
Theo Yến, quá trình may vá để lại nhiều vải thừa là điều không tránh khỏi. Lấy ý tưởng từ “ecobrick” (gạch sinh thái – PV), sau khi sáng tạo hoàn thiện sản phẩm, các mảnh vải mụn nhỏ sẽ được nhồi chặt vào các chai nhựa khô ráo. Nó sẽ là nguyên liệu tốt để làm bàn, ghế, đồ chơi trẻ em… cũng như tận dụng tối đa vải thừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện tại, các sản phẩm của tiệm hiện tại có túi xách, dép lê, ba lô… và cả những chậu cây, tranh vẽ từ đá cuội. Khách hàng ủng hộ sản phẩm đa phần vì yêu thích và quan tâm đến vấn đề môi trường, muốn sử dụng vật dụng tái chế từ đồ cũ, hạn chế đồ nhựa dùng một lần.
Ngoài sáng tạo sản phẩm, Yến cũng dành thời gian quay video hướng dẫn mọi người cách may túi, sẵn sàng mở các workshop chia sẻ, hướng dẫn, kết nối mọi người sáng tạo những đồ trang trí đẹp mắt từ bìa carton cũ hay sử dụng quần jean cũ để vẽ tranh.
|
Những chậu xương rồng được làm từ đá cuội |
Không chỉ bén duyên với đồ jean tái chế, Hải Yến còn tự hào là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tái chế rác thải thời trang thành túi xách handmade sáng tạo và thẩm mỹ. Thứ mà Hải Yến mang lại không chỉ là một chiếc túi, một đôi dép mà ở đó là cả tâm huyết, sự tử tế và có tâm trong từng chi tiết, từng sản phẩm.
|
Hải Yến đang hướng dẫn các bạn trẻ tạo ra các sản phẩm tái chế từ jean cũ |
Thích thú với công việc của Hải yến, những người yêu thích handmade, tái chế cũng như bảo vệ môi trường đã nhiệt tình liên hệ với Yến để quyên góp các loại quần jean cũ. Điều này giúp cô duy trì nguồn vật liệu sản xuất. Sắp tới, cô dự kiến lập một vài điểm thu gom tại Hà Nội để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Đồng thời thông qua công việc này, cô cảm thấy hạnh phúc hơn vì có thể gắn kết được hơn với những người cùng sở thích.
“Hi vọng dự án tái sử dụng đồ cũ sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều người, từ trẻ em đến các bậc phụ huynh. Bởi gia đình nào cũng có đồ dùng cũ bỏ đi. Tôi chia sẻ cách làm để mỗi người có thể tái sử dụng đồ cũ, thừa thãi, biến tấu thành các sản phẩm mới tùy sức sáng tạo, giúp bảo vệ môi trường, sống xanh hơn”, Hải Yến cho biết.