Bình đẳng giới nơi làm việc - So chất hay so lượng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả khảo sát của Tổ chức WIN (Worldwide Independent Network of Market Research) nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3/2022 vừa được công bố cho thấy 84% số người Việt Nam tham gia cho rằng đã có sự bình đẳng nam nữ trong công việc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bình đẳng giới nơi làm việc luôn cần “chất” hơn “lượng” để có thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới.
Vinh danh 5 doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Vinh danh 5 doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Bình đẳng giới tại nơi làm việc là nhân tố quan trọng và thiết yếu

Từ năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN-MT và Tổng LĐLĐ đã tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp (DN) bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI). Tháng 12/2021, lễ công bố DN bền vững tại Việt Nam (CSI 2021) lần thứ 6 đã diễn ra với 5 DN xuất sắc nhất được lựa chọn tôn vinh vì những nỗ lực và cam kết trong thực hiện “bình đẳng giới tại nơi làm việc” bao gồm: Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Tổng công ty May 10, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina và Công ty CP Cao su Bến Thành. Những đơn vị được tôn vinh là những DN đang cam kết thực hành, đóng góp cho an sinh và sự ổn định của cộng đồng thông qua phát triển bền vững, trong đó “bình đẳng giới tại nơi làm việc” được coi là một nhân tố quan trọng và thiết yếu.

Được biết, để đánh giá và lựa chọn, hội đồng chuyên gia trong lĩnh vực “bình đẳng giới tại nơi làm việc” của Mạng lưới DN Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) – đối tác tư vấn của Chương trình CSI 2021 đã dựa trên bộ tiêu chí về các chính sách nhân sự và bằng chứng thực hiện tại công ty. Bộ tiêu chí được phê duyệt bởi VCCI-VBCSD và phát triển bởi VBCWE, với sự hỗ trợ của dự án Investing in Women thuộc Chính phủ Úc, bao gồm các chỉ số về: tỷ lệ giới (nam - nữ) trong đội ngũ lãnh đạo; chính sách, chương trình quy hoạch, đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nữ; chính sách đa dạng giới trong Hội đồng quản trị và Ban giám đốc; chính sách, điều khoản quy định về phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục nơi làm việc; chế độ cho con của người lao động (xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ kinh phí nuôi con, gửi trẻ, quà tặng thành tích học tập…).

Theo khảo sát của Tổ chức WIN, lĩnh vực chính trị là nơi phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn nhất, với chỉ khoảng một nửa số người được hỏi cho rằng phụ nữ và nam giới được đối xử như nhau trên chính trường, trong đó chỉ có 18% số người Nhật Bản được hỏi cho rằng có sự bình đẳng giới trong chính trị ở Nhật. Tại Việt Nam, tỉ lệ này là 63%. Phần Lan là nước có tỉ lệ người nhận định có bình đẳng giới trên chính trường cao nhất với 86%.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Chủ tịch VBCWE, Phó Chủ tịch Hội đồng DN Phát triển Bền vững cho rằng, trong giai đoạn phát triển, đặc biệt từ 2020, chỉ số về lĩnh vực lao động và xã hội, các chỉ số bình đẳng giới đã được đưa vào đánh giá, hướng dẫn cho các DN. “Bình đẳng giới tại nơi làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân là nguồn lực, giá trị quan trọng để xây dựng văn hoá đa dạng, bao trùm thông qua đó kiến tạo cho nguồn vốn xã hội của các DN được tăng lên”, bà Thanh nhấn mạnh.

Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3/2022, Tổ chức WIN (Worldwide Independent Network of Market Research) vừa công bố kết quả khảo sát (được thực hiện tại 39 quốc gia với 33.326 người được phỏng vấn, tại Việt Nam, điều tra thực hiện với 601 người được hỏi tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) cho thấy 84% số người Việt Nam tham gia cho rằng đã có sự bình đẳng nam nữ trong công việc. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong số 39 quốc gia tham gia vào cuộc điều tra này.

Cuộc điều tra năm nay cũng lần đầu tìm hiểu thêm về vấn đề cơ hội trong công việc và sự nghiệp đối với hai giới. Trên phạm vi toàn thế giới, có 37% số người được hỏi cho rằng phụ nữ có cơ hội tương đương với nam giới khi tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp. Ở Việt Nam, tỉ lệ này là 69%, cao thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc với 79%.

Bình đẳng giới nơi làm việc – so chất hay so lượng?

Theo một thống kê của Tổng cục Thống kê vào năm 2019, nữ giới tại Việt Nam có nguy cơ trở thành lao động tại gia đình (loại lao động không được trả công, không được thừa nhận) cao gấp hai lần so với nam giới.

Bên cạnh những tiến bộ về xã hội, tỉ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động cũng thấp hơn, dẫn đến thu nhập không ổn định, khả năng tiếp cận bảo hiểm, lương hưu khó khăn. Chỉ 20% nữ giới được đào tạo để tham gia lao động so với 25% ở nam giới. So với cùng một mô tả công việc, lương trả cho nữ giới bao giờ cũng thấp hơn nam giới khoảng 30%. Dù cùng tham gia làm việc nhưng phụ nữ khó thoát khỏi trách nhiệm đối với gia đình hơn nam giới, trung bình phụ nữ phải làm việc nhà 20 giờ một tuần trong khi con số này ở nam giới chỉ là 10 giờ...

Ngày 3/3, tọa đàm “Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Từ lý thuyết đến thực hành trên thế giới và Việt Nam” đã được hai tổ chức xã hội là ECUE và VGEM tổ chức. Tham dự tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được bình đẳng giới nơi làm việc, các DN nên vượt thoát ra khỏi các chỉ số định lượng vì tuy chúng dễ đo lường nhưng khi đạt được vẫn có thể không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới.

Theo chuyên gia, bất bình đẳng giới tại nơi làm việc vẫn phổ biến và tồn tại theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Theo chiều ngang, trong cùng một công ty, các công việc văn phòng, dịch vụ thường được cho là phù hợp với nữ hơn và có tỉ lệ phụ nữ cao hơn. Ngược lại, các công việc mang tính kỹ thuật và quản lý lại được coi là phù hợp với nam và có tỉ lệ nam giới cao hơn.

Theo chiều dọc thì càng lên nấc thang quản lý cao hơn thì tỉ lệ phụ nữ lại giảm đi, kể cả ở các DN có đa số tỉ lệ là nữ. Ví dụ, trong các DN ngành dệt may mặc dù tỉ lệ nữ chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tỉ lệ nữ làm quản lý chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này bất bình đẳng vì sự “phân công” này không chỉ giới hạn lựa chọn của cả hai giới, mà nó còn gây thiệt thòi cho phụ nữ vì các công việc văn phòng thường có lương thấp hơn công việc quản lý và kỹ thuật.

Theo nghiên cứu về bình đẳng giới ở nơi làm việc của ECUE đang thực hiện với sự hỗ trợ của Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Úc, nhiều DN tại Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Một số DN tập trung giải quyết bất bình đẳng giới theo chiều dọc bằng cách đưa ra các mục tiêu tăng số lượng lãnh đạo là nữ hoặc tỉ lệ phụ nữ làm quản lý. Một số DN lại tập trung vào giải quyết bất bình đẳng giới theo chiều ngang, ví dụ như tuyển thêm nữ vào bộ phận kỹ thuật, bán hàng.

“Các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của các DN hàng đầu ở Việt Nam rất đáng trân trọng”, ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE nhận định - “Các DN nên vượt thoát ra khỏi các chỉ số định lượng vì tuy chúng dễ đo lường nhưng thậm chí khi đạt được vẫn có thể không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, đó là các khuôn mẫu, các cấu trúc văn hóa đang loại trừ phụ nữ ra khỏi công việc quản lý, công việc kỹ thuật”.

Theo ông Bình, để giải quyết triệt để thì DN nên quan tâm đến cả tiến trình thay đổi chứ không chỉ quan tâm đến kết quả định lượng. Cùng quan điểm, TS. Phạm Quốc Lộc - Trường Đại học Thái Bình Dương cho rằng: “Nếu trong cuộc sống giới là các câu chuyện thì trong DN giới lại là các con số. Nói cách khác, để thay đổi DN cần tập trung cả vào phần định tính, đặc biệt thay đổi các cấu trúc tổ chức đang tạo ra bất bình đẳng cho phụ nữ. Nếu không, dù DN có đạt được các con số đẹp, tạo ra cảm giác bình đẳng giới đã xong, đã có nhưng thực ra luật chơi vẫn thiệt thòi cho phụ nữ”.

“Những biểu hiện của bất bình đẳng xuất phát từ các vấn đề về chuẩn mực, thực hành xã hội, có tính lịch sử, bền bỉ, lâu dài. Từ xã hội đưa vào doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tái tạo ngược trở lại, đưa ra xã hội. Lúc đó, xã hội và doanh nghiệp trở thành hai cơ chế “tiếp tay”, duy trì, củng cố các bất bình đẳng. Nên muốn có sự bình đẳng, cần nhìn sâu những nền tảng tạo ra bất bình đẳng, ở đó không chỉ có vấn đề về mặt kỹ thuật”.

TS. Phạm Quốc Lộc

Đọc thêm