Gây ầm ĩ nhất là nữ chủ nhân cửa hàng giầy ở Hà Nội. Người này đã chửi bới, tát cô gái là nhân viên cũ của cửa hàng khi cô này đến đòi lương. Đáng nói là những lời nói của nữ chủ nhân cửa hàng giầy đối với cô gái tỏ một thái độ “mày phải biết tao là ai chứ” khi cho biết cả những người có cương vị xã hội còn không dám “ngang cơ” với bà. Ngoài ra còn đe dọa, gọi giang hồ chém cô gái. Những lời lẽ đó khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” phê phán khi xem đoạn video clip quay cảnh đó trên mạng.
Hoặc, việc một bác sĩ ở Thừa Thiên - Huế bị tố có hành vi sàm sỡ với một nữ điều dưỡng viên, bị cô gái phản ứng, ông này bị cho là đã đánh đập khiến cô phải nhập viện với nhiều thương tích. Quả là hành vi nhạo báng với chính nghề nghiệp của mình.
Một chủ quán phở tại Phú Quốc thì “đăng đàn” trên Facebook dạy dỗ và đe dọa những cộng tác viên, nhà báo hoạt động và tác nghiệp tại đây. Ông ta tự cho mình là người trí thức lên tiếng bảo vệ cho môi trường phát triển du lịch của hòn đảo xinh đẹp này.
Một tín hiệu tốt là ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng bảo vệ an ninh và trật tự xã hội vào cuộc giải quyết, làm sáng tỏ sự việc, xử phạt những người có hành vi phản cảm và lời nói lộng ngôn.
Gần đây, xã hội phải chứng kiến nhiều những hành vi trái tai, gai mắt, coi thường thuần phong, mỹ tục hoặc thiếu tôn trọng giá trị của văn hóa ứng xử. Thói thường, những người đó thường phô phang theo kiểu “mày có biết tao là ai không” để dằn mặt người đối diện.
Sẽ tốt hơn, nếu trong cách ứng xử với người khác luôn luôn xác định mình là ai để mà kiềm chế bản thân, không nên để người khác nhắc nhở ngược lại: “Anh phải biết mình là ai chứ!” sau khi đã nhận một bài học nhớ đời về những hành vi phản cảm mà chính mình đã gây ra.