Rồng… từ trong giai thoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không nhận mình là nhà nghiên cứu mà chỉ là người đam mê, yêu thích với lịch sử và văn hóa truyền thống, nhưng Lê Thái Dũng được nhiều người biết đến là tác giả của nhiều cuốn sách dạng “bỏ túi”, giới thiệu về các di tích đền, đình, chùa. Bên chén trà đầu Xuân, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện về cuốn sách “99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt” mới ra mắt của anh.
Tác giả Lê Thái Dũng.
Tác giả Lê Thái Dũng.

Cuốn sách được “thai nghén” ý tưởng từ đâu và vì sao lại là con số “99”, thưa anh?

- Bắt đầu từ năm Tân Sửu (2021), tôi dự định mỗi năm sẽ cho ra mắt một cuốn sách về con giáp tương ứng, đến nay đã xuất bản được về con trâu (sửu), hổ (dần), mèo (mão). Cuốn “99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt” tuy không cùng khổ với các cuốn về con giáp đã xuất bản nhưng ra mắt bạn đọc vào năm nay - Giáp Thìn, cũng là năm tương ứng với con rồng.

Còn vì sao lại là 99 giai thoại? Như các bạn đã biết, 9 là con số lớn nhất trong các số tự nhiên có một chữ số, là con số tượng trưng cho sự vĩnh cửu, thể hiện hoài bão và lý tưởng sống, theo quan niệm phương Đông cổ truyền, con số này chứa đựng ý nghĩa tốt lành, may mắn, trường cửu, thường gắn với rồng, với bậc đế vương, vua chúa.

Thu thập những sự tích, giai thoại từ dân gian có thể xem là thế mạnh riêng của anh, có những chi tiết thú vị nào về rồng trong cuốn sách mới xuất bản?

- Có một bất ngờ nho nhỏ khi tôi bắt tay vào sưu tầm, thu thập tư liệu cho cuốn sách, bởi lâu nay, mình vẫn nghĩ, rồng gắn với vua chúa - đế vương nên chắc chắn có rất nhiều câu chuyện hay. Thế nhưng, trong thực tế khi tìm hiểu để viết sách lại không có nhiều. Cho nên ngoài sử sách tôi phải tìm trong các giai thoại, sự tích dân gian.

Điều thú vị là, hình tượng rồng trong các giai thoại, nhất là rồng thời các Vua Hùng lại ít gắn trực tiếp với vương quyền mà chủ yếu gắn với thần quyền - trong vai trò một vị thần bảo hộ cho dân, cho nước, giúp làm mưa, giúp đánh giặc, như chuyện hai thần rồng giúp Vua Hùng cầu mưa, Hùng Huy Vương mộng thấy lưỡng long làm mưa cứu khỏi hạn hán, sai tướng rồng trị thủy tai…

Các vị võ tướng với sức mạnh, khả năng phi thường thường là hiện thân của rồng giúp vua đánh giặc, bảo vệ bờ cõi như chuyện: Hùng Uy Vương và giấc mộng “bảy vị long thần” giúp Văn Lang đánh giặc; Mười hai người cháu rồng của Vua Hùng Nghị Vương; Chuyện Hoàng tử Minh Lang con Vua Hùng Nghị Vương; Bốn con rồng giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc; rồi chuyện Vua Hùng phong 2 vị long thần làm tướng đánh Thục…

Một thú vị khác đó là, hình tượng rồng trong giai đoạn “dựng nước” này không chỉ gắn với nam giới mà có cả những câu chuyện rồng gắn với nữ. Tiêu biểu như chuyện Công chúa Tiên Dung - con Vua Hùng Quốc Vương; chuyện Ả Rồng - nữ tướng thời Trưng Vương. Tương truyền mẹ nàng nằm mộng thấy rồng đen quấn quanh mình rồi mang thai 12 tháng mà sinh ra nàng. Chuyện đội quân giao long thời Trưng vương do nàng Quốc chỉ huy…

Nhưng chắc hẳn, hình tượng rồng còn gắn với vương quyền, với đế vương, vua chúa?

- Đương nhiên rồi. Câu nói “Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc” của Lạc Long Quân minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, hình tượng rồng gắn với vương quyền có lẽ chỉ rõ hơn bắt đầu từ huyền tích “Nhổ râu rồng trong giấc mộng” gắn với sự ra đời của Lý Nam Đế, rồi giấc mộng rồng vàng giáng thế của mẹ Vua Triệu Quang Phục. Tương truyền, Triệu Quang Phục còn “sở hữu” chiếc mũ đầu mâu cài móng rồng; hay chuyện rồng vàng che chở cho Vua Đinh Tiên Hoàng; tiếp đó là chuyện rồng vàng che ấp cho Vua Lê Đại Hành…

Thời Lý có chuyện Vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Đại La thành Thăng Long khi thấy rồng bay lên, Vua Lý Thái Tông chạm vào rồng trên đường đi đánh Chiêm Thành, Vua Lý Thánh Tông mộng thấy rồng vàng nên xây tháp Tường Long. Thời Trần có chuyện “Hai Thần Rồng giúp Vua Trần Thái Tông trừ hỏa tai”. Thần tích bà Lê Thị Quế mơ thấy hai con rồng vàng từ trời bay xuống, bắt bỏ vào mồm nuốt, mang thai 14 tháng sinh một bọc có hai người con trai, tướng mạo hùng vĩ, tức Lê Lợi và Lê Thận…

Cuốn sách “99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt”.

Cuốn sách “99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt”.

Rồng là con vật thiêng, đứng đầu trong “tứ linh” (long, lân, quy, phụng). Tuy nhiên, rồng là con vật không có thật được miêu tả như là con vật “hội tụ”: đầu hổ, sừng hưu, tai bò, cổ rắn, vây cá chép… Thế còn trong dân gian, con rồng được tưởng tượng như thế nào, thưa anh?

- Ở phương Tây, rồng thường được hình dung là con vật dữ tợn, có cánh, có nhiệm vụ bảo vệ kho báu hay người đẹp. Trong các giai thoại có liên quan tới rồng mà tôi tìm thấy ở nước ta cũng không có miêu tả cụ thể về hình dáng của rồng. Tuy nhiên, có một vài chi tiết mà tôi nghĩ rằng đó là “đặc điểm riêng” của rồng Việt.

Như việc, có nhiều giai thoại về rồng đều gắn với việc đẻ trứng hoặc bọc (trứng). Có thể kể đến chuyện Hoa Nương Công chúa - con gái Vua Hùng Vương thứ 12 “hạ sinh bảy quả trứng” sau khi bị giao long quấn quanh, chuyện Công chúa Nguyệt Cư con Vua Hùng Nghị Vương nằm mơ thấy “bọc trứng rồng” nên ôm lấy mang về, dọc đường trứng nở thành 12 rồng con; chuyện bà Phạm Ngọc Nương đi tắm biển thì có con giao long lớn hiện ra quấn quanh người, từ đó có mang, sinh ra một bọc nở ra ba người con trai…

Màu sắc của rồng cũng rất phong phú, không chỉ có rồng vàng mà còn có rồng trắng, rồng xanh, rồng đen. Không chỉ xuất hiện bay lượn trên trời mà rồng còn “chui” từ dưới đất, dưới biển lên…

Như vậy có thể thấy, hình tượng rồng trong hình dung của người Việt rất phong phú. Rồng không chỉ gắn với vương quyền, đế vương, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác?

- Rồng tượng trưng cho sự cao quý, sức mạnh và quyền uy, do đó hình ảnh con rồng đã được các triều đại Việt Nam từ thời khai quốc cho đến thời Nguyễn chọn làm biểu tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ - tức tượng trưng cho đế vương. Giai thoại về các vị đế vương nước Việt được gắn với rồng như một minh chứng cho sự thiêng liêng, quý phái.

Rồng cũng nói lên sự sang quý, dân gian có câu: “rồng đến nhà tôm”. Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, vai trò của nước đặc biệt quan trọng (nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống) thì rồng lại là con vật tượng trưng cho khả năng “làm mưa”, do đó rồng còn là tượng trưng cho mùa màng bội thu, cho khát vọng sinh sôi, nảy nở.

Trong tâm thức người Việt, dường như hình tượng rồng không phải là con vật “độc quyền”, dành riêng cho vua chúa?

- Đúng vậy, ở Việt Nam, người ta có thể bắt gặp hình ảnh rồng ở khắp mọi nơi, không phải chỉ ở cung vua, phủ chúa mà còn ở khắp các công trình kiến trúc: đình, đền, chùa. Tạo hình rồng cũng hết sức đa dạng, bên cạnh hình tượng rồng “chuẩn” mô-típ còn có rất nhiều rồng “phá cách” mà tiêu biểu, nhất là hình tượng “tiên nữ cưỡi rồng”. Còn trong những giai thoại mà tôi tập hợp được cũng không thiếu những chuyện “nắm râu rồng” mà… mang thai.

Ở đây, tôi chỉ xin nói đến một hình tượng khác có liên quan đến rồng đó là chủ đề “hóa long”. Dân gian Việt Nam có rất nhiều tạo hình về đề tài này, nào là: trúc hóa long, cúc hóa long, mây hóa long, cá hóa long… Dân gian vẫn lưu truyền, nơi cá chép vượt vũ môn hóa rồng chính là ở Thác Vũ Môn (nay thuộc Hương Khê, Hà Tĩnh) hay ở Long Môn (Thác Bờ, Hòa Bình).

Ý nghĩa sâu xa trong sự tích “cá chép vượt vũ môn hóa rồng” là ở chỗ, tham gia cuộc thi hóa rồng không chỉ có cá chép mà còn có nhiều loài thủy tộc khác, trong đó có cá rô nhảy qua được kỳ 1, tôm nhảy qua được hai đợt nên râu, đuôi đã gần hóa thành rồng. Điều này cho thấy, qua câu chuyện, ông cha ta đã gửi gắm thông điệp về sự cố gắng, nỗ lực vươn lên. Dẫu là một “loài” ở “tầng dưới” như tôm, như cá nhưng nếu nỗ lực vươn lên, có ước mơ lớn, khát khao vượt bậc thì vẫn có thể “hóa rồng”!

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của tác giả!