Không biết tự bao giờ, hương sắc của sự hoang sơ đặc biệt nơi Tây Nguyên đã làm ấm lòng người lữ khách. Mỗi khi muốn tìm kiếm một góc riêng sâu thẳm trong tâm hồn, ta lại tìm về mảnh đất miền cao, để hòa vào nhịp thở của cái đại ngàn hùng vĩ hay lắng nghe những bản tình ca, sử thi quyến rũ lòng người.
Khi tiết trời từ thu sang đông, sải những bước chân thư thái lên con đường hướng về Gia Lai, người lữ khách bỗng thấy lòng mình bình yên, dường như bao lo toan phiền muộn của những tháng ngày rong ruổi mưu sinh đã trôi về hướng nào xa lắc...
Gia Lai đón ta trong một sáng sương giăng ngập lối, để ta thấy "đôi mắt Pleiku” hiền hòa đang ẩn ẩn, hiện hiện giữa phố núi mộng mơ.
|
Biển Hồ được ví như đôi mắt Pleiku thơ mộng. |
Và ta lại cảm nhận sự mời gọi của Biển Hồ. Chân ta lạc bước đến nơi gọi là “Biển” nhưng nơi đây là “Biển” nước ngọt. Chiêm nghiệm cái cảnh đẹp trong hoàng hôn, lòng ta trắc ẩn sự hình thành như thế nào và tại sao người dân đặt tên là Biển Hồ?
Những câu hỏi trong lòng ta làm ta tò mò và sau những lần hỏi thăm, nghiên cứu thì đã biết được: Biển Hồ hay còn gọi là hồ T’Nưng, nằm trên địa bàn thành phố Pleiku, được công nhận là di tích danh thắng của Việt Nam.
Nguồn cội biển Hồ thực chất là miệng một ngọn núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, tuy nhiên theo dân gian Biển Hồ lại gắn liền với một câu chuyện buồn bi thương ở đất Gia Lai.
|
Chuyện kể rằng trước kia Biển Hồ là một vùng đất có buôn làng sinh sống, đông đúc tuy nhiên khi họ đang ăn uống linh đình sau khi làm lễ cầu thần Giàng phù hộ cho dân làng thì gặp động đất, sụt lở mạnh, nước tràn về khiến cả dân làng chìm trong biển nước, chỉ có một cặp vợ chồng may mắn thoát được, cảnh báo tình trạng buôn làng mình với người dân khu vực xung quanh.
Từ một buôn làng sầm uất sau sự việc ấy mà trở nên vắng lặng đến lạ thường, có lẽ vì thế mà cảnh vật Biển Hồ có gì đó man mác buồn, sâu thẳm.
Hình dạng của Biển Hồ khá giống hình bầu dục, mực nước Biển Hồ thấp nhất là 12m, cao nhất có thể lên tới 19m.Tuy nhiên con số này không cố định khi mỗi lần đo lại cho ra những con số khác nhau như 15 - 18m, rộng 228 ha nhưng nơi đây sau các trận mưa lớn có thể rộng tới gần 400 ha. Bao bọc xung quanh Biển Hồ là hàng ngàn những hàng cây phủ sắc xanh lục. Thêm những tia nắng chiều tà thì quanh cảnh Biển Hồ hiện lên càng thơ mộng, trữ tình, lãng mạn hơn.
|
Con đường nhỏ hẹp nằm ở giữa chia Biển Hồ thành hai nửa, vô cùng bằng phẳng hai bên đường là hàng cây thông, càng đi về phía trước con đường dần thu nhỏ lại, ở phía cuối có một điểm dừng chân, đưa tầm mắt của du khách chiêm ngưỡng đầy đủ cảnh sắc nơi đây. Trước mắt ta hiện lên Bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được khánh thành ngày 30-11-2018 do Công ty Kinh doanh hàng Xuất Khẩu Quang Đức xây dựng và dâng tặng thành phố Pleiku. Công trình làm bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng, chiều cao tổng thể 15 mét, trong đó Tượng Phật cao7 mét; Đài hoa sen cao 3 mét.
Đế tượng ốp đá theo hình bát giác cao 5 mét và các hạng mục công trình khác. Tượng Quan Âm Thế Âm sẽ tạo nên một điểm du lịch tâm linh, sinh thái cho thành phố Pleiku nói chung, Khu du lịch Biển Hồ nói riêng. Công trình sẽ thu hút nhiều du khách đến khám phá vẻ huyền bí, linh thiêng của Biển Hồ.
Đứng bên cạnh Tượng Quan Âm Thế Âm, du khách có thể phóng tầm mắt xung quanh Biển Hồ, với làn nước xanh biếc, mềm mại, nhịp nhàng cùng những vùng cây xanh lúc gần lúc xa,in bóng xuống mặt nước tận hưởng bầu không khí man mát dịu nhẹ, thả lỏng tâm hồn hòa vào cái nhẹ nhàng, trầm lắng mà nên thơ của Biển Hồ.
Đặc biệt, cũng như các vùng biển khác, màu nước biển ở đây được thay đổi theo từng buổi, nhưng thực chất nước biển hồ không có màu vì thế khi có khúc xạ ánh sáng mặt trời nơi đây lại mang một màu sắc hài hòa khác biệt.
|
Tượng Quan Âm Thế Âm ở khu du lịch Biển Hồ. |
Vào buổi sáng, nước Biển Hồ mang theo sắc xanh của bầu trời, cái trắng tinh khôi của những đám mây lơ lửng hòa cùng hình ảnh của những rặng cây. Đến buổi trưa, khi mặt trời lên cao, sắc xanh ấy còn phủ thêm nét vàng óng trải dài như một bức tranh thiên nhiên mà “người họa sĩ” là tạo hóa.
Hoàng hôn xuống, lúc này mặt nước hồ dần có màu xanh thẫm, vương một chút nắng chiều tà yếu ớt, ít ỏi còn sót lại như đang luyến tiếc khi phải chia xa. Khi màn đêm buông xuống, mặt biển hòa vào bóng tối, khoác chiếc áo màu đen có in hình ánh trăng vàng chóe.
Lúc này, không khí biển hồ trở nên náo nhiệt, tưng bừng với âm thanh của những chú chim, côn trùng, đặc biệt vào mùa hè nơi đây râm ran “tiếng hát “của những chú ve sầu cả ngày lẫn đêm tạo nên những bản nhạc không lời không tên mà hay đến lạ.
Hệ sinh thái nơi đây rất phong phú, đa dạng khi có những loài ở trên không là những loài chim bói cá, kơ túc, cuốc đen, kơ vông, trắc la, chơ rao,…. hay những loài lele, ngỗng trời vừa sống trên cạn, dưới nước hoặc có thể bay trên không như loài ngỗng trời, dưới nước với nhiều loài sinh vật biển nước ngọt cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, rùa, ba ba, lươn..
Đặc biệt nơi đây nổi tiếng với loài cá chép thân dài và vàng óng quý hiếm không phải ai cũng bắt gặp hoặc câu được loại cá này.
Bên cạnh hồ A làm Khu du lịch sinh thái tâm linh, du khách có thể chiêm ngưỡng hồ B- Hồ thủy lợi Biển Hồ. Hồ khánh thành năm 1983, cấp nước tự chảy tưới cho 2.000ha cà phê, 60ha chè, 300 ha lúa, màu ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai và bổ sung nước cho hồ A vào mùa mưa.
|
Con đường xanh mướt mộng mơ dẫn vào Khu du lịch Biển Hồ. |
Có thể nói, Biển Hồ Gia Lai chiếm giữ môt vị trí quan trọng với người dân Pleiku nói chung và đất Gia Lai nói riêng về cả đời sống vật chất và tinh thần con người.
Về vật chất, Biển Hồ Gia Lai mang lại nguồn lợi nhuận cho địa phương qua những lượt khách đổ về bởi sự thu hút hấp dẫn của cảnh sắc nơi đây hay qua việc bán cá, tôm, tép… cung cấp nguồn lợi hải sản cho những người dân bản địa đồng thời là nguồn cấp nước sạch cho 47% số hộ dân toàn thành phố Pleiku và tưới cho hàng ngàn ha cây công nghiệp, lúa, màu của huyện Ia Grai.
Với đời sống tinh thần, Biển Hồ Gia Lai đã gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Gia Lai, là mảnh ghép và là điểm đặc sắc không thể thiếu khi nói đến.
Có lẽ, hoàng hôn buông xuống ngày một tối đi làm lòng ta tỉnh giấc, quay về thực tại và chỉ mộng khi ánh nắng ban mai của ngày mới soi rọi, một khung trời khác đầy mê hoặc lại được dựng lên, để ta cảm nhận được “Phố núi” bỗng hình thành “viên ngọc bích”, một bức tranh thơ ảo diệu, và ta như lạc lối chốn thần tiên hiếm gặp giữa cõi trần.
“Một chuyến đi, một đời trải nghiệm
Để lòng mình nhẹ bước chốn thiên thai”